Vượt cạn là thời khắc thiêng liêng nhưng cũng muôn vàn khó khăn đối với một người phụ nữ. Bởi vậy, có người thân bên cạnh lúc này sẽ là nguồn động viên, là sức mạnh tinh thần với sản phụ, đó có thể là chồng, mẹ đẻ, hay mẹ chồng.

Lựa chọn người thân của mình cùng vào phòng sinh lúc trở dạ là nỗi băn khoăn của nhiều bà bầu. Phần lớn phụ nữ đều muốn được chồng hoặc người thân thiết ở bên cạnh động viên tinh thần, tiếp thêm sức mạnh trong quá trình vượt cạn. Tuy nhiên, cũng nhiều người e ngại bởi những ám ảnh tâm lý, bởi lo lắng sẽ gây ra những tình huống khó xử. Không chỉ ở Việt Nam, tại rất nhiều nước tiên tiến khác các nàng dâu cũng ngại vượt cạn cùng mẹ chồng bởi những rào cản tâm lý.

Mumsnet, một trang web lớn ở Anh dành cho các ông bố bà mẹ đã thực hiện cuộc thảo luận về chủ đề “Mẹ chồng có nên vào phòng sinh cùng con dâu không?”. Rất nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra.

Có người nói chỉ muốn dành thời khắc thiêng liêng ấy bên chồng và đứa con mới chào đời. Tuy nhiên, điều này có thể khiến mẹ chồng không vui vì bà cũng đã chờ đợi rất lâu để được gặp cháu.

Sau cuộc vượt cạn thành công, phụ nữ thường cảm thấy nhiều xáo trộn. Những thay đổi về cơ thể và xung đột nhiều loại cảm xúc khiến họ thường muốn được ở bên mẹ đẻ để dễ chia sẻ. Nhất là khi các bệnh viện đều giới hạn số người đầu tiên được vào thăm sản phụ, việc ưu tiên chồng và mẹ đẻ là điều dễ hiểu.

Miranda Newsom (Mỹ) đang sống ở London, là một trong số ít người đã lựa chọn mẹ chồng để gặp mặt đầu tiên. Tuy nhiên, vì chọn sinh con dưới nước nên bản thân Miranda thừa nhận mình cũng không thoải mái khi phải khỏa thân trước mặt mẹ chồng.

Rebecca Pearson (Anh) thì chọn mẹ ruột và chồng để cùng trải qua khoảnh khắc vượt cạn. Cô ấy muốn người sinh thành ra mình ở bên để cho lời khuyên và nhận được nhiều sự hỗ trợ.

Một cuộc khảo sát khác trên trang Grandparents, rất nhiều phụ nữ sau sinh chia sẻ họ cảm thấy không gian riêng tư bị xâm phạm khi có sự hiện diện của mẹ chồng. Tuy nhiên, các bà mẹ chồng lại cho rằng, họ có quyền là một trong những người đầu tiên được gặp đứa cháu mới chào đời. Việc con dâu chỉ lựa chọn chồng, mẹ đẻ, chị em hay bạn bè thân thiết… khiến họ cảm thấy mình bị phân biệt đối xử.

phu nu co muon me chong o canh khi sinh con
Các bà mẹ chồng nên tâm lý hơn và vui vẻ ngay cả khi con dâu không lựa chọn mình vào thăm cháu đầu tiên. (Ảnh: Vietnammoi)

Georgia Witkin, một tiến sĩ tâm lý người Mỹ đã đưa ra lời khuyên cho các bà mẹ chồng: “Nếu con dâu vừa sinh con mà không mời mẹ chồng vào, thì mẹ chồng không nên vào. Vượt cạn thành công là một khoảnh khắc thiêng liêng của người phụ nữ và họ cần ở bên những người cho họ sự kết nối tình cảm tốt nhất. Ám ảnh về những mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu có thể đến cùng sự xuất hiện của mẹ chồng, làm gián đoạn cảm giác hạnh phúc của con dâu. Các cô con dâu cũng cần khéo léo hơn trong việc lựa chọn người vào thăm, tốt nhất hãy dự tính trước và ‘nói nhỏ’ cho chồng biết để họ chủ động sắp xếp”.

Khi con gái ruột sinh nở, không đơn giản chỉ là sự có mặt, mẹ và con gái còn có một sợi dây tình cảm kết nối vô hình. Bởi vì mẹ đẻ là người chứng kiến quá trình trưởng thành của con gái. 

Làm mẹ là một hành trình dài để học và tích lũy kinh nghiệm, vì vậy, mẹ chồng cũng cần tôn trọng quyền được khám phá “lĩnh vực làm mẹ” của con dâu. Ngay cả khi rất muốn truyền cho con dâu nhiều bài học về chăm sóc trẻ, các bà mẹ chồng cũng cần phải bình tĩnh. Vào thời điểm con dâu vừa sinh cháu, những chia sẻ về tình yêu, thể hiện sự tôn trọng sẽ là điều đáng quý hơn cả.

Minh Lan (Tổng hợp)