Những ngày qua, cộng đồng y bác sĩ Việt Nam đang chia sẻ một câu chuyện do đương kim Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) kể về một ê-kíp sản khoa từ chối mổ cho một sản phụ đã chết để cứu thai nhi, dù hi vọng thành công lên tới 20%. Họ sợ trở thành “Hoàng Công Lương” thứ hai. Khác với các vụ tai biến chết người mà báo chí thường đồng loạt đăng tải để phê phán, sự việc này có ít người quan tâm, đây là một xu hướng đáng sợ!
Câu chuyện do Tiến sỹ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Y tế, kể lại như sau:
“Chuyện là, khi đến một tỉnh phía Bắc để xử lý trường hợp sản phụ tử vong, đoàn công tác của Bộ Y tế đã phát hiện, khi người mẹ chết, thai nhi vẫn còn có thể được cứu, dù tỉ lệ thành công chỉ còn 20%. Một giáo sư sản khoa trong đoàn đã phát hiện tình tiết: dù sản phụ đã chết, nhưng tim thai vẫn còn đập đến 5 phút sau đó. Nếu bác sĩ quyết định mổ cấp cứu nhanh, bỏ qua các bước quy trình, thì có thể cứu sống thai nhi, dù chỉ có 20% hy vọng.
Tuy vậy, ê-kíp bác sĩ trực ca này đã không cứu thai nhi, họ trả lời thành thực:
“Từ vụ bác sĩ Hoàng Công Lương ở Hòa Bình bị khởi tố, chúng em không dám làm sai quy trình. Nếu thành công, đây là điều kỳ diệu. Nếu thất bại, chúng em sẽ bị khởi tố vì ai cho mổ để chết cả mẹ lẫn con”.
Trong trường hợp này, hai mẹ con sản phụ đều tử vong”.
Điều đáng sợ ở đây là giới y khoa đang truyền tải thông điệp này như một phao cứu sinh “hợp pháp” của họ. Như vậy còn nhiều sinh mệnh khác sẽ phải chết khi còn cơ hội sống, vì các bác sĩ đã bị trói tay bởi quy trình quản lý. Công chúng sẽ ít có lý do để lên án bác sĩ, nhưng những sinh mạng lâm nguy, trong tình huống dễ gây tranh cãi về trách nhiệm, cũng sẽ buộc phải lặng lẽ ra đi…
Vậy, hiện tượng bác sỹ bỏ mặc bệnh nhân “chết đúng quy trình” này xuất phát từ đâu?
Trong trào lưu hiện nay, xã hội luôn chờ dịp lên án bệnh viện, báo chí chăm chăm khai thác thông tin phiến diện về những ca bệnh nhân tử vong, giật tít “cái chết bất thường”, tin bài thiếu sự phê duyệt của biên tập viên có trách nhiệm xã hội và kiến thức y học… Tất cả những điều đó đã khiến cho nhiều y bác sĩ chán nản, hoang mang với nghề. Vụ án của bác sỹ Hoàng Công Lương chính là một giọt nước làm tràn ly. Khi mà các hội đồng y khoa có chuyên môn, cơ quan chủ quản Bộ Y tế tham gia minh oan, người nhà nạn nhân muốn giúp bác sỹ… nhưng Toà án tỉnh Hoà Bình vẫn kết án tù Hoàng Công Lương.
Ấy thế mà một câu chuyện thương tâm như ông vụ trưởng kể bên trên, lại không thấy báo giới có “nhã hứng” khai thác. Có thể nói, báo chí ngày nay đã quá “nhiệt tình” đăng tin giật gân, kích động người dân chán ghét ngành y, mà không lường trước hậu quả. Thời nay, nếu có sai sót y khoa nào vừa phát lộ thì các báo sẽ nhao nhao xâu xé, mô tả cụ thể đám tang ra sao, người nhà đau khổ thế nào, bệnh tình ra sao, bác sĩ đã tắc trách thế nào… Nhưng bối cảnh đầy áp lực trong ngành y và tình trạng quá tải ở các bệnh viện thì không mấy khi được người ta cứu xét. Công chúng đã bị đầu độc theo quan điểm một chiều của những phóng viên “kền kền”, họ tỏ ra chán ghét, thù hằn đối với y bác sỹ. Bên dưới những bài báo về tai biến y khoa thường là những nhận xét tiêu cực như “Bác sĩ phải đút tiền mới chịu khám bệnh”, “Vô lương tâm”… Làn sóng độc hại đó đã gây tổn thương sâu sắc cho những người làm ngành y.
Trên mạng xã hội vẫn lan truyền những câu chuyện y bác sĩ từ chối cứu người vì không muốn làm trái quy trình. Thế nhưng chẳng có mấy tờ báo muốn vào cuộc điều tra. Có lẽ những nguồn tin đó đã bị giấu nhẹm đi. Đã có những bệnh nhân phải chết khi vẫn còn cơ hội được cứu. Điều này ít người biết, vì lúc đó bác sĩ đã làm việc hoàn hảo, theo đúng quy trình. Giả sử họ tự ý làm sai quy trình, nếu không cứu được bênh nhân, thì sẽ phải đối diện điều gì? Sẽ là kiện tụng, cấp trên kiểm điểm, dư luận lên án… chắc không ai chịu đựng nổi. Vậy nên, họ buộc phải chọn cách làm lạnh lùng nhưng “đúng quy trình”. Vậy thì, rất nhiều khi, chính cái “quy trình” đó đã từ chối cứu giúp các sinh mệnh lâm nguy, chứ không phải là giới y bác sĩ muốn như vậy.
Mỗi khi hội chứng “làm đúng quy trình” nói trên gây hậu quả tiêu cực, tôi nghĩ rằng cũng có một số ít y bác sĩ cảm thấy “đáng đời”. Nhưng trong thâm tâm, tôi tin rằng hầu hết họ đều đau lòng vì chuyện này. Nghề y mang nặng sứ mệnh cứu người, chứ đâu có dành cho kẻ máu lạnh. Nhưng nếu các y bác sỹ cứ phải bám vào cái phao “quy trình” để bảo vệ bản thân, thì sẽ còn bao nhiêu ca “chết đúng quy trình”?
Bài viết đã được biên tập và chỉnh sửa chính tả – diễn đạt theo quy định xuất bản của tòa soạn báo Đại kỷ Nguyên, nhưng vẫn tôn trọng và thể hiện đúng quan điểm riêng của tác giả.
(Theo bác sĩ Lê Chí Công)