Để phát hiện sớm tiểu đường, các chuyên gia đã gợi ý 4 thời điểm “vàng” để kiểm tra đường huyết gồm sáng ngủ dậy, sau ăn sáng, ăn trưa và buổi tối trước khi đi ngủ.
Theo bác sỹ Trần Thị Minh Nguyệt, kiểm tra đường huyết định kỳ đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện sớm theo dõi, điều trị và phòng ngừa biến chứng của bệnh tiểu đường. Chỉ số đường huyết tăng hay hạ nặng, cấp tính có thể gây suy các cơ quan, tổn thương não, hôn mê, thậm chí tử vong, theo Vnexpress.
Những người bị tăng đường huyết mạn tính nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời dễ gây những tổn thương cho thận, mắt, tim và mạch máu, dây thần kinh…
Các bác sỹ khuyến cáo người bệnh tiểu đường nên tự kiểm tra chỉ số đường huyết vào bốn thời điểm trong ngày gồm:
-
- Buổi sáng mới ngủ dậy
- Sau ăn sáng
- Ăn trưa
- Buổi tối trước khi đi ngủ
Với bệnh nhân vừa khởi đầu điều trị tiểu đường thì cần thử đường huyết nhiều lần trong ngày cho đến khi chỉ số này ổn định. Nếu chỉ số đường huyết ổn định lâu ngày, bạn chỉ cần kiểm tra đường huyết mỗi tuần ở nhiều thời điểm trước ăn, sau ăn hai giờ và trước khi đi ngủ.
Những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao nên kiểm tra đường huyết định kỳ gồm: người từ 45 trở lên, gia đình có người thân mắc bệnh tiểu đường, người thiếu ngủ (ngủ ít hơn 5,5 giờ mỗi ngày) và phụ nữ mang thai.
Theo dõi mức đường huyết
Mức đường huyết ở người bình thường: 80 – 110 mg/dL; khi đói (không ăn trên 8 giờ): 70 – 110 mg/dL; 2 giờ sau khi ăn: thấp hơn 120 mg/dL. Theo hướng dẫn thực hành lâm sàng năm 2003 của Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, đối với bệnh nhân ĐTĐ người lớn:
Đường huyết lúc đói nên giữ ở mức 90 – 130 mg/dL.
Đường huyết sau ăn nên thấp hơn 180 mg/dL.
Phương Nam