Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, 1 tháng trở lại đây, rất đông bệnh nhi nhập viện với tình trạng sổ mũi, ho khò khè do nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV. Trong đó, nhiều bé dưới 6 tuổi rơi vào tình trạng nặng, phải thở máy.
PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Phó trưởng khoa Hô hấp, bệnh viện Nhi Trung ương cho Vietnamnet biết, số bệnh nhi nhập viện do nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV tăng đột biến trong vòng 1 tháng nay. Hiện có 20 trẻ đang phải điều trị nội trú tại bệnh viện.
Không chỉ tăng về số lượng, diễn biến các ca bệnh ngày càng phức tạp và nặng hơn. Ngày cao điểm, khoa Hô hấp đã tiếp nhận 5-10 bệnh nhân nặng, chủ yếu trẻ dưới 6 tuổi.
Zing đưa tin, cách đây 1 tuần, cháu Kiều Nhi (38 ngày tuổi, Sơn La) nhập viện Nhi Trung ương trong tình trạng khò khè, sau tim đập nhanh, tổn thương phổi, bỏ bú, lồng ngực co rút lại sau mỗi nhịp thở. Kết quả kiểm tra cho thấy, bé dương tính với virus RSV. Ngoài thở oxy, bác sĩ chỉ định truyền dịch, chạy khí dung để hỗ trợ đường thở.
Tương tự, trường hợp bé Hồng Anh (5 tháng tuổi, Phú Thọ) cũng có biểu hiện ho húng hắng, sổ mũi, sốt cao. Nghĩ con gái chỉ bị cảm cúm thông thường nên bố mẹ đã tự điều trị ở nhà, kiên trì cho bú, uống hạ sốt và dùng thêm các bài thuốc dân gian trị ho.
Sau 4 ngày, tình trạng của bé Hồng Anh ngày một nặng thêm. Khi chuyển đến bệnh viện Nhi, bé đã rơi vào tình trạng khó thở, rút lõm lồng ngực và được chẩn đoán viêm phế quản, suy hô hấp độ 2, dương tính với virus hợp bào hô hấp.
Bé Hồng Anh đã phải thở máy, sau đó thở oxy và điều trị kháng sinh gần 1 thang qua.
Virus hợp bào hô hấp RSV là gì?
PGS. Hanh cho biết, virus RSV (Respiratory Syncytial Virus) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh đường hô hấp ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh thường phát triển mạnh vào mùa đông – xuân, xuân – hè, nhưng năm nay dịch xuất hiện sớm bất thường. Nguyên nhân có thể là sự biến đổi thời tiết và cấu trúc gen của RSV.
Dấu hiệu ban đầu của bệnh RSV
Triệu chứng ban đầu thường là hắt hơi, sổ mũi nhiều và có thể sốt nhẹ tới cao nên bị nhầm lẫn bệnh cảm cúm. Một số trẻ có thể tự khỏi sau 3-5 ngày.
Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng, trẻ đẻ non, tim bẩm sinh… có sức đề kháng kém dễ bị virus tấn công. Nếu không điều trị kịp thời, trẻ có thể bị viêm đường hô hấp trên (viêm mũi họng, viêm tai giữa)… Trường hợp nặng, trẻ có thể bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi, suy thở nhanh…
Biến chứng của bệnh RSV
– Viêm phổi, viêm tiểu phế quản: Khi RSV di chuyển từ đường hô hấp trên xuống đường hô hấp dưới có thể gây ra bệnh viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản.
– Viêm tai giữa: Khi virus xâm nhập vào không gian phía sau màng nhĩ có thể gây ra viêm tai giữa.
– Hen suyễn: Người mắc RSV có thể sẽ bị hen suyễn sau này.
PGS Hanh cũng cho biết thêm, đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh do virus RSV gây ra nên khi trẻ mắc bệnh, chủ yếu điều trị bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt, đảm bảo dinh dưỡng… Những trường hợp trẻ tự khỏi vẫn cần theo dõi sát, khi có dấu hiệu nặng lên cần đưa tới cơ sở y tế kịp thời.
Cha mẹ không nên tự mua thuốc cho con uống mà nên đưa đến viện để khám. Nếu chủ quan không đưa trẻ đi khám có thể khiến virus RSV lây lan mạnh trong cộng đồng.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần rửa tay sạch trước khi chăm sóc trẻ, tránh hôn trẻ có thể làm lây lan virus.
(Tổng hợp)