Vụ việc một cô giáo chủ nhiệm lớp 6 đã tát học trò 1 cái, bắt 23 bạn trong lớp tát 230 cái (mỗi người tát 10 cái) chỉ vì nam học sinh này nói tục trong giờ ra chơi và bị cờ đỏ ghi lại. Kết quả, sự việc khiến em phải nhập viện vì má sưng tấy, việc nhai nuốt khó khăn, tâm lý không ổn định.

Việc này không chỉ gây tổn hại về thể xác và tinh thần cho nam học sinh mà còn sẽ trở thành nỗi ám ảnh với các bạn học sinh còn lại trong lớp và với cả chính cô giáo. Do đó, tuy học sinh này đã quay trở lại với trường học nhưng cả em và gia đình đều mong muốn được chuyển lớp.

Người giáo viên có phân trần vì thành tích trong giáo dục mà buộc cô phải đề ra quy định có tính chất bạo lực để xử phạt học sinh. Tình huống này cho thấy rằng, một nền giáo dục chưa hoàn thiện sẽ sinh ra những người có ứng xử không tốt đẹp đối với người khác mà cụ thể ở đây là việc cô giáo đưa hình phạt ‘đánh học sinh’ vào quy định lớp học.

Hình phạt thể chất ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ rất lớn. (Ảnh: pixabay)

Hình phạt về thể chất (hay đánh đòn, đánh đập, và trừng phạt thân thể) liên quan đến hành vi đánh trẻ như một phương tiện kỷ luật. Nhưng phải khẳng định rằng, đánh trẻ dưới bất kỳ hình thức nào, lý do gì thì cũng không thể chấp nhận được và là hành vi bất hợp pháp trong thời đại quyền con người được coi trọng hơn bất kỳ lúc nào như hiện nay.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics) cho thấy, hình phạt thể xác liên quan đến tăng tỷ lệ rối loạn tâm thần, rối loạn lo âu, nghiện rượu, nghiện thuốc và một số rối loạn nhân cách.[1]

Trẻ em bị bạo lực trước hết là ảnh hưởng đến thể chất. Đứa trẻ sẽ trở nên còi cọc, chậm lớn hơn… Không những vậy còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ tâm thần của trẻ, và có thể nguy hiểm tới cả tính mạng. Những đứa trẻ này thường thay đổi tính nết với hai xu hướng phát triển:

  • Một là nếu trẻ đang hiền lành sẽ bỗng trở nên hung bạo, hay cáu gắt, khóc lóc, thậm chí ngang bướng, lì lợm, đánh đập người khác hoặc độc ác với vật nuôi.
  • Hai là trẻ sẽ thu mình lại, trở nên lo lắng, buồn phiền, xa lánh mọi người, không thích tiếp xúc và luôn mang cảm giác sợ sệt, nhút nhát, tự ti về bản thân.
Trẻ có thể có xu hướng khép mình lại, không tiếp xúc với bên ngoài. (Ảnh: vi.photo-ac.com)

Hình phạt thể chất (đánh đòn, đập, tát…) có thể ảnh hưởng đến sự thành công và lòng tự trọng của trẻ. Những cách giáo dục sai phương pháp là một tác nhân quan trọng khiến trẻ không thích đến trường, trẻ sẽ không thể tiếp thu bài học, học hành sẽ sa sút hơn. Học kém, bị điểm thấp, bị trách phạt từ gia đình và nhà trường, trẻ trở nên kém tự tin, dễ bị mắc phải các tệ nạn xã hội.

Loại hình phạt này không nên được sử dụng với trẻ em ở mọi lứa tuổi. Từ quan điểm y tế cộng đồng, giảm hình phạt thể chất có thể giúp giảm tỷ lệ rối loạn tâm thần trong dân số nói chung. Cần xem xét các phương pháp giáo dục tiếp cận và chương trình để bảo vệ, nuôi dạy trẻ em một cách tích cực, tránh khỏi những kỷ luật không phù hợp và có khả năng gây hại. Bởi vì, một đứa trẻ không được yêu thương thì liệu có thể yêu thương người khác?

Mộc Chi

[1] http://pediatrics.aappublications.org/content/130/2/184