Tuổi trẻ, người ta thường nghĩ đến những ngày tháng tươi đẹp, tích cực và vui vẻ nhất cuộc đời. Nhưng cuộc sống hiện đại đã khiến tất cả mọi thứ thay đổi. Thái độ, suy nghĩ và cả những áp lực cuộc sống đổ dồn lên người trẻ khiến họ dễ cảm thấy cô đơn và bất lực ngay chính trong cuộc sống của mình. Vì thế, họ dễ mắc trầm cảm hơn bất cứ ai.

Những con số nhìn mà đáng giật mình 

Theo số liệu được đưa ra từ trang suicide.org, số lượng người trẻ tự tử đã gia tăng đến mức đáng báo động.

– Cứ mỗi 100 phút, lại có một người trẻ tự tay chấm dứt cuộc đời mình, bởi nguyên nhân được cho là trầm cảm.

– Tự tử đứng thứ 3 trong số những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong độ tuổi 15 – 26.

– 20% bạn trẻ tuổi teen đã bị trầm cảm ngay trước khi chạm đến tuổi trưởng thành.

– 10% – 15% trường hợp bị trầm cảm nặng, thể hiện qua nhiều hơn một triệu chứng.

Xã hội hiện đại làm con người trở nên lạc lõng hơn (Ảnh minh họa: Cosmopolitan)

Số liệu của Khoa Tâm lý – Tâm thần trẻ em Bệnh viện Tâm thần TPHCM (năm 2017) cũng cho thấy, gần đây, mỗi năm có trên 33.000 lượt bệnh nhân trẻ em (từ 17 tuổi trở xuống) đến khám, điều trị và năm sau luôn cao hơn năm trước.  Nhiều ca được đưa đến phòng khám đã trở bệnh nặng, phải điều trị thời gian dài hoặc mất hẳn khả năng học tập, làm việc. Nhiều trường hợp ở dạng tâm thần phân liệt, hoang tưởng, không chỉ rối nhiễu tâm trí, hành vi mà còn bộc phát bạo lực.

Những câu chuyện nghe mà đau đớn lòng

Mấy ngày vừa qua, câu chuyện về cái chết của Trần Thị Thu Hà (sinh năm 1997), sinh viên Trường đại học Khoa học ứng dụng Haaga-Helia (Phần Lan) mà nguyên nhân ban đầu được xác định là do tự tử, đã khiến biết bao người sửng sốt, đau lòng.

Cái chết của Trần Thị Thu Hà đã khiến biết bao người sửng sốt, đau lòng. (Ảnh từ Facebook nhân vật)

Rồi mới cách đây chỉ khoảng 3 tháng, nữ sinh L (lớp 7A, trường THCS Tân Lâm) được phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ bằng khăn quàng đỏ trong lớp học. Trước khi tự tử, L đã viết một bức thư bằng tiếng Anh và tiếng Việt để lại lớp học xin lỗi bạn bè vì từ nay không thể tham gia học tập, vui chơi cùng các bạn nữa. Không ai hiểu vì sao em hành động như vậy, chỉ biết bàng hoàng, xót xa, đau đớn.

Đã có lúc, người ta cảm giác sinh mệnh chỉ mong manh như làn gió mà thôi…(Ảnh minh họa: youtube)

Vào tháng 10/2017 cũng đã xảy ra vụ việc tương tự khi có 2 em học sinh tự tử ở Hà Nội và Quảng Ninh. Các em chọn cách nhảy từ trên những tòa nhà cao tầng xuống. Những người dân nơi 2 em học sinh này sinh sống đều cho biết, trước khi tự tử, các em không có biểu hiện gì bất thường.

Và còn rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện đau lòng khác nữa đang diễn ra ngày càng nhiều xung quanh chúng ta, đến mức, đã có lúc, người ta cảm giác sinh mệnh chỉ mong manh như làn gió mà thôi…

“Bạn ơi, bạn có ổn không”…?

Những ngày đầu năm 2018, cư dân mạng bắt đầu đặc biệt chú ý đến bài viết đăng tải trên Facebook cá nhân của Lê Đăng Trình – một du học sinh 9x. Trình có một người bạn gốc Việt ở Mỹ bị trầm cảm và sau đó tự tử. Trước đó, trong mắt mọi người, thanh niên này vẫn là một người lạc quan, giàu năng lượng… Nhưng cái kết bất ngờ đã khiến nhiều người phải chột dạ: Có phải người đó tự tử, là do không có ai hỏi người đó câu hỏi: ”Bạn có ổn không?”

Trình kể, trước ngày người bạn ấy mất, dòng status cuối cùng anh đăng trên Facebook chính là lời bài hát In the End của Linkin Park: “I tried so hard, and got so far. But in the end, it doesn’t even matter. Goodbye”. Mọi người cứ nghĩ đó chỉ là một bài đăng vô thưởng vô phạt, nhưng đến khi phát hiện ra thì đã quá muộn.

Bài viết đăng tải trên Facebook cá nhân của Lê Đăng Trình đã nhận về sự chú ý rất lớn của cư dân mạng (Ảnh từ Facebook nhân vật)

Sau cái chết thương tâm của anh bạn, cô bạn gái người Mỹ đã đau xót viết trên tường của anh rằng: “Tớ ước gì mình đã nhìn thấy dòng status này sớm hơn, để có thể nhắc nhở cậu rằng cậu là một con người rất tuyệt vời và xuất chúng. Tớ không hề biết cuộc chiến nội tâm mà cậu đang phải một mình đối mặt, nhưng tớ biết cậu đã rất mạnh mẽ. Yêu cậu!”.

Vâng, giá như cô bạn đã nhìn thấy dòng status này sớm hơn, giá như ai đó đã dành thời gian quan tâm hơn đến cậu ấy, thì hẳn cậu ấy đã không đường đột kết thúc cuộc đời mình sớm như vậy. Nhìn thấy những thành công của cậu, mọi người đều chúc mừng, khen ngợi. Nhưng, có lẽ cái cậu ấy cần chỉ là câu nói: ‘Mọi chuyện có ổn không, em làm nhiều vậy có mệt không…’ Giá như chúng ta tinh ý hơn thì có lẽ cậu ấy đã không làm như vậy!

***

Giữa guồng quay vội vã của cuộc sống, chẳng mấy ai còn đủ thời gian để nhận ra bản thân mình đang ngày một cáu kỉnh và rã rời trước những deadline, những bản báo cáo. Mỗi sáng sớm, chúng ta vội vàng băng qua những con đường đông kín người một cách vô hồn, khi về nhà lại thấy những gương mặt ngái ngủ và mệt mỏi ở xung quanh. Phải rồi, ai cũng có những lo toan tất bật và những áp lực riêng, thế thì còn ai sẽ lắng nghe những chia sẻ của mình đây. Vậy nên, người ta đành lặng lẽ gặm nhấm những suy nghĩ quẩn quanh về cuộc đời, rồi bị chúng vần xoay đến rệu rã, chẳng thể nào thoát ra được.

Người ta đành lặng lẽ gặm nhấm những suy nghĩ quẩn quanh về cuộc đời, rồi bị chúng vần xoay đến rệu rã, chẳng thể nào thoát ra được.(Ảnh minh họa: NezTune)

Con người ta lại càng không muốn yếu đuối và đáng thương trước người khác, nhất là khi họ luôn dành cho mình những lời tán dương và sự kỳ vọng quá lớn. Đôi khi, nghĩ về những vất vả, hi sinh của ba mẹ, nhớ đến ánh mắt kỳ vọng và những lời tán dương của những người xung quanh, người ta lại  tự trách mình yếu đuối khi chẳng thể nào vượt qua được những áp lực vô hình.

Thế rồi mọi thứ cứ thế đổ dồn xuống một con người với tâm hồn mỏi mệt và đầy lo toan. Những suy nghĩ cứ thế đầy dần lên, choán hết tâm trí và cả những phút nghỉ ngơi hiếm hoi thật sự. Người ta cố gồng mình lên để làm việc, để sống, để lạc quan mỉm cười, cho đến khi không thể chịu đựng được nữa…

Có thể những gì bạn thấy chỉ là một phần trong cuộc sống đầy mâu thuẫn và bế tắc của họ mà thôi.(Ảnh minh họa: pinterest)

Bạn à, đừng nhìn vào thành công của người khác để tán dương, ngưỡng mộ mà hãy dành sự quan tâm cho họ, bởi, có thể những gì bạn thấy chỉ là một phần trong cuộc sống đầy mâu thuẫn và bế tắc của họ mà thôi. Bạn cũng không cần làm những điều lớn lao, mà chỉ cần bắt đầu từ những thứ thật bình dị, nhỏ bé. Bạn biết không, điều đó có thể cứu sống được một người, chỉ cần bạn chìa tay ra và hỏi rằng “Bạn ơi, bạn có ổn không?”.

Thiện Nam