Đông cứng khớp vai còn gọi là sự dính của bao khớp, là nguyên nhân gây đau và cứng bên trong khớp, càng ngày khớp càng trở nên khó vận động. Bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh đau vai thông thường.
Cứng khớp vai chiếm khoảng 2% các tổn thương ở vai, thường thấy ở tuổi từ 40 đến 60, nữ nhiều hơn nam.
Trong bệnh lý cứng khớp vai, bao khớp dày lên và cứng chắc, cứng các dải mô quanh khớp và giảm dịch khớp. Biểu hiện của cứng khớp vai là không thể vận động khớp vai ngay cả khi có sự trợ giúp của người khác. Có 3 giai đoạn cứng khớp vai là:
Giai đoạn đau khớp vai: Bệnh nhân bị đau khớp vai với tính chất của đau do viêm. Đau cả khi nghỉ ngơi, đau nhiều về đêm có khi làm bệnh nhân tỉnh giấc.
Đau tăng với bất kỳ vận động nào của cánh tay. Ban đầu đau thường nhẹ, tăng dần và dai dẳng trong nhiều tháng. Mức độ đau thường ít trầm trọng so với viêm quanh khớp vai thông thường.
Giai đoạn đau khớp vai thường kéo dài vài tuần tới 6 đến 8 tháng. Triệu chứng nổi bật là đau khớp vai, về sau tầm vận động khớp vai giảm dần.
Giai đoạn đông cứng: Hạn chế vận động khớp vai tăng dần đến mức khớp vai như bị đông cứng lại.
Bất kỳ một vận động nào của cánh tay đều kéo theo vận động của xương bả vai mà không có vận động của khớp ổ chảo – cánh tay.
Đau khớp vai giảm dần khi khớp vai ngày càng đông cứng. Tuy nhiên, bệnh nhân không hết đau ngay cả khi khớp vai bị đông cứng hoàn toàn.
Bệnh nhân không thể cử động được vai, không với được tay lên để chải tóc, không gãi được sau lưng, không thể với tay để lấy đồ vật được.
Giai đoạn này thường kéo dài 2 đến 6 tháng, khớp vai bị mất chức năng hoàn toàn, không vận động được.
Giai đoạn tan đông: Tầm vận động của khớp vai tăng dần nhưng chậm chạp trong nhiều tháng, có khi hằng năm.
Giai đoạn này một số bệnh nhân phải dùng thuốc giảm đau. Giai đoạn tan đông kéo dài từ 1 đến 9 tháng, có thể hàng năm, cuối cùng tầm vận động của khớp vai trở lại bình thường, nhưng đau khi vận động còn kéo dài thêm một vài tháng.
Và biện pháp chữa trị
Cứng khớp vai là một thể bệnh khó khăn trong điều trị, cứng khớp vai có thể mất một hoặc nhiều năm để phục hồi. Vấn đề điều trị tập trung vào kiểm soát đau và biên độ vận động cũng như sức mạnh cơ thông qua tập vật lý trị liệu.
Hơn 90% bệnh nhân tiến triển tốt với phương pháp đơn giản giảm đau và phục hồi biên độ vận động. Bệnh nhân được dùng thuốc giúp giảm đau và giảm sưng nề.
Tập vật lý trị liệu sẽ giúp cải thiện biên độ vận động, nó có thể nhờ vào cơ sở chuyên phục hồi chức năng hay chương trình tập luyện tại nhà.
Bài tập bao gồm căng giãn, tăng biên độ vận động khớp vai, đôi khi sử dụng nhiệt làm lỏng bao khớp trước khi tập căng giãn.
– Một số bài tập đơn giản có thể giúp phục hồi trong đó có các động tác xoay ngoài thụ động bằng cách đứng trước cửa, gập khuỷu 90 độ để vịn khung cửa, giữ chặt tay và xoay người giữ 30 giây, thả thư giãn và thực hiện lại.
– Bài tập gập trước tư thế nằm cụ thể, nằm ngửa, thẳng chân, sử dụng tay lành nâng tay đau qua đầu cho đến khi thấy căng nhẹ, giữ 15 giây và từ từ hạ xuống tư thế ban đầu. Thư giãn và lặp lại.
– Bài tập căng giãn bắt chéo tay. Nhẹ nhàng đưa cánh tay bắt chéo qua ngực với khuỷu tay dưới cằm kéo cánh tay càng xa càng tốt không gây đau, giữ trong vòng 30 giây, thư giãn và lặp lại.
Nếu tập luyện những tổn thương không giảm bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, sau mổ bệnh nhân vẫn phải tập luyện để vận động khớp vai điều đó để đạt được kết quả điều trị, thời gian phục hồi kéo dài từ 6 tuần đến 3 tháng, do đó cần hiểu rằng vật lý trị liệu hết sức quan trọng để đạt phục hồi khớp vai.
Những điều không nên làm khi bị đông cứng khớp vai Không tự ý dùng thuốc giảm đau. Vì dùng thuốc giảm đau chỉ che lấp triệu chứng còn căn nguyên của bệnh thì vẫn vậy nên bệnh càng trầm trọng hơn. Chưa kể, tác dụng phụ của thuốc giảm đau sẽ là cơ hội gây bệnh gan, thận. Không dùng dầu nóng để xoa bóp cho đỡ đau. Điều này là nguy hiểm bởi vì khi bôi dầu nóng cùng với các động tác xoa bóp mạnh sẽ làm cho bao khớp co rút nhiều. Càng xoa bóp, kéo nắn càng làm cho bệnh trầm trọng hơn. |