Đại hồi còn gọi là đại hồi hương là gia vị tuyệt vời sử dụng trong nhiều món ăn Á châu. Với những thứ quả hình sao đẹp mắt mà dân gian quen gọi là hoa hồi và mùi thơm đặc trưng, Đại hồi trở thành một thành phần trong ‘Ngũ vị hương’ của người Hoa, hoặc là nguyên liệu tạo mùi trong nước dùng phở của người Việt. Hơn thế nữa, nó còn mang tính chất dược liệu với tác dụng lợi tiêu hoá, điều trị chứng khó tiêu cho đến đau nhức khớp…
Theo Y học cổ truyền, Đại hồi có vị cay, tính ôn (ấm), có tác dụng khai vị, kiện tỳ, lợi tiêu hoá; chữa nôn mửa, đau bụng do lạnh, bụng đầy chướng, đau nhức tê thấp.
Khoa học hiện đại cũng tìm ra những lợi ích sức khoẻ mà Đại hồi mang lại. Dưới đây giới thiệu với độc giả một số tác dụng tuyệt vời của vị thuốc này.
Chất chống oxy hoá trong Đại hồi giúp trung hoà các gốc tự do
Những nguy hiểm mà các gốc tự do mang lại liên quan đến bệnh đái tháo đường, viêm khớp, bệnh tim… Các chuyên gia cho rằng sao hồi là một gia vị với các đặc tính chống oxy hóa tuyệt vời cần thiết cho việc loại bỏ một lượng lớn các gốc tự do trong cơ thể.
Đại hồi có đặc tính kháng nấm tuyệt vời
Đặc tính chống nấm của gia vị hình ngôi sao này có ích cho người bị nhiễm trùng do nấm gây ra. Một ví dụ về nhiễm nấm sử dụng Đại hồi điều trị là nhiễm candida, chủng nấm candida albican có thể gây ra bệnh nhiễm trùng trên da, miệng và vùng sinh dục.
Tác nhân mạnh mẽ kháng vi trùng
Thuốc kháng sinh có thể gây ra tác dụng phụ cũng như làm gia tăng các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh. May mắn thay, có nhiều loại thảo mộc có khả năng chống lại vi khuẩn, một trong số đó là Đại hồi. Thực tế, các nhà khoa học đã nhận thấy, Đại hồi có khả năng chống lại một số chủng vi khuẩn kháng kháng sinh.
Đại hồi cũng là nguyên liệu chính sản xuất axit shikimic, thành phần cơ bản quan trọng để sản xuất ra thuốc điều trị bệnh cúm Tamiflu.
Dầu chiết xuất từ Đại hồi giảm đau khớp hiệu quả
Đau khớp là một triệu chứng khó chịu của viêm khớp. Thuốc giảm đau Tây y sử dụng trên bệnh nhân này lâu dài và lặp lại nhiều lần sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ. Do vậy, dùng một thứ đơn giản là dùng dầu Đại hồi xoa bóp bên ngoài vùng khớp cũng có tác dụng giảm đau đáng kể. Có thể ngâm Đại hồi tán nhỏ với rượu để làm thuốc xoa bóp hàng ngày.
Trà Đại hồi có tác dụng trên hệ tiêu hoá
Nhiều nơi ở châu Á có một thói quen uống trà Đại hồi sau bữa ăn. Đó là vì đồ uống này thúc đẩy quá trình tiêu hoá diễn ra tốt hơn. Trà Đại hồi cũng được dùng để giảm bớt các vấn đề đường tiêu hoá gặp phải như: khó tiêu, đau bụng, đầy hơi, hay táo bón.
Theo kinh nghiệm dân gian, dùng một thìa cà phê bột Đại hồi tán nhỏ hoà vào nước, súc miệng hàng ngày có thể điều trị hôi miệng.
Đại hồi giúp lợi sữa
Qua nhiều thế kỷ, y học truyền thống khuyên sử dụng Đại hồi để chăm sóc phụ nữ sau sinh thiếu sữa. Vị thuốc này cũng có thể sử dụng cho phụ nữ mang thai giúp tăng cường hệ miễn dịch trong cơ thể.
Tác dụng an thần
Sử dụng đại hồi cho những bệnh nhân mất ngủ là một ý tưởng tốt. Mùi hương tuyệt vời không chỉ giúp cơ thể thư giãn mà còn giúp tâm trí thoải mái hơn. Những người luôn căng thẳng, lo âu có thể đưa gia vị này vào trong món ăn, hoặc sử dụng nó như một loại trà.
Đại hồi thúc đẩy hệ tuần hoàn lưu thông tốt
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, Đại hồi giúp thúc đẩy tuần hoàn máu tốt hơn, do nó giúp việc vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy diễn ra hiệu quả hơn ở mô. Hơn nữa, nó còn chứa kali, một chất cần thiết cho hoạt động của tim và huyết áp bình thường.
Lưu ý:
Nếu dùng uống, không nên dùng lâu dài và dùng quá nhiều có thể gây độc nhẹ, kiến nghị chỉ nên dùng trong khoảng an toàn lượng 6 – 8g/ngày. Dùng ngoài thì không khuyến cáo giới hạn.
Đại hồi và Hồi Nhật Bản rất giống nhau về hình dạng. Hồi Nhật Bản kích thước bé hơn, mùi nhạt hơn và có độc tính cao, không có tác dụng chữa bệnh mà còn gây tổn thương thần kinh, thận nghiêm trọng. Do đó, cần lưu ý mua vị thuốc ở những cơ sở uy tín.
Tham khảo 1milion Health.Tip
Mộc Chi