Trên đường phố Sài Gòn, hàng ngày từ 7 giờ sáng đến lúc mặt trời đi ngủ, người ta lại thấy bóng hình quen thuộc của những người công nhân đô thị. Các anh, cùng chiếc xe tải chuyên dụng tiếp tục công việc khơi thông những dòng chảy, đảm bảo cho thành phố giữ được bộ mặt xanh, sạch của mình. 

Nghề nào cũng có những vất vả riêng. Nhưng có lẽ ít nghề nào khiến nhiều người nhăn mặt khi nghĩ đến như nghề khơi thông dòng trong các cống rãnh của thành phố đông đúc, nhộn nhịp. Trầm mình nhiều giờ dưới ống cống mỗi ngày, các nhân viên vệ sinh môi trường của Sài Thành thường mang trên mình mùi đặc trưng của rác thải, bùn đất ngâm nước lâu ngày. Vất vả đấy, nhưng lạ thay họ vẫn giữ nụ cười khi nhắc đến công việc mình lựa chọn. 

Đài truyền hình HTV7 đã thực hiện một bộ phim tài liệu ngắn, mô tả chân thực một phần công việc của những người lao động đặc biệt này.

Công việc dưới lòng cống đen

Môi trường làm việc đặc thù với nước thải và rác bẩn (ảnh: Infonet).

Nhiệm vụ của các công nhân thuộc chi nhánh thoát nước số 5, công ty thoát nước đô thị TPHCM là đảm bảo cho hệ thống cống thoát nước của thành phố được thông suốt. Để hoàn thành được mục tiêu này, hàng ngày, các anh, các chú trong đội sẽ đi kiểm tra tất cả các điểm hố ga và dọn dẹp rác thải trong đường ống cống. Thêm vào đó, khi mùa mưa đến, mọi người sẽ đảm nhận thêm nhiệm vụ “trực mưa”. 

Công việc nạo vét cống rãnh, chỉ nghe tới tên thôi là ai cũng có thể hình dung những vất vả, khó khăn mà các chú, các anh công nhân đang hàng ngày đối mặt. Khí thải, rác thải độc hại trôi nổi trên dòng nước cống đặc quánh là những gì sẽ chờ đợi người lao động mỗi khi nắp hố ga được bật lên. 

Kiểm tra các điểm cống , thông dòng nước thải là công việc mỗi ngày của các anh (ảnh chụp màn hình).

Để các khí thải bay bớt, các chú, các anh công nhân sẽ bắt đầu vào ca. Với nguyên bộ quần áo đồng phục, mũ bảo hộ và đèn soi, bao tay dứa, cùng thùng lớn và rổ nhựa, mọi người bắt đầu công việc của mình. Dưới cống, những ngày nắng, nước cao đến bụng, công việc dọn rác sẽ bớt vất vả hơn. Nhưng những ngày mưa, nước dâng cao, những người công nhân vẫn phải trầm cả thân mình để kéo rác ra. 

Trong lòng ống đen kịt, chỉ có nguồn sáng duy nhất từ hố ga đang mở, các anh công nhân bắt đầu công việc của mình. Ai cũng tìm cho mình một chỗ đứng chắc chắn, hạn chế đi lại để đảm bảo an toàn cho bản thân. Mỗi người dùng chiếc rổ nhựa để vớt những rác rưởi, chai lọ trên mặt nước đen. 

Quang cảnh trong một ống cống đầy rác (ảnh chụp màn hình).

Bên dưới cống ngầm giống như một mặt khác của thế giới. Ở đó, người ta thấy được những cuộc vui, những bữa ăn, những hoạt động buôn bán của mặt đất, nhưng lại ở dưới một hình tướng khác. Trên mặt đất, cuộc sống nhộn nhịp bao nhiêu, dưới những lòng cống này, rác thải nhiều bấy nhiêu. 

Mùi hôi thối không phải là điều tồi tệ duy nhất các công nhân đang đối mặt. Ở những khu trung tâm, công việc bớt nhiều vất vả. Nhưng ở những khu gần các cơ sở sản xuất, người ta vẫn xả thẳng những hóa chất như thuốc nhuộm xuống cống, các anh, các chú vẫn phải làm việc bình thường. Có trường hợp, sau khi làm việc ở những vùng cống có hóa chất, có người bị bệnh về da, da như bị lột hết. Còn chuyện bị ngứa ngáy, mẩn đỏ là điều rất bình thường. 

Họ lao động với những công cụ thô sơ (ảnh chụp màn hình).

Ngoài bệnh da liễu, việc bị những vật nhọn như kiêm tiêm hay sành sứ đâm vào chân tay, làm sứt sát hay chảy máu là điều không thể tránh. Ý thức được những nguy hiểm ấy, mọi người thường xuyên nhắc nhở nhau cẩn trọng. Để rồi khi lành bệnh, họ lại tiếp tục công việc của mình như chưa hề có điều gì xảy ra. 

Vất vả, nguy hiểm nhưng vẫn có niềm vui

Công việc thông dòng trong các cống tuy vất vả là vậy, nhưng các chú, các anh công nhân ở đây đều rất yêu nghề. Mọi người giữ trong mình những suy nghĩ rất giản đơn. Là nghề chọn người chứ cũng không phải mình chọn nghề. Khi đã được chọn thì mình làm thôi. Với nhiều người, đây còn là công việc “cha truyền con nối”. Mẹ nghỉ hưu là các anh nối nghiệp. Rồi từ ấy sống với nghề đã hơn 2 thập kỷ. 

Nghề khơi cống vất vả, nên mọi người làm việc với nhau bằng tinh thần đồng tâm hiệp lực. Người làm lâu năm chỉ dạy tận tình cho những người mới vào nghề. Dặn dò những điều cần lưu ý để anh em trẻ tránh được những tổn thương không đáng có. Khi làm nhiệm vụ, người này hỗ trợ người kia, thay nhau lên mặt đất nghỉ lấy sức. Những lúc rác nhiều, họ trao nhau ly cà phê, uống vội rồi lại tiếp tục công việc. 

Sự sẻ chia trong công việc cũng là một phần rất lớn đem lại niềm vui cho các chú, các anh công nhân (ảnh: Zing).

Đến giờ nghỉ trưa, cũng chỉ có cơm hộp, nước trà. Nhưng ngồi ăn, ngồi nghỉ cùng nhau, mọi người đều cảm thấy vui. Vui vì lại thêm một lần nữa, vượt qua được cái khó chịu của môi trường để làm tròn nhiệm vụ của mình, giữ cho thành phố luôn sạch, đẹp, chỉn chu. Cũng để mùa nước lên, thành phố bớt được nước ngập, bà con đi lại dễ dàng hơn. 

Những bữa trưa vui vẻ sau khi hoàn thành một phần công việc (ảnh chụp màn hình).

Khi được hỏi về mong ước riêng, một người công nhân rất chân thành, các anh không ước gì cho riêng mình. Chỉ ước rằng bà con có thêm một chút ý thức, sử dụng đồ đạc có thêm một chút trách nhiệm thì công việc này cũng bớt đi nhiều phần nhọc nhắn. 

Ước mong là vậy, nhưng trên những khuôn mặt sạm đen vì nắng ấy, không hiển hiện chút trách cứ nào. Bởi có thể khi bước vào nghề, các anh không có nhiều lựa chọn. Nhưng ở lại với nghề, chân chính làm tròn trách nhiệm của mình là lựa chọn của các anh. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”. Vì để cuộc sống của mọi người thoải mái hơn, thuận tiện hơn, các anh chọn công việc không nhẹ nhàng này. Vậy nên, ở nơi xấu xí, hôi bẩn nhất trong thành phố, người ta vẫn thấy hiện lên những nụ cười. Nụ cười của những tâm hồn thanh thản, và những trái tim yêu nghề.

Sự cao quý của nghề nghiệp 

Một người công nhân trong video đã chia sẻ, công việc của của các anh là công việc thuộc tầng thấp nhất trong xã hội. Nhiều người trẻ cũng rất ngại ngùng khi bước vào nghề, bởi mặc cảm tự ti. Họ sợ rằng những người muốn kết duyên cùng họ sẽ không thể đồng cảm, sẻ chia với nghề nghiệp mà họ đang theo đuổi. 

Nhưng trong cuộc sống, liệu có phải sự cao quý của nghề nghiệp nằm ở việc bạn lao động trí óc hay chân tay, bạn kiếm được nhiều tiền hay ít. Sự cao quý không nằm ở những so sánh đó. Đơn giản hơn nó nằm ở những điều mà mỗi ngày bạn dành tặng cho cuộc sống này.

Ảnh minh họa: mrhoa.

Hằng ngày các công nhân thoát nước đánh đổi mồ hôi, một phần an toàn và sức khỏe của họ để giữ cho thành phố sạch, họ thay những người dân làm công việc nặng nhọc, khó chịu mà vẫn cảm thấy yêu nghề. Những đánh đổi ấy mang đến lợi ích cho rất nhiều người khác, không chỉ riêng bản thân họ. Vậy nên công việc ấy là chính trực, là có ý nghĩa.

Những nụ cười tươi rói trên những khuôn mặt hiền hậu trong đoạn clip sẽ cho bạn thêm tin: Khi dũng cảm chọn con đường khó nhưng thiện lương, chính là khi chúng ta đang chọn cho mình sự cao quý trong tâm hồn. 

(Nguồn clip: HTV7)

Bạn đang đọc bài viết: “Nỗi cơ cực của người công nhân dưới lòng cống: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||830fd9b79__