Nhiều người thường nghĩ chứng thận hư chỉ xảy ra và có hại với nam giới. Nhưng trên thực tế, chứng bệnh này lại gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng tới sức khỏe phụ nữ.
Các chuyên gia y khoa Trung Quốc từng làm một cuộc điều tra về độ tuổi bình quân xuất hiện và mãn kinh ở nữ giới và phát hiện độ tuổi trung bình mãn kinh là 49. Điều này cũng tình cờ trùng hợp như trong cuốn Hoàng đế nội kinh đề cập. Hoàng đế nội kinh dùng số 7 làm đơn vị để chia chu kỳ sinh lý của nữ giới, trong đó có đoạn:
“Con gái 7 tuổi thời Thận-khí đầy đủ, răng đổi tóc dài, 2 lần 7 (14 tuổi) thời Thiên quý sinh ra, Nhâm mạch thông, Thái xung mạch thịnh, kinh nguyệt đúng kỳ xuống nên mới có con… Đến năm 7 lần 7 (49 tuổi) Nhâm mạch hư, Thái xung mạch kém sút, Thiên quý hết, địa đạo không thông, cho nên thân thể hao mòn mà không có con”.
Qua đây có thể thấy rõ hai vấn đề:
- Thứ nhất, là tính vĩ đại và khoa học của cuốn Hoàng đế nội kinh, từ hàng ngàn năm trước đã có thể nắm bắt một cách chính xác về sinh mệnh
- Thứ hai, quy luật của sinh mệnh và cơ thể người từ cổ tới nay không hề thay đổi, là bởi vì thiên nhân hợp nhất. Nhật nguyệt, bốn mùa, âm dương đều không thay đổi, từ đó quyết định quy luật cơ bản của sinh mệnh cũng bất biến.
Sự thay đổi của chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới liên quan tới điều gì? Quan trọng nhất đó chính là thận khí của con người. Khi thận khí đầy đủ, từ màu sắc hay lượng kinh đều tương đối bình thường, tức là khi tới ngày rụng trứng sẽ không bị đau bụng. Nếu cảm thấy không thoải mái là hiện tượng bất bình thường.
Tại sao Thận khí hư tổn sẽ làm cơ thể lão hóa?
Theo Đông y, nữ giới lấy huyết làm gốc, chu kỳ kinh nguyệt mỗi tháng sẽ tạo thành quá trình trao đổi chất mới của cơ thể. Đây chính là hệ thống thải độc lớn nhất, mạnh nhất và có thể loại bỏ nhiều độc tố nhất ở nữ giới. Tuy nhiên, nếu thận khí không đủ, sẽ làm lượng kinh ít hoặc vô kinh. Độc tố trong cơ thể nếu không được thải ra thông suốt, sẽ tích tụ và gây tình trạng oxy hóa tế bào làm người ta già đi nhanh chóng.
Sau khi qua tuổi mãn kinh, kinh nguyệt ở nữ giới sẽ thi thoảng xuất hiện và đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Kỳ thực, nữ giới sau độ tuổi mãn kinh cũng đồng nghĩa với việc một đường thông thải độc trong cơ thể bị đóng, nên cần bảo trì quá trình đại tiểu tiện thông suốt vì đây chính là một hệ thống thải độc khác của cơ thể. Khi bước vào thời kỳ này, cơ thể sẽ tự có những điều tiết cho phù hợp và xuất hiện các biểu hiện khác nhau. Đây là phản ứng tự bảo vệ hoàn toàn bình thường của cơ thể khi Thận khí hư, không đầy đủ năng lượng như ban đầu. Cần đóng một đường thông đạo để tự bảo vệ mình, dùng năng lượng Thận tinh nuôi dưỡng cơ thể.
Tuy nhiên, do cách giảm cân không lành mạnh và cực đoan khác nhau, một số phụ nữ mãn kinh khi còn rất trẻ. Họ rồi sẽ già trước tuổi và lão hóa rất nhanh chóng. Vào thời điểm này, việc ăn nhiều các thực phẩm chứa collagen đều là vô ích. Điều quan trọng nhất cần bảo dưỡng tinh khí của thận, và bù lại thận tinh, thận khí đã bị hư mới có thể khỏe mạnh và trẻ trung.
Biểu hiện và tác hại của thận hư ở nữ giới
1. Tâm tình phiền muộn, mất ngủ, mộng mị
Thận âm hư sẽ dẫn tới nóng trong, hư nhược, gây ra cảm giác phiền toái, bất an. Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn tới chứng mất ngủ, mộng mị.
Thể trạng âm hư, tinh thần sa sút còn kéo theo xương cốt bất ổn. Đây cũng là lý do mà nhiều chị em mắc chứng thận âm hư thường xuyên thấy đau thắt lưng, đầu gối bủn rủn, chân tay yếu ớt vô lực.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng thận âm hư ở nữ giới là do áp lực công việc và áp lực tâm lý, chuyện phòng the không tiết chế, ăn quá nhiều món cay nóng.
Để cải thiện tình trạng nên ăn nhiều các thực phẩm dưỡng thận âm như thịt ba ba, mộc nhĩ, hạt sen, câu kỷ tử…
2. Mí mắt phù thũng, quầng thâm đậm màu
Theo quan niệm của Trung Y, thận chủ thủy, thận hư khiến cho dịch thủy không thông, làm nước trong cơ thể bị ứ trệ, dẫn đến tình trạng phù và đặc biệt phổ biến ở vùng mắt. Về việc mắt có quầng thâm, sắc mặt tái nhợt là bởi thận hư dẫn tới máu khó lưu thông. Muốn cải thiện nên uống lượng nước vừa phải trước khi đi ngủ.
3. Sợ lạnh
Do nhịp tim đập chậm lại, huyết áp giảm xuống, nhiệt độ cơ thể sẽ hạ thấp nên nữ giới mắc thận hư thường rất sợ lạnh, sức chịu lạnh kém. Dù mặc nhiều quần áo vẫn luôn thấy lạnh vào mùa đông, nếu bị cảm lạnh còn thường đi kèm với triệu chứng tiêu chảy. Để cải thiện nên tăng cường ăn các thực phẩm làm ấm và bổ thận dương như hành, gừng, thịt dê, thịt bò, rau hẹ…
4. Mãn kinh sớm
Trung y cho rằng chứng “hư” chính là sự già yếu, vì thế, nữ giới bị “thận hư” càng nhanh lão hóa và mãn kinh sớm hơn những đối tượng khác. Phụ nữ từ độ tuổi 50 trở đi sẽ bước vào thời kỳ mãn kinh, nhưng người bị thận hư có biểu hiện mãn kinh xuất hiện sớm hơn như: lãnh cảm trong chuyện phòng the, lo nghĩ, đa nghi…
Món ăn giúp bổ thận dưỡng nhan
Nguyên liệu: Gạo lứt, đậu đen, vừng đen, hạt sen lượng vừa đủ.
Cách làm: Vo sạch các nguyên liệu, hạt sen bỏ tâm và ninh thành cháo ăn hàng ngày.
Công dụng: Bổ thận dưỡng huyết, tăng cường sức đề kháng, giúp khí huyết tràn đầy, dưỡng nhan, chống lão hóa.
- Gạo đen: Gạo đen không chỉ được Đông y đánh giá cao mà Tây y cũng vô cùng khen ngợi. Đây là thực phẩm tốt cho sức khỏe, bổ thận hàng đầu, có nhiều giá trị dinh dưỡng và dược liệu đáng quý.
- Vừng đen: Theo y học cổ truyền, vừng đen tính bình, vị ngọt, lợi về kinh Can, Thận, Đại trường. Có tác dụng bổ can, bổ thận, bổ huyết, nhuận tràng. Dùng trong trường hợp đau đầu, hoa mắt, ù, lãng tai, tóc bạc sớm, da khô, huyết hư, phế âm hư tổn.
- Đậu đen: Theo Đông y, đậu đen có tính hơi ôn, vị ngọt, quy kinh thận. Đậu đen có tác dụng trừ thấp, giải độc, bổ huyết, bổ thận, bồi bổ cơ thể. Những vị thuốc được chế từ đậu đen có tác dụng bổ thận thủy.
- Hạt sen: Hạt sen có vị ngọt, tính bình, vào 3 kinh tâm, tỳ, thận với tác dụng bổ tỳ, dưỡng tâm, sáp trường, cố tinh, làm đẹp da, chống lão hóa.
Kiên Định
Nguồn tham khảo: Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung