Cấy chỉ là phương pháp châm cứu đặc biệt giúp cải thiện bệnh gút an toàn và có thể hồi phục sức khỏe nhanh chóng.
Gút (gout) là một bệnh do rối loạn chuyển hóa gây ra, bệnh gây đau đớn cho bệnh nhân, đặc biệt là có thể gây suy thận. Bệnh gây đau, gây tâm lý hoang mang, mất ăn, mất ngủ cho người bệnh. Tại Việt Nam, số người bị bệnh gút ngày càng gia tăng.
Nghiên cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội trong vòng 10 năm, từ 1991-2000, bệnh gút chiếm tỉ lệ 8,57%, vươn lên đứng hàng thứ tư các bệnh về khớp được điều trị tại đây, theo VTV.
Nguyên nhân gây bệnh gút là do axít uric trong máu tăng cao. Khi lượng axít uric tăng trên 420mmol/L (trên 7mg/dL) với nam và 360mmol/L (trên 6mmg/dL) với nữ là dấu hiệu báo nguy cơ mắc gút.
Đa số bệnh nhân mắc gút là nam giới (90-95%), tuổi thường trên 30. Các nguy cơ gây gút bao gồm:
Tình trạng uống rượu bia: có tới trên 75% bệnh nhân gút uống rượu ia thường xuyên từ 7-10 năm. Nghiện rượu thúc đẩy cơn gút cấp ở người nhạy cảm; làm tăng axít uric máu, làm giảm khả năng đào thải của thận.
Người béo phì: có nguy cơ mắc bệnh gút gấp 5 lần so với người bình thường.
Rối loạn chuyển hóa: tăng glucose máu, rối loạn lipid máu thường kết hợp với bệnh gút.
Một số bệnh lý: bệnh thận, tăng huyết áp cũng làm tăng nguy cơ bị gút.
Dược phẩm: khi dùng kéo dài làm ảnh hưởng đến tổng hợp hoặc đào thải axít uric. Nhóm thuốc này gồm: Thiazide, Furosemide, thuốc chống lao như Pyrazynamid.
Yếu tố gia đình: có thể do yếu tố gen, hoặc do cùng trong môi trường sinh hoạt, ăn uống.
Diễn biến bệnh
Diễn tiến chung của bệnh qua 4 giai đoạn: tăng axít máu đơn thuần; cơn gút cấp; khoảng cách giữa gút cấp và mạn; gút mạn.
Tăng axít máu đơn thuần thường bắt đầu từ tuổi dậy thì, kéo dài 20-40 năm mà không có triệu chứng gì, chiếm tỉ lệ 2-4 % số người lớn,
Cơn gút cấp: thường bắt đầu từ viêm đau khớp ngón cái bàn chân (chiếm 75%) và các khớp khác; đôi khi cơn gút cấp bắt đầu bằng cơn đau quặn thận.
Khoảng cách giữa các cơn gút cấp: từ cơn đầu tiên đến cơn thứ hai có thể vài tháng đến vài năm, có khi lên tới 10 năm. Càng về sau khoảng cách này càng ngắn lại.
Viêm khớp mạn: viêm nhiều khớp, có thể đối xứng, biến dạng khớp, teo cơ, cứng khớp. Giai đoạn này có thể thấy các hạt tôphi ở sụn vành tai, phần mềm cạnh khớp…; biểu hiện toàn thân: thiếu máu mạn, suy thận mạn, sỏi thận…
Trao đổi với Sức khỏe và Đời sống, BS.CKII Đỗ Tân Khoa, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Y học cổ truyền Tp.HCM cho biết: Cấy chỉ là phương pháp châm cứu đặc biệt giúp bệnh nhân cải thiện chứng bệnh và có thể hồi phục sức khỏe hoàn toàn.
Cấy chỉ là phát triển kỹ thuật cao của phương pháp châm cứu của y học cổ truyền, bằng cách đưa sợi chỉ tự tiêu vô huyệt (chỉ catgut hoặc chỉ tiêu khác), khi chỉ tiêu tan dần trong huyệt giúp gia tăng thời gian kích thích lên huyệt và kích thích tăng chuyển hóa, tăng tuần hoàn nuôi dưỡng tại vùng được cấy chỉ. Khi dùng phương pháp cấy chỉ mang lại 2 lợi ích cho người bệnh.
Đầu tiên là tăng hiệu quả của các huyệt ở cả 2 nhóm tác dụng chống viêm, giảm đau và tăng cường kích thích lên tạng phủ liên quan để điều hòa công năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Cụ thể: trong bệnh gút khi cấy vào các huyệt bổ tỳ – bổ thận giúp điều hòa công năng của tạng tỳ giúp chống rối loạn vận hóa (giúp điều hòa chuyển hóa axít uric), giúp bổ thận (điều hòa thải trừ axít uric).
Thứ hai là tiết kiệm thời gian cũng như tài chính, do liệu trình cấy chỉ trung bình 2-4 tuần cấy 1 lần, thường chỉ cấy 3 lần.
Cấy chỉ nhằm mục đích giúp cho điều hòa chức năng thận; từ đó tăng thải trừ axít u ric. Khi bệnh nhân bị đau biến dạng khớp cấy chỉ tại các huyệt tại chỗ (gần vùng khớp bị sưng đau), ví dụ ở khớp gối với các huyệt: Âm lăng tuyền, Dương lăng tuyền, Huyết hải, Lương khâu…; toàn thân cấy chỉ vào các huyệt bổ thận, bổ tỳ: Thận du, Can du, Phi dương, Dương lăng tuyền (huyệt chủ để bổ gân), Tuyệt cốt (bổ xương), tỳ du, vị du, túc tam lý (bổ tỳ)…
Phương Nam