Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho… do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C gây nên. Để đón Tết Mậu Tuất an lành, khỏe mạnh, chuyên gia mách cách để phòng và xử lý khi nhà có người mắc cúm mùa.
Ghi nhận tại một số bệnh viện ở Hà Nội cho thấy, gần Tết số bệnh nhân nhiễm cúm đang có xu hướng gia tăng.
Theo Lao Động, tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân là người lớn và trẻ em.
Tại bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Xanh-pôn và khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cũng đang điều trị cho hàng chục bệnh nhi bị bệnh cúm mùa.
Bệnh cảm cúm thường bị nhầm với cảm lạnh thông thường nhưng các triệu chứng của bệnh này thường nghiêm trọng hơn. Bệnh thường lành tính, diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày.
Trao đổi với Lao Động, điều dưỡng Doãn Thúy Quỳnh, Khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương đã chia sẻ cách xử lý khi trẻ bị cúm mùa:
– Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C cần hạ sốt bằng cách: Nới rộng quần áo cho trẻ. Chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹn.
Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, mỗi 4-6 giờ uống nhắc lại 1 lần nếu trẻ có sốt trên 38,5 độ C.
– Ngoài ra, cần vệ sinh đường hô hấp (mũi, miệng): Dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. (Không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ virus vẫn bám lại trên khăn).
– Hàng ngày, nhỏ dung dịch nước muối sinh lý Natriclorid 9‰ vào mắt, mũi cho trẻ, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng đối với trẻ lớn.
– Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng với nước sạch (vệ sinh cả bàn tay người chăm sóc và cả cho trẻ), tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
– Dinh dưỡng: Người lớn nên cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt: Cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước. Tăng cường bú mẹ nếu trẻ còn bú mẹ.
Tuy nhiên, nếu trẻ sốt liên tục, co giật, bỏ ăn, khó thở… thì bố mẹ nên đưa con đi viện khám thay vì tự mua thuốc, điều trị tại nhà.
Vậy khi nào nên đưa trẻ đi khám?
– Sốt cao liên tục từ 39ºC trở lên, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
– Co giật.
– Trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều, bỏ ăn hoặc bỏ bú, chân tay lạnh.
– Trẻ khó thở, thở nhanh.
Phòng lây nhiễm
– Cách ly trẻ tương đối: Hạn chế cho tiếp xúc với trẻ lành, hướng dẫn che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy.
– Mang khẩu trang khi chăm sóc trẻ.
– Tắm cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín gió, để tránh nhiễm lạnh.
Cách phòng bệnh
Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, các chủng virus cúm lây truyền từ gia cầm sang người trong dịp Tết, Bộ Y tế khuyến cáo:
– Vệ sinh mũi, họng hàng ngày, che mũi, miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
– Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
– Tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm.
– Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
– Người mắc bệnh cúm cần đeo khẩu trang và tránh đến chỗ đông người.
– Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm, thực hiện ăn chín, uống chín.
– Khi có biểu hiện của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời và cách ly.
Phương Nam