Các chuyên gia cảnh báo tình trạng học sinh bị rối loạn cảm xúc, lo âu, học nhiều hay kết quả học tập giảm sút đang gia tăng, trái ngược hẳn với hình tượng những đứa trẻ vô tư, hồn nhiên như tờ giấy trắng.
Ngay tại Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, chỉ trong vòng 1 tuần đã có 6 học sinh bị rối loạn cảm xúc, lo âu, kết quả học tập giảm sút vào điều trị tại đây.
Nhiều người cho nghĩ rằng tình trạng rối loạn tâm lý chỉ xảy ra ở người lớn khi họ gặp những khó khăn, áp lực bởi trăm nghìn mối lo “cơm, áo, gạo, tiền”? Tuy nhiên, sự thật là trong cuộc sống hiện nay, trẻ em cũng chịu nhiều áp lực nên tâm lý dễ bị căng thẳng hơn.
Nguyên nhân dẫn đến chứng rối loạn tâm lý ở trẻ thường là do áp lực học hành, bố mẹ quá bận rộn, thường cãi nhau và ly hôn. Nguy hiểm hơn, những vấn đề về tâm lý như thế này đều để lại những dấu ấn đậm, nhạt khác nhau trong tâm hồn trẻ thơ và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của con.
Việc xác định được bệnh ở trẻ là rất khó và dễ nhầm lẫn với nhiều hành vi bình thường khác. Nguyên nhân chính là vì các bé thiếu ngôn ngữ và khả năng để giải thích rõ ràng cho bạn. Hơn thế nữa, những lo ngại về sự kỳ thị bệnh tâm thần, các loại thuốc tâm thần và chi phí điều trị cũng có thể làm bạn không tin con mắc bệnh này.
Lo âu vì học nhiều, ít vui chơi là một nguyên nhân của chứng rối loạn tâm thần ở trẻ
Một trong số những người bệnh đến bệnh viện là em N.N.D., học sinh lớp 6 ở Hải Phòng. Mẹ em D. cho hay trước khi đến bệnh viện, D. có các biểu hiện lạ như có tiếng ùng oàng bên tai, tê nửa người, choáng, hay đau đầu. Thời gian biểu hằng ngày của D. ngoài giờ ngủ là học suốt, có thời gian rỗi để chơi thì chỉ chơi với em, chiều thứ bảy và chủ nhật được nghỉ thì lại lo bài vở cho tuần sau.
Một học sinh khác là M.L. học lớp 10 ở Thanh Hóa cho biết thời gian qua em đã dồn sức để thi vào lớp 10. Người thân của L. cho biết bình thường em hay nói chuyện với mọi người trong gia đình, nay thì ít nói, hay có biểu hiện sợ sệt.
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Mai Lan, áp lực quá nhiều có thể khiến trẻ có các biểu hiện lạ, đặc biệt là luôn có cảm giác lo âu, biểu hiện ở cơ thể là run chân tay, bồn chồn, kết quả học hành có kém đi, lo sợ khi đến lớp đến trường, ở trường chỉ cần cô giáo gọi đến tên là cháu run bắn lên…
Tự tử, trầm cảm gia tăng chỉ vì điện thoại thông minh
Trong bài báo vừa đăng tải trên tạp chí The Conversation, Giáo sư tâm lý học Jean Twenge cho biết trong vòng 5 năm từ giữa năm 2010 đến 2015, số thanh thiếu niên Mỹ gặp phải các triệu chứng trầm cảm, nghĩ mình vô dụng đã tăng thêm 33% và tỉ lệ tự tử cũng tăng 31% so với các năm về trước.
“Phân tích của chúng tôi cho thấy thế hệ thanh thiếu niên mà tôi gọi là “iGen” – những người sinh sau năm 1995 – có nhiều khả năng gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần hơn những thế hệ trước đó” – giáo sư Twenge viết.
Trong bài báo cáo vừa xuất bản trên tạp chí khoa học Clinical Psychological Science, ông và nhóm của mình đã trình bày nghiên cứu về lý do khiến bóng ma trầm cảm – tự tử đè nặng lên những người sinh sau năm 1995: chiếc điện thoại thông minh.
Theo các số liệu được thống kê, tỉ lệ trầm cảm thiếu niên và độ phổ biến của điện thoại thông minh đã tăng song song trong thời gian qua, đặc biệt là nếu các em dùng các ứng dụng liên quan đến internet. Nếu một thiếu niên gắn bó với chiếc điện thoại trên 5 tiếng mỗi ngày, nguy cơ trầm cảm nặng, tự tử hoặc có ý định tự tử tăng đến 71% so với người chỉ dùng điện thoại 1 giờ/ngày. Nguy cơ tự tử bắt đầu tăng đáng kể từ mốc sử dụng 2 giờ/ngày.
Việc điều trị rối loạn tâm lý cho trẻ em hiện còn nhiều gặp nhiều khó khăn, do đó các bậc cha mẹ cần dành thời gian lưu tâm thêm đến sự phát triển và các thay đổi ở trẻ để kịp thời can thiệp trước khi tình trạng trở nên nghiêm trọng.
Một số phương pháp điều trị như nghệ thuật có thể giúp ích đặc biệt cho trẻ nhỏ có vấn đề trong giao tiếp.
Nếu bạn đang lo lắng về sức khỏe tâm lý của con thì cần tìm đến những nhà tư vấn y khoa. Với những sự hỗ trợ thích hợp, bạn có thể tìm hiểu rõ hơn về bệnh, tình trạng của trẻ cũng như các lựa chọn điều trị để giúp cho bé khỏe mạnh hơn đấy!
Hoàng Kỳ
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.