Hằng ngày lặng lẽ đi ăn xin và dành số tiền xin được để làm từ thiện, tâm không mong cầu một cuộc sống đủ đầy, sung túc, cụ Dobri Dobrev ở xứ sở hoa hồng Bulgaria là người có lối sống cao đẹp và vô cùng thong dong, tự tại.
Cụ Dobri sinh năm 1914 tại ngôi làng nhỏ Bailovo, cách thủ đô Sofia 43 km về phía Đông. Tuy mang vẻ bề ngoài khắc khổ nhưng cụ Dobri chính là nhà từ thiện của tòa Thánh đường được tôn kính nhất Đông Âu.
Không chỉ vậy, cụ cũng là nhà hảo tâm đã đóng góp cho rất nhiều nhà thờ, tu viện, trại trẻ mồ côi và giúp đỡ những người gặp khó khăn tại đất nước Bulgaria xinh đẹp. Người dân Bulgaria gọi cụ là “Vị Thánh làng Baylovo – con của Chúa”.
Không giống những người lang thang cơ nhỡ khác phải đi xin ăn qua ngày, cụ Dobri lại biết tận hưởng cuộc sống nay đây mai đó của mình. Cụ thích sự tự do và làm những công việc có ích cho cộng đồng.
Cụ không dành số tiền xin được cho mua sắm hay làm việc cá nhân mà để làm từ thiện. Cụ lang thang bên lề đường, làm bạn với những chú chim bồ câu. Với cụ, đó là một cuộc sống rất an nhiên và tự tại.
Lối sống của cụ bắt nguồn từ truyền thống gia đình. Khi cụ Dobri còn nhỏ, mẹ của cụ làm việc trong một trại trẻ mồ côi. Trại trẻ khi ấy không có đủ điều kiện vật chất, nhưng những đứa trẻ đã không phải chịu cái lạnh trong mùa đông khắc nghiệt nhờ có số tiền quyên góp của cha cụ Dobri.
Cụ Dobri được lớn lên trong một gia đình tràn ngập tình yêu thương như vậy. Lòng tốt và sự bao dung của cha mẹ đã ảnh hưởng rất nhiều đến con người của cụ.
Khi trưởng thành, cụ Dobri trở thành vệ sĩ phục vụ vua Boris III. Cụ may mắn thoát chết trong một vụ đánh bom không thành nhắm vào nhà vua. Cụ cho rằng may mắn diệu kỳ này là để phục vụ cho một mục đích thiêng liêng. Chính vì vậy, khi không còn phục vụ trong hoàng gia nữa, cụ quyết định sẽ cống hiến cả cuộc đời mình cho Đức Chúa Trời.
Trong những năm tháng khó khăn của gia đình và cả đất nước, bất chấp các quy định hà khắc, cụ Dobri vẫn bí mật đi bộ tới một nơi linh thiêng trong núi để cầu nguyện. Lòng tôn kính và niềm tin vào Chúa của cụ được bồi đắp qua thời gian ngày càng mạnh mẽ và kiên định hơn.
Cụ Dobri đã chứng minh rằng không một loại áp lực hay khó khăn nào có thể tước bỏ đi đức tin của con người đối với đấng tối cao của mình, điều quan trọng là con người có đủ sức mạnh để bảo vệ đức tin của mình hay không. Cụ Dobri đã làm được điều đó.
Đi qua những năm tháng thăng trầm, cụ cảm thấy mình không còn hứng thú với bất kỳ tiện nghi vật chất nào. Cụ ngày một giản dị hơn và dành trọn tâm hồn mình cho Chúa.
Vào khoảng năm 2000, cụ Dobri quyết định quyên tặng toàn bộ gia tài cho nhà thờ. Đổi lại, cụ sống trong một căn phòng nhỏ của nhà thờ giáo xứ Saints Cyril & Methodius tại làng Bailovo quê hương của cụ.
Trong căn phòng gần như không có một đồ vật hiện đại nào, vì cụ Dobri cũng không có nhu cầu gì. Hàng ngày cụ đi ra đường tiếp tục công việc mà cụ cho là có ích.
Cụ giản tiện và không cầu kỳ đến mức mặc dù có giường nhưng cụ lại muốn nằm dưới đất, hưởng thụ cuộc sống thanh đạm và tu dưỡng một cái tâm thanh thản theo đúng nghĩa là con của Đức Chúa Trời.
Thậm chí trong nhiều thập kỷ qua cụ chỉ mặc một bộ quần áo và đôi giầy cũ kỹ. Cụ thường rong ruổi trên các con phố của Bulgaria nhưng thời gian gần đây, do vấn đề sức khỏe nên cụ chuyển sang đi xe buýt.
“Bí mật” thầm lặng và những việc làm có ý nghĩa này của cụ chỉ được khám phá cho đến khi Thánh đường Alexander Nevsky công bố tên nhà hảo tâm lớn nhất trong lịch sử 100 năm của nhà thờ. Đó không phải là thương gia giàu có, không phải chính trị gia tầm cỡ, cũng không phải ngôi sao màn bạc hay một nhà hoạt động xã hội nào, mà chính là cụ Dobri Dobrev.
Như vậy, tính đến năm 2013, cụ Dobri đã quyên góp ít nhất 80.000 đồng Lev (40.000 Euro), trong đó gần 20.000 Euro là dành cho Thánh đường Alexander Nevsky, khoảng 12.500 Euro dành cho việc phục hồi Tu viện Eleshnishki và một nhà thờ địa phương ở làng Gorno Kamartsi.
Cụ Dobri cho biết cụ chỉ đang làm những việc nên làm và cầu xin Chúa tha thứ cho những tội lỗi của mình. Bởi vậy, cụ đã chọn một cuộc sống thanh đạm và lặng lẽ. Khó có thể tưởng tượng rằng trong những năm qua cụ chỉ sống bằng tiền trợ cấp 80 Euro mỗi tháng, cùng với hoa quả và bánh mì từ những người yêu mến dành tặng.
Cụ Dobri quả thực là người có tấm lòng bao la rộng lớn và một đức tin cao cả. Trong suốt cuộc đời, cụ luôn cho rằng mình có tội với Đức Chúa, vì thế cụ Dobri luôn luôn nỗ lực làm thật nhiều việc tốt, sống chân thành, lương thiện và giúp đỡ những người xung quanh để phần nào chuộc lại những lỗi lầm đó.
Bằng những hành động giản dị nhưng chân thành của mình, cụ Dobri muốn gieo mầm đức tin vào Chúa cho tất cả mọi người. Đồng thời khi có niềm tin vào Chúa, vào Đấng tối cao, con người nhất định có thể sống và hành xử một cách cao thượng, có thể từ bi bác ái và yêu thương tất cả bằng tấm lòng thiện lương thuần khiết vốn có của mình.
Câu chuyện của cụ Dobri khiến tất cả những ai đang phiền não, mệt mỏi trong cuộc sống tìm cầu này hiểu ra rằng mọi thứ vật chất dù quý giá đến đâu cũng có thể biến mất trong chớp mắt. Một tâm hồn trong sạch, thuần thiện mới là tài sản quý giá nhất trong đời, là điều trường tồn mãi mãi.
Với một tấm lòng thành kính với Chúa Trời, cụ Dobri đã trở thành huyền thoại đối với nhiều người dân Bungaria, xứ sở của những bông hồng tuyệt đẹp.
Gia Viên
Xem thêm: