Viêm thanh quản là bệnh thường gặp khi trời trở lạnh, nhất là giáo viên những người hay phải sử dụng giọng nói. Vậy đâu là nguyên nhân và làm sao để khắc phục?

Thanh quản là một bộ phận của đường hô hấp được cấu tạo bởi các sụn, là phần đầu của đường dẫn khí dưới họng. Trong thanh quản có 2 dây thanh âm, mỗi khi dây thanh âm rung là phát ra âm thanh. Viêm thanh quản là hiện tượng viêm nhiễm ở dây thanh âm hoặc toàn bộ niêm mạc thanh quản. Bệnh gây khàn tiếng, thậm chí tắt tiếng hoàn toàn. Đôi khi có thể khó thở do hiện tượng sưng nề nặng, đặc trưng bởi tiếng thở rít khi hít vào. Vậy những biểu hiện và nguyên nhân gây bệnh là gì?

1.Triệu chứng viêm thanh quản

* Khó nói, mất giọng: Lúc bị viêm, dây thanh âm khép không kín, lượng không khí từ phổi đi ra khi nói gấp 3 lần bình thường gây nên tình trạng khó nói thậm chí là mất giọng.

* Khô, ngứa và đau rát cổ họng: Dây thanh quản bị kích ứng do viêm gây ra cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Viêm cấp tính hay mãn tính đều xuất hiện triệu chứng khô, đau rát họng đặc biệt vào buổi sáng.

* Ho: Bệnh nhân thường xuất hiện các cơn ho khan, ho khù khụ gây bỏng rát trong cổ họng, có thể kèm theo đờm.

* Sốt: Triệu chứng ban đầu của bệnh khá giống với cảm sốt thông thường. Sau đó viêm thanh quản sẽ xuất hiện với những cơn sốt nhẹ hoặc sốt cao trên 38,5 độ ở mức độ thường xuyên hơn.

2. Nguyên nhân gây viêm thanh quản 

2.1 Viêm thanh quản cấp tính

Viêm thanh quản là tình trạng viêm các nếp gấp thanh quản, bệnh ở giai đoạn cấp tính diễn ra ít hơn 3 tuần. Nguyên nhân chủ yếu bao gồm:

* Nhiễm trùng đường hô hấp trên (thường là virus cúm), cảm lạnh, cảm cúm

* Khàn giọng do la hét và nói quá nhiều

2.2 Viêm thanh quản mãn tính

Viêm thanh quản mạn tính là tình trạng viêm nhiễm kéo dài (trên 3 tuần). Nguyên nhân gây bệnh mạn tính chủ yếu là do:

* Biến chứng do viêm cấp tính gây nên

* Hút thuốc hoặc hít phải khói, khí hoá chất và chất gây dị ứng

* Trào ngược axit từ dạ dày vào thanh quản (laryngopharyngeal reflux)

* Viêm hay nhiễm trùng xoang

* Sử dụng giọng nói nhiều do tính chất nghề nghiệp

 

Lạm dụng giọng quá nhiều hoặc do nghề nghiệp như giáo viên, ca sĩ là một trong những nguyên nhân gây viêm thanh quản (Ảnh: health.ettoday.net)

3. Bài thuốc dân gian điều trị viêm thanh quản

1. Chữa viêm thanh quản bằng giá đỗ

Nguyên liệu: Giá đỗ 200g, 1 củ gừng nhỏ, 1 thìa muối.

Cách làm: Rửa sạch giá đỗ và trần qua nước sôi rồi để nguội. Cho giá, vài lát gừng và muối vào máy sinh tố đem xay nát, sau đó lọc lấy nước uống từng ngụm nuốt từ từ. Ngậm bã khoảng 5 phút để cho những chất có trong hỗn hợp hỗ trợ tác động giảm khàn tiếng. Chú ý không nên trần giá quá kỹ sẽ phá hủy enzym làm giảm hiệu quả trị liệu.

Theo Đông y, giá đỗ có tính năng thanh nhiệt, giải độc, chỉ khát, hạ hỏa, thông tiểu, tiêu thực, sinh tân dịch nên dùng để giải khát rất tốt. Đông y thường dùng để trị bệnh đầy bụng, phân sống, khàn tiếng, giải độc kim loại, giải rượu…Trong nó có chứa enzym có tác dụng chữa khàn giọng, giảm nhanh triệu chứng viêm thanh quản mãn tính.

2. Chữa bệnh viêm thanh quản với gừng

Gừng là gia vị phổ biến thường xuất hiện ở nhiều bài thuốc dân gian, với các bệnh viêm đường hô hấp, viêm thanh quản cũng là thực phẩm hỗ trợ trị liệu hiệu quả. 

Cách làm: Lấy gừng tươi gọt vỏ rửa sạch sau đó cắt thành từng lát mỏng thái sợi. Sau đó cho vào nồi nước đem đun sôi trong khoảng 10 phút. Để nguội bớt rồi chắt lấy nước bỏ bã và uống nhiều lần trong ngày. Nếu có chanh tươi và mật ong thì bạn có thể cho vào cùng sẽ mang lại kết quả tốt hơn.

Enzym trong giá đỗ có tác dụng chữa khàn giọng, giảm nhanh triệu chứng viêm thanh quản mãn tính hiệu quả (Ảnh: wukong.com)

3. Chữa viêm thanh quản bằng tỏi

Thêm một bí quyết chữa viêm thanh quản cấp và mãn tính ở trẻ em là dùng tỏi tươi. Theo Tây y, các chất allicin chứa trong loại củ này có tác dụng long đờm, diệt virus, chống viêm, kháng khuẩn hiệu quả. Cách đơn giản nhất là nhai vài tép tỏi sống và sau đó nuốt nước từ từ. Nếu không chịu được mùi hăng có thể cắt lát nhỏ rồi cho vào lọ thủy tinh sạch và đổ thêm một ít giấm táo và nước cất đậy nắp. Thường xuyên lắc bình để cho dịch tỏi tiết ra nhanh hơn, ngâm khoảng 4h rồi cho thêm một chút mật ong nguyên chất vào trộn đều là dùng được. Mỗi ngày uống 3 đến 4 lần, mỗi lần 1 thìa. Chứng đau rát họng, khàn tiếng do viêm thanh quản nhanh chóng biến mất sau đó.

4. Chữa viêm thanh quản bằng chanh và mật ong

Chanh tươi và mật ong cũng là bài thuốc dân gian điều trị các bệnh về đường hô hấp như đau họng, viêm amidan, viêm thanh quản mãn tính hiệu quả.

Cách làm: Lấy 1 quả chanh, rửa sạch và dùng dao bén khía lớp vỏ ngoài quả thành hình múi khế. Đặt quả vào một cái chén nhỏ rồi cho thêm mật ong nguyên chất đủ để thấm được vào cả quả. Sau 2h thì lấy chanh ra cắt miếng và ngậm nuốt nước từ từ, uống luôn cả phần nước mật ong và chanh tươi sẽ rất tốt.

5. Chữa viêm thanh quản bằng cây rẻ quạt

Rẻ quạt là vị thuốc giúp phục hồi và bảo vệ thanh quản hiệu quả (Ảnh: kknew.cc)

Nguyên liệu: 3- 6g rẻ quạt khô hoặc 10- 20g thân rễ rẻ quạt tươi.

Cách thực hiện: Đối với rẻ quạt khô, đem sắc uống thay nước hoặc vo viên ngậm. Đối với rẻ quạt tươi, đem rửa sạch và chần qua nước sôi. Sau đó giã nát với muối và vắt lấy nước ngậm nuốt từ từ.

Tác dụng: Phục hồi và bảo vệ dây thanh quản, chống vi sinh vật xâm nhập, cải thiện các triệu chứng khàn tiếng, mất tiếng. Theo Đông y, rẻ quạt có vị đắng, tính hàn, thanh nhiệt giải độc, tán kết tiêu viêm, chỉ khái, hóa đàm, thân, rễ và lá đều nhuận tràng, lợi tiêu hóa. Y học cổ truyền thường dùng để trị viêm họng sưng đau, ho nhiều đờm rãi, kết đàm hạch, nhức đau tai, sưng amidan, sưng vú, tắc sữa, đại tiện không thông; đau bụng khi thấy kinh. Dùng ngoài trị vết thương trẹo chân, rắn cắn, đắp vết thương và trị đau răng.

Kiên Định t/h