Tháng 5, cũng là khi tiết trời nước Nhật chuyển mình vào mùa mưa. Người ta nói, ngày mưa ẩm ướt, khó chịu, ra đường cứ phải lo trước lo sau xem khi nào mưa còn vội vã về nhà. Nhưng dường như đó lại không phải là mỗi bận tâm của người Nhật.
Mùa mưa Nhật Bản có một nét đẹp rất riêng. Rảo bước trên những con đường nhỏ xinh đẹp của xứ Phù Tang, thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp những chuỗi sợi dài đung đưa trước hiên nhà hay các ngôi đền Thần đạo. Dừng chân một lát, bạn sẽ nghe thấy âm thanh vui tai của tiếng nước mưa róc rách qua chuỗi sợi dài, người Nhật gọi nó bằng cái tên thú vị – sợi mưa. Sợi mưa hay trong tiếng Nhật được gọi là Kusari-toi, là một chuỗi sợi dài được gắn vào máng xối nước trước nhà, dùng để dẫn nước đến bể chứa nước vào những ngày mưa.
400 năm trước, khi những trà thất đầu tiên được dựng lập, cũng là lúc sợi mưa ra đời. Trà thất hay còn được gọi là nơi thưởng trà vào thời đó chỉ dành cho giới quý tộc hay các võ sĩ đạo. Xuất phát từ tinh thần cảm nhận sự giao thoa đất trời, sự hòa hợp tinh thần và vật chất, những trà thất được xây dựng rất tinh tế và mộc mạc, nép mình bên góc vườn, hòa mình vào thiên nhiên cây cỏ. Vậy nên, thay vì sử dụng ống dẫn nước, người ta đã dùng những sợi dây thừng làm từ vỏ cây gai dầu để nối với chiếc máng xối nước được làm bằng tre hoặc gỗ trước mỗi căn trà thất. Như vậy, cùng với việc thưởng trà người ta còn có thêm thú vui tao nhã là ngắm những dòng nước xối xả từ hiên nhà chảy xuống sân.
Thời gian trôi đi, kỹ nghệ sắt bắt đầu phát triển, sợi mưa được thay bằng nhiều phiên bản kim loại với nhiều kiểu dáng và chất liệu khác nhau, trong đó được ưa chuộng nhất là loại sợi mưa làm bằng đồng, hình dáng những chiếc ly móc nối vào nhau, đem đến cảm giác cổ kính cùng thời gian cùng những thanh âm róc rách từ những chiếc ly khi nước mưa rơi xuống.
Ngày nay, sợi mưa không chỉ có tác dụng lấy nước từ trên mái, đó còn được xem như một phần chi tiết nhỏ nhằm trang trí cho ngôi nhà của gia chủ theo những phong cách và sở thích khác nhau. Những sợi mưa cũng trở nên phổ biến trong những quốc gia phương Tây và Châu Á khác nơi chúng được dùng trong kiến trúc và công việc làm vườn để tạo ra không gia Nhật Bản và tận hưởng dòng chảy từ mưa mang đến.
Phương Lâm