“Tứ thời dưỡng sinh” hay “Dưỡng sinh theo mùa“, là triết lý then chốt trong đạo dưỡng sinh của y học cổ truyền. Cần thuận theo sự biến động của âm dương trong bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông, để điều dưỡng cơ thể, nhằm tăng cường sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật và kéo dài tuổi thọ.
Mùa đông là mùa cuối cùng trong một năm, là thời điểm dương khí trong tự nhiên dần dần thu ẩn vào trong, dương khí trong cơ thể cũng tuân theo quy luật tự nhiên mà tần ẩn bên trong. Xu hướng hoạt động của vạn vật là ngừng nghỉ hoặc trong trạng thái nghỉ đông, chuẩn bị cho sinh khí bột phát, ngập tràn vào mùa xuân (xuân sinh – hạ trưởng – thu liễm – đông tàng). Dưỡng sinh trong mùa đông phải phù hợp với quy luật trong tự nhiên, lấy liễu âm, hộ dương làm căn bản. Theo y học cổ truyền, đạo dưỡng sinh vào mùa này cần chú ý bốn điểm sau:
1. Điều chỉnh sinh hoạt thường ngày
Theo đạo dưỡng sinh của Đông y, ba tháng mùa Đông cần ngủ sớm và dậy muộn. Ngủ sớm khi mặt trời vừa lặn để giữ ấm cơ thể nhằm bảo vệ dương khí. Khi ngủ, âm khí được nuôi dưỡng tốt hơn khi thức, ngủ dậy muộn là để kéo dài thời gian di dưỡng âm khí. Mùa Đông không nên ra ngoài quá sớm sẽ làm cơ thể nhiễm lạnh, nên làm việc vận động nhẹ nhàng, tránh ra mồ hôi để gây tổn thương dương khí.
Mùa đông nên điều chỉnh mặc quần áo cho thích hợp vừa đủ. Nếu mặc đồ quá ít và quá mỏng, nhiệt độ phòng quá thấp dễ bị cảm lạnh và hao tổn dương khí. Ngược lại, nếu mặc đồ quá dày, nhiệt độ phòng quá cao sẽ đổ mồ hôi, dương khí không thể ẩn náu, hàn tả dễ thâm nhập vào cơ thể. Đông y quan niệm “Hàn vi âm tà, thường thương dương khí” nghĩa là dương khí trong cơ thể cũng giống như ánh sáng ấm áp của mặt trời trên trái đất, nếu mất đi vạn vật sẽ không thể sinh tồn. Tương tự nếu cơ thể không có dương khí, sẽ mất đi khả năng trao đổi chất. Bởi vậy, điều chỉnh sinh hoạt và dưỡng sinh vào mùa đông cần chú trọng ‘dưỡng tàng’ và tăng thêm quần áo cho phù hợp với thời tiết.
2. Điều chỉnh ăn uống
* Căn cứ theo ngũ vị để lựa chọn thức ăn cho phù hợp: Ngũ vị là chỉ các vị: chua, đắng, ngọt, cay, mặn, phối hợp cùng với can (xuân), tâm (hạ), tỳ (trưởng hạ), phế (thu), thận (đông). Đông y cho rằng, các vị khác nhau thì tác dụng cũng không giống nhau.
Vị chua có tác dụng thu liễm, làm giảm bớt tiểu tiện, giữ mồ hôi, ngăn tiêu chảy. Mùa đông đi tiểu nhiều, ăn đồ chua vừa phải có thể giảm bớt tiểu tiện, ví dụ như ăn cam quýt, ô mai, sơn tra … Mùa đông, thận (thủy) làm chủ dễ khắc tâm (hỏa), tức là mùa đông tâm hỏa hư nhiều, vì vậy lúc này cần ăn nhiều vị đắng để bổ Tâm. Ngoài ra, những chất dạng kiềm chứa trong các thực phẩm vị đắng có tác dụng tiêu viêm giải nhiệt, thúc đẩy tuần hoàn máu và làm giãn huyết quản.
Vị ngọt có tác dụng bồi bổ làm phòng chống co giật. Mùa đông giá lạnh, nên ăn thêm các thực phẩm có vị ngọt như: các loại đường, mật ong, mứt, nước uống ngọt… để cung cấp nhiệt năng, giúp cơ thể chống chọi lại với giá lạnh. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều vì dễ gây béo phì, làm trở ngại cho sự tiêu hóa của dạ dày và giảm cảm giác thèm ăn, thậm chí còn ảnh hưởng không tốt đến tim và thận.
Thực phẩm vị cay có tác dụng phát tán, hành khí, hoạt huyết… Đại đa số đều thiên về tính nhiệt như: hành, gừng, tỏi, ớt, hạt tiêu, quế, hồi… Khi dùng vào mùa đông có thể trừ hàn và kích thích tăng nhiệt lượng cho cơ thể.
Theo dinh dưỡng của Đông y, vị mặn có tác dụng bổ ích âm huyết, đào thải tán kết, làm mạnh tạng Thận. Theo nguyên tắc “thu đông dưỡng âm”, mùa đông nên ăn nhiều thực phẩm vị mặn như: rau câu, sứa biển, tảo… Nhưng không nên quá lạm dụng các loại thức ăn mặn vì dễ làm tổn hại đến tạng Tâm và cũng không có lợi cho Tỳ tạng.
* Chú ý ăn thực phẩm dưỡng thận để chống lạnh: Khí hậu giá lạnh của mùa đông làm khả năng trao đổi chất trong cơ thể giảm xuống thấp nhất. Đây là lý do những người già yếu bao giờ cũng thấy chân tay giá lạnh, sợ lạnh vào mùa này. Đông y quan niệm, thận chủ dương khí của toàn thân, đây là động lực chính trong các hoạt động của cơ thể và là gốc của sinh mệnh. Cơ thể khỏe mạnh hay không có mối liên quan chặt chẽ tới chức năng sinh lý của thận. Để dưỡng thận và tăng sức đề kháng như thịt cừu, thịt dê, canh gà, thịt vịt, thịt bò v.v. nhằm làm tăng dinh dưỡng và nhiệt lượng cho cơ thể. Những người già yếu nên uống kèm các loại thuốc đông dược bổ thận như bổ cốt chỉ, nhục thung dung, nhục quế, đỗ trọng, nhân sâm. Tuy nhiên, cần tùy thuộc vào thể chất của bản thân để bồi bổ phù hợp.
3. Vận động để dưỡng sinh
Sau lập đông, thời tiết dần chuyển lạnh, nhiều loài động vật trong thế giới tự nhiên bắt đầu thời kỳ ngủ đông. Không ít người vì thấy mệt mỏi đầu óc nên chỉ muốn ở nhà, không ra ngoài trời và ngại tham gia các hoạt động thể dục. Thực tế điều này không tốt cho sức khỏe. Kiên trì tập luyện vào thời điểm này không chỉ giúp não bộ luôn hưng phấn, mà còn có thể tăng cường chức năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của hệ thần kinh trung ương từ đó cải thiện khả năng chống lạnh. Đây là lý do những người kiên trì tập thể dục vào mùa đông hiếm khi bị ốm. Tuy nhiên, có điều đáng chú ý đó là, do nhiệt độ giảm nên tốc độ trao đổi chất của cơ thể vì thế cũng chậm hơn. Tập thể dục vào thời điểm này không nên quá dữ dội để tránh gây ra phản tác dụng. Thể dục nhịp điệu, Thái cực quyền, Khí công thiền định… đều là những lựa chọn tốt cho việc tập thể dục mùa đông.
4. Điều dưỡng cảm xúc
Mùa đông là thời điểm quá trình trao đổi chất trong cơ thể tương đối chậm, bởi vậy Đông y chú trọng ‘dưỡng tàng’ vào thời điểm này. ‘Tàng’ có nghĩa cần giữ cho tinh thần yên ổn bình tĩnh. Nói cách khác, tinh thần cần lạc quan bao dung rộng lượng, sử dụng đại não một cách hợp lý để luôn giữ cho tâm thái được yên ổn mới có thể bảo vệ dương khí lại không tiêu hao âm tinh một cách quá độ. Khi gặp việc không vừa lòng, cần học cách điều chỉnh cảm xúc, tìm những phương pháp hợp lý để loại bỏ sự uất ức chán nản trong tâm, giữ tâm thái được bình hòa, tranh thủ thời gian sưởi nắng khi trời ấm.
Mùa Đông thuộc hành Thủy, ứng với tạng Thận. Thận chủ bế tàng, muốn bảo vệ Thận khí, cần giữ cho tinh thần yên tĩnh và kín đáo. Trong mùa này, ý chí và tình cảm phải giống như đội quân đang mai phục, như có ý tình riêng không muốn thổ lộ ra ngoài, như có vật báu mà giấu kín không để ai nhìn thấy. Như vậy, dương khí sẽ tiềm tàng, bền vững. Không nên để cho tinh thần và tình cảm lên đến cực độ. Tình chí quá độ sẽ làm cho dương khí bị nhiễu loạn, không còn đủ sức cân bằng với phần âm, gây nên trạng thái mất quân bình âm dương, làm tổn hại đến sức khỏe và tuổi thọ. Mùa Đông, cảnh vật u ám, tiêu điều, ngày ngắn đêm dài là một nguyên nhân dễ khiến tâm trạng chán nản, trầm uất, bi quan. Cách cải thiện tâm tình tốt nhất là hoạt động. Tùy hoàn cảnh, mỗi người tự chọn hình thức hoạt động thích hợp khi trời sáng.
Theo Sohu
Kiên Định biên dịch