Cư dân Phần Lan từng có một câu nói: “Nếu có 2 điều ước, điều ước thứ nhất tôi muốn đó là trời nắng, thứ 2 là có một mái nhà”. Cuộc sống khắc nghiệt của Phương Bắc trong quá khứ khiến con người nơi đây trui rèn nên những phẩm chất điển hình để thành công: lối sống cộng đồng, tôn trọng thiên nhiên và ý chí kiên cường trước nghịch cảnh.
Vượt qua bóng đêm lịch sử, giờ đây Phần Lan là một quốc gia Bắc Âu được thế giới biết đến với nhiều cái nhất: Chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới, nền giáo dục độc đáo nhất thế giới, hệ thống hành chính công liêm khiết bậc nhất thế giới. Nhưng với đa số chúng ta, những điều lý thú được biết đến về Quốc Gia này còn quá ít ỏi. Loạt bài về Phần Lan hy vọng sẽ đem đến cho độc giả một cái nhìn đa chiều hơn về cuộc sống thường ngày, chính sách xã hội và những thành tựu của một quốc gia có dân số thấp hơn cả thành phố Hà Nội đã đạt được trong những năm qua.
***
Không chỉ ở Việt Nam, nhiều thành phố lớn trên thế giới đều có một thực trạng chung đang diễn ra rất phổ biến: Những người sống trong cùng một khu phố, một khu chung cư hay một vùng địa lý nhất định lại khiếm khi quan tâm đến đời sống người hàng xóm của mình. Lối sống vội vã hiện đại khiến con người ngày càng xa nhau và thu hẹp mối quan tâm của bản thân trong không gian nhỏ hẹp của cá nhân của họ.
Thế nhưng ở Phần Lan, dường như đô thị hóa không thể làm xóa mờ đi lối sống cộng đồng vốn có của tổ tiên họ ngàn đời. Thay vào đó, người ta vận dụng sự tiến bộ của công nghệ và truyền thông để gắn kết và phát triển văn hóa cộng đồng trở nên đa dạng và đặc sắc hơn.
Văn hóa đô thị kiểu Phần Lan được thể hiện rõ nhất có lẽ là tại Helsinki – thủ đô và là thành phố lớn nhất của đất nước. Các phong trào cộng đồng đa số xuất phát từ đây và chúng được cư dân đô thị hưởng ứng rất mạnh mẽ. Thông thường những hoạt động cộng đồng như lễ hội, ca nhạc và mua sắm sẽ được một nhóm tình nguyện đứng ra tổ chức, đồng thời họ cũng nhận được sự giúp đỡ về tài chính và nhân lực từ cả cộng đồng.
Những ví dụ điển hình
Ví dụ nổi tiếng nhất về nét văn hóa độc đáo này là sự kiện “Ngày Nhà Hàng” (Restaurant Day), sự kiện diễn ra lần đầu vào năm 2011, và sau này nó đã trở thành một nét đặc sắc hiếm có ở Helsinki. Trong “Ngày Nhà Hàng”, bất cứ ai cũng có thể mở một “nhà hàng tạm bợ”, ở bất kỳ đâu bạn có thể nghĩ đến: Đường phố, phòng khách, văn phòng, bãi biển… thậm chí là trường học.
Bên cạnh việc đem đến niềm vui cho mọi người, ý tưởng còn chỉ ra những khó khăn mà việc vận hành một nhà hàng gặp phải, từ đó mọi người có thể hiểu và cảm thông hơn cho những người làm việc trong lĩnh vực này. Ý tưởng ban đầu không được chính quyền cấp phép, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn nó đã được công nhận chính thức. Giờ đây cứ 3 tháng “Ngày Nhà Hàng” lại được tổ chức một lần và trở nên phổ biến khắp Phần Lan cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Đặc biệt ở Trung Âu và Nga.
Một sự kiện khác khá phổ biến đó là “Ngày Dọn Dẹp”. Từ năm 2012, người ta dành ra một ngày để thu dọn những thứ đồ cũ không dùng trong nhà, đem chúng bán cho những ai cần đến. Mỗi năm 2 lần, các công viên Phần Lan lại chật ních những người mua và bán các món đồ giá rẻ. Hiện tượng này cũng được “xuất khẩu” sang các nước khác trên thế giới, trong đó có Nhật Bản.
Năm 2010, người ta còn chứng kiến một sự khởi đầu mạnh mẽ của Chủ Nghĩa Tích Cực trong các cộng đồng đô thị. Trào lưu này bắt đầu từ năm 2011 tại khu dân cư Kallio của Helsinki với mục tiêu biến khu dân cư nơi đây trở nên đáng sống cho tất cả mọi người. Trong ngày này, người ta tổ chức các bữa tiệc lớn và chợ trời trên những con đường đông người qua lại. Phong trào Kallio và tiệc thường niên Kallio thu hút tới 20.000 người tham gia chắc chắn đã vượt xa dân số của khu phố và trở thành điểm nhấn cho Helsinki.
Và còn rất nhiều hoạt động cộng đồng đặc sắc khác nữa được cư dân nơi đây sáng tạo nên nhằm gắn kết mọi người lại với nhau. Vượt qua những bức vách bằng bê tông và sự thu hút của các thiết bị điện tử, người ta đến với nhau để vui đùa, đóng góp và làm việc nhóm. Như vậy cộng đồng càng trở nên gắn bó mật thiết hơn.
Nguyên nhân của văn hóa cộng đồng đặc sắc ở Phần Lan
Người Phần Lan vốn có một truyền thống cộng đồng rất sâu đậm. Cư dân thưa thớt với địa hình chủ yếu là rừng, khí hậu khắc nghiệt quanh năm và thời gian có ánh mặt trời ít nhất thế giới buộc người dân nơi đây phải hình thành một tập quán sinh sống tập thể từ lâu đời.
Việc cùng nhau làm việc và giúp đỡ một cách vô tư hàng xóm của mình đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người Phần Lan. Mặc dù một phần của truyền thống này đã phai nhạt cùng với quá trình đô thị hóa, thế nhưng với sự phát triển của mạng xã hội, nét đặc trưng văn hóa này lại xuất hiện trở lại và lan rộng hơn nữa bằng một hình thức mới.
Việc chia sẻ nguồn lực yêu cầu sự tham gia của cả cộng đồng. Không chỉ không gian chung như góc phố, quán bar mới được mọi người sử dụng mà không gian riêng tư cũng sẵn sàng được chia sẻ. Ví như các triển lãm nghệ thuật trong phòng khách, các cuộc họp với ứng cử viên chính trị địa phương tại gia, buổi hòa nhạc sau vườn. Thậm chí các phòng tắm xông hơi của các doanh nghiệp, đoàn thể cũng được kêu gọi chia sẻ miễn phí cho cộng đồng.
Tất cả đến từ nền tảng của một niềm tin
Các phương tiện truyền thông quả thật đã đẩy nhanh khả năng kêu gọi và phối hợp của các cá nhân trong việc xây dựng sự kiện. Thế nhưng, yếu tố căn bản nhất khiến cho nét văn hóa này vẫn phát triển mạnh mẽ ở Phần Lan chính là sự tin tưởng vào những người xung quanh một cách cao độ. Các công dân là bình đẳng với nhau bất kể giàu nghèo, đạo đức được coi trọng và sự tôn trọng quyền cá nhân được đặt lên hàng đâu. Người ta có thể dễ dàng xuống phố mua một ít rau cho dù có ai đó xa lạ đang ngồi trong phòng khách của họ xem tivi.
Điều này thật hiếm có! Và nó cũng dễ dàng giải thích cho việc các hoạt động cộng đồng tại nơi đây được hưởng ứng mạnh mẽ và thành công đến vậy. Người ta đến với nhau dựa trên niềm tin vào khả năng của người khác, tính trách nhiệm và tinh thần làm việc nhóm được bồi đắp trong một nền văn hóa lành mạnh chính là mảnh đất màu mỡ cho các ý tưởng xã hội.
Một yếu tố quan trọng khác chính là sự nhạy bén và uyển chuyển trong cách hành xử của chính quyền địa phương đối với các sáng kiến vì cộng đồng. Nếu như 10 năm trước những sáng kiến và sự kiện tập thể như thế này còn rất hạn chế, thì ngày nay chúng lại được thông qua khá là nhanh chóng. Bản thân các cơ quan hữu quan cũng hiểu rõ vai trò của những hoạt động tập thể làm gắn kết thêm mối liên hệ tinh thần và duy trì sự ổn đinh của xã hội. Vì vậy họ không hề ngại ngần khi khuyến khích cư dân địa phương có thêm nhiều ý tưởng cộng đồng như thế.
Phần Lan vẫn luôn đứng đầu trong danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong nhiều năm qua. Điều đó khiến cho một vị tổng thống trong lúc tranh cử từng nói rằng: “Ai sinh ra ở Phần Lan thì cũng may mắn như là trúng được sổ số”. Có lẽ người ta không cần quá nhiều tiền mới trở thành người may mắn, chỉ cần sống trong một môi trường có nền văn hóa tốt thì đã rất là may mắn rồi.
Nguyên Trực