Trải qua hai ca phẫu thuật vẹo cột sống kéo dài 16 tiếng, chàng trai 17 tuổi đã lấy lại được vóc dáng bình thường và cao thêm 8cm.

Zing đăng tải, ngày 7/1, Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM cho biết đơn vị này vừa phẫu thuật thành công ca vẹo cột sống nặng do mắc hội chứng Marfan cho chàng trai 17 tuổi, ngụ Vĩnh Long.

Người nhà bệnh nhân cho biết từ khi mới sinh ra, bệnh nhân đã bị vẹo cột sống nhưng không được điều trị. Đến năm 6 tuổi, gia đình có đưa con đi khám tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và được chẩn đoán vẹo cột sống nặng kèm suy dinh dưỡng.

Do không mổ được nên gia đình phải đưa con qua Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng để mang áo nẹp. Tuy nhiên, thấy tình trạng không cải thiện, một năm sau, bệnh nhân tự tháo bỏ nẹp khiến tình trạng vẹo cột sống ngày càng nặng thêm.

Ngày 30/9, bệnh nhân quyết định đến khám tại Bệnh viện Trưng Vương.

Cột sống của bệnh nhân trước và sau phẫu thuật (ảnh chụp X quang) (ảnh: Gia Đình).

Theo VnExpress, bác sĩ Hồ Nhựt Tâm, Trưởng Đơn vị Cột sống, Bệnh viện Trưng Vương, cho biết bệnh nhân vẹo cột sống nặng. Cột sống bệnh nhân quá cứng và còng, bị hạn chế chức năng hô hấp, người gầy ốm chỉ 34 kg. Sau một năm điều trị, chức năng hô hấp được cải thiện, Đăng đạt cân nặng 41 kg.

Các bác sĩ tiến hành hai cuộc phẫu thuật tổng cộng hơn 16 giờ vào tháng 10/2019. Lần mổ đầu, Đăng được cắt đĩa sống nhiều tầng. Phẫu thuật lần hai, bác sĩ trải qua hơn 11 giờ nắn chỉnh, cố định cột sống trong không gian 3 chiều, hàn xương tự thân. Nếu tính cả gây mê hồi sức thì bệnh nhân trải qua 20 giờ liền trong phòng phẫu thuật.

Theo bác sĩ Tâm, đây là trường hợp phức tạp với nhiều rủi ro, nguy cơ tử vong và liệt rất cao. Bệnh nhân được bắt 23 ốc để cố định cột sống. Ngày 7/1, Đăng hồi phục tốt, đi đứng vững vàng, tiếp tục tập thở và theo dõi định kỳ.

PGS.TS Võ Văn Thành (phải) và BS chuyên khoa II Hồ Nhật Tâm chia sẻ lại quá trình phẫu thuật cho bệnh nhân (ảnh: Gia Đình).

PGS.TS Võ Văn Thành – Cố vấn Đơn vị Cột sống, Bệnh viện Trưng Vương – cho biết: Đây là ca mổ vẹo cột sống nặng nhất tại Bệnh viện Trưng Vương từ trước đến giờ. Ngón tay, ngón chân của bệnh nhân dài bất thường. Bệnh nhân được xác định bị hội chứng Marfan nên phẫu thuật càng sớm càng tốt.

Trong ca phẫu thuật, bệnh nhân mất hơn 800mml máu nên các bác sĩ đã phải sử dụng kỹ thuật truyền máu hoàn hồi (sử dụng lại chính lượng máu của bệnh nhân đã mất để truyền lại). Sau khi phẫu thuật thành công, chiều cao bênh nhân tăng lên được 8cm (từ 1m44 lên 1m52).

Niềm vui của hai mẹ con bà Phượng khi trải qua 2 cuộc đại phẫu để hôm nay có 1 cuộc sống mới (ảnh: Vietnamnet).

Sáng nay (7/1), Đăng đi lại bình thường, trò chuyện cởi mở với mọi người. Em bảo sau mổ, em thấy mình khỏe hơn, từ giờ không sợ hàng xóm và mọi người cười chê nữa. Đăng rưng rưng xúc động nói: “Con cảm ơn GS Thành và bác sĩ Tâm đã giúp con một cơ thể mới, một cuộc sống mới”.

Sáng cùng ngày, bà Trần Ngọc Phương (45 tuổi), mẹ bệnh nhân Đăng xúc động khi được thấy con có một hình hài mới.

Bà chia sẻ, Đăng là cậu con trai duy nhất của gia đình, bị quẹo cột sống được đưa đi điều trị khắp nơi nhưng vô vọng. Tình cờ người dì Đăng xem trên ti vi thấy bác sĩ Hồ Nhựt Tâm mổ thành công 1 ca quẹo cột sống nên gia đình đã tìm đến BV Trưng Vương.

Bệnh hội chứng Marfan

Hội chứng Marfan là một tình trạng khá phổ biến, ảnh hưởng đến 1/5000 người. Tình trạng này có thể xuất hiện ở mọi người và mọi lứa tuổi và không phân biệt giới tính.

Dấu hiệu rõ ràng nhất của chứng rối loạn này bao gồm cao, gầy, tay chân dài bất thường, ngón tay, ngón chân dài không cân đối, xương ức lồi ra hay lõm vào, xương sống cong, khớp lỏng lẻo, bàn chân lớn và phẳng, cận thị nặng. Các ảnh hưởng do hội chứng Marfan gây ra có thể nhẹ hoặc nặng. Nếu động mạch chủ (là các mạch máu lớn mang máu từ tim đến các phần còn lại của cơ thể) bị ảnh hưởng thì tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng.

Trước đây, tuổi thọ trung bình của bệnh nhân mắc hội chứng Marfan là 45 tuổi, tử vong chủ yếu do biến chứng tim mạch. Hiện nay, nhờ phát hiện sớm và điều trị thích hợp, tuổi thọ đã tăng lên, có những trường hợp sống trên 70 tuổi.

Yếu tố nguy cơ lớn nhất chính là di truyền từ cha mẹ bị mắc tình trạng này.

Video xem thêm: Cậu bé dị tật cột sống và câu chuyện nghị lực khiến cả thế giới rơi nước mắt

videoinfo__video3.dkn.tv||479b6bc6b__