Sen biểu tượng cho cương trực thánh khiết giữa cõi đời rối ren. Sen còn là cây thuốc quý, bộ phận nào cũng có thể được dùng để phòng trị bệnh, vô cùng hữu ích

Trong Nho giáo, Sen được ví như người quân tử, đứng thẳng giữa trời không cành không nhánh, chỉ có thể đứng từ xa thưởng thức mà không thể lại gần đùa giỡn. Trong Phật giáo, Sen là biểu tượng của trái tim người tu luyện, mọc lên từ bùn đất mà vẫn tỏa hương thơm ngát. Theo Đông y, nhiều bộ phận của cây Sen được sử dụng làm thuốc và có nhiều công dụng trong việc chữa trị bệnh.

Liên nhục

Liên nhục là hạt Sen, loại hạt sen màu đen, mọc chìm trong nước còn được gọi là Thạch liên tử. Trong Liên nhục có nhiều tinh bột, đường, chất đạm, chất béo và một số khoáng chất như canxi, photpho và các alcaloid với tỷ lệ thấp.

(Ảnh: goodprice.vn)

Theo Đông y, hạt sen vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ dưỡng tâm, sáp trường và cố tinh, là thức quả quý để bổ Tỳ. Có thể là tâm thận tương giao do đó, chúng được dùng làm thuốc bổ, chữa tỳ hư sinh tiết tả, di mộng tinh, đới hạ, băng lậu, mất ngủ và thần kinh suy nhược.

Liều dùng 10-30g/ ngày, không dùng cho người đại tiện táo.

Tâm sen

Tâm sen là chồi mầm màu xanh ở giữa hạt, có 4 lá non gấp lại, thường được gọi là liên tử tâm. Tâm sen có vị rất đắng, tính hàn, có tác dụng thanh tâm an thần, dùng điều trị các bệnh tim đập nhanh, huyết áp cao, hồi hộp hoảng hốt, mất ngủ.

(Ảnh: linkedin.com)

Theo tài liệu cổ, Tâm sen tán nhỏ, chiêu cùng nước gạo có thể trị bệnh sản hậu mất máu quá nhiều, huyết kiệt. Liều dùng 1,5-3g/ ngày.

Lưu ý: không nên sử dụng thường xuyên, lâu dài cho người có thể trạng hàn.

Liên phòng

Là gương sen già sau khi lấy hết hột, phơi khô. Trong Liên phòng có chứa chất đạm, chất béo, carbonhyđrat và một lượng nhỏ vitamin C.

(Ảnh: tvclip.biz)

Theo Đông y Liên phòng có vị đắng tính ôn, tác dụng tiêu ứ, cầm máu và chữa các bệnh chảy máu hiệu quả như: chảy máu tử cung, băng huyết, đi ngoài ra máu, đau bụng dưới do ứ huyết. Trong các bài thuốc cầm máu thường có Liên phòng đốt cháy, tán nhỏ kết hợp cùng các vị thuốc đông y khác. Liều dùng từ 15-30g/ngày.

Liên tu

Liên tu là chỉ nhị của hoa sen đã bỏ phần nhị còn được gọi là tua nhị Sen.

(Ảnh: afamily.vn)

Theo Đông y, Liên tu vị ngọt, tính ấm, có tác dụng sáp tinh, ích thận, thanh tâm và chỉ huyết. Liên tu thường được dùng để chữa băng huyết, thổ huyết, di mộng tinh, trĩ, đái dầm, bạch đới, đái nhiều.Liều dùng 3-10g/ ngày.

Hà diệp

Hà diệp là lá của cây Sen. Trong lá sen có chứa 15 alcaloid và nuciferin. Ngoài ra, chúng còn có các acid hữu cơ, tanin và vitamin C.

(Ảnh: pinterest.com)

Theo Đông y, lá sen có vị đắng, tính bình có tác dụng thăng thanh tán ứ, thanh thử hành thủy thường được sử dụng để hạ huyết áp, thanh thử (chữa say nắng), chỉ huyết (đốt cháy, tán nhỏ), hạ mỡ máu.

Liên ngẫu

Liên ngẫu là hay củ sen.

Theo Đông y, Liên ngẫu dùng sống vị ngọt, tính hàn, có tác dụng lương huyết, tán ứ, giải nhiệt độc, chỉ khát trừ phiền. Liên ngẫu được dùng trong các trường hợp chảy máu như nôn ra máu, chảy máu cam, đại tiểu tiện ra máu. Dùng nước ép từ củ sen sống còn giúp trừ phiền khát, giải rượu, giải độc cua.

(Ảnh: baomoi.com)

Liên ngẫu khi nấu chín vị ngọt, tính ôn, có tác dụng ích vị, bổ tâm (củ rỗng đồng hình với quả tim), được dùng để cầm đi ngoài, giảm bớt tính chỉ nóng giận.

Ngoài ra, củ sen còn có thể dùng đắp ngoài da để điều trị các vết thương đụng dập (củ sen sống), bệnh loét do thời tiết lạnh (củ sen chín)…

Các bộ phận của cây sen đều rất lành tính và có nhiều công dụng chữa bệnh cho con người. Tuy nhiên để đạt hiệu quả trị bệnh tốt nhất thì nên tham vấn các các sĩ chuyên khoa, đề phòng các tác dụng không mong muốn.

Tam Cương t/h