Ai xem qua bộ phim “Người tình của Tần Thủy Hoàng” chắc còn nhớ cảnh Tần Thủy Hoàng và A Phòng cầu khẩn cứu tinh Khương Thái Công xuất hiện. Thực ra, Khương Thái Công vốn là “người có thật”, nổi tiếng với thuật dưỡng sinh câu cá không mồi.
Khương Thái Công tức là Khương Tử Nha, tên là Thượng. Trong sử gọi là Lã Thượng, do đức cao vọng trọng mà tuổi thọ lại cao, nên mới có biệt danh là “Khương Thái Công”.
Trong lịch sử, ông là nhân vật điển hình trong số những người sự thành đạt muộn, đã qua cái tuổi “cổ lai hy” mà vẫn chưa gặp vận, vẫn chỉ là một người chẳng có chút tiếng tăm. Về sau, nghe được tin Chu Văn Vương hết mực tôn trọng các bậc hiền tài, ông liền đến bờ sông Vị Thủy thả cần câu cá, tự di dưỡng tâm trí, rèn luyện nghị lực, và chờ thời…
Thái Công thả cần câu cá mà không dùng đến mồi! Đó là vì, chính như trong giai thoại truyền tụng, Thái Công câu cá cốt là để chờ người! (Khương Thái Công câu ngư, nguyện lai giả thượng câu). Cuối cùng thì trời xanh đã không phụ lòng người, tới năm 80 tuổi thì Khương Tử Nha đã được Chu Văn Vương phát hiện, mời về triều giữ chức tể tướng. Khương Thái Công cũng đã không phụ lòng mong đợi, bằng tài trí và đức độ cao thượng, ông đã lập công lớn trong sự nghiệp an bang trị quốc, xây dựng nên nền móng vững chắc cho đại nghiệp nhà Chu.
Khương Thái Công đã lấy việc câu cá để làm thuật dưỡng sinh. Hàng chục năm liền, ngay cả khi đã giữ trọng trách trong triều, cứ rảnh việc là ông lại vác cần ra bờ sông câu cá, lại lặng lẽ ngắm nhìn trời nước một màu… “Túy ông chi ý bất tại tửu” – Đối với Khương Thái Công, câu cá thực ra chỉ là một hình thức bên ngoài. Lưỡi câu có gài mồi hay không chẳng quan trọng. Câu được cá hay không chẳng phải là mục đích. Chủ yếu là đi câu để có được điều kiện lặng lẽ mà ngắm nhìn chiếc phao bập bềnh, dõi theo đàn cá bơi qua bơi lại và lấy đó làm vui. Nước lấp lánh dưới sông, liễu đu đưa trên bờ, chim ca hót líu lô và trời xanh bao la… Đó chính là những thứ đã giúp ông tĩnh dưỡng tinh thần và hun đúc ý chí. Còn động tác nhấc cần và thả cần xuống nước thì giúp ông rèn luyện thân thể, làm xương cốt và cơ gân thêm phần dẻo dai.
Chính nhờ có phương pháp di dưỡng thể xác và tinh thần độc đáo như vậy mà Khương Thái Công đã thọ tới 97 tuổi – Tận hưởng hết “tuổi trời”. Trong cái thời đại mà những người 70 tuổi đã được coi là “xưa nay hiếm” đó, làm được như thế không phải dễ!
Người đời sau đã tổng kết bí quyết dưỡng sinh của Khương Thái Công như sau: “Khoáng đạt, đạm bạc, động tĩnh điều hòa, thiên nhân hợp nhất”.
Dưới giác độ dưỡng sinh mà nói, câu cá là một hình thức hoạt động rất hài hòa và thống nhất giữa thể xác và tinh thần. Nếu phân tích cụ thể hơn, có thể thấy câu cá có những lợi ích đối với thân thể và tinh thần như sau:
- Một là, những nơi ao hồ và sông suối có môi trường sinh thái rất tốt: Cây xanh, không khí trong lành và chứa nhiều ion mang điện tích âm, giúp cơ thể nâng cao khả năng miễn dịch. Quang cảnh tĩnh mịch khiến cho tấm lòng rộng mở tinh thần vui tươi. Trường kỳ tắm mình trong môi trường thiên nhiên đó rất có lợi cho sự tuần hoàn của huyết mạch và các quá trình trao đổi chất, đặc biệt là có lợi cho việc cải thiện đại não và hệ thống thần kinh trung ương.
- Hai là, các động tác thả lưỡi câu và giật cá giúp cho toàn thân hoạt động nhịp nhàng, cột sống, đôi chân, cánh tay và cổ tay đều hoạt động với cường độ vừa phải, rất có ích đối với sự rèn luyện cơ bắp và huyết mạch.
Mượn việc câu cá để rèn thân thể, luyện ý chí, thử thách nghị lực và tính nhẫn nại là một phát minh rất độc đáo của Khương Thái Công. Thuật câu cá đã mang đến cho ông một tâm hồn khoáng đạt, tinh thần mưu đại nghiệp mà không cầu danh lợi, sự đạm bạc và minh triết của một bậc thánh nhân. Chính nhờ các yếu tố đó nên Khương Thái Công đã đạt tới tuổi thọ rất cao.
Theo lương y Thái Hư/ thuocvuonnha.com