Nước hoa cùng mùi hương quyến rũ của mình từ lâu vẫn được xem là biểu tượng của sự tinh tế, làm say đắm hàng triệu triệu người trên thế giới. Thế nhưng, ít ai biết rằng ẩn sau mùi hương phảng phất nhẹ nhàng, vương vấn lòng người ấy là cả một câu chuyện lịch sử trải dài cùng các nền văn minh cổ đại.
Từ “nước hoa” trong tiếng Anh (perfume) bắt nguồn từ tiếng Latin “perfumus”: trong đó “per” nghĩa là “thông qua” và “fumus” nghĩa là “khói”. Người Pháp sau đó đã mượn gốc từ này để tạo ra chữ “parfum” dùng để miêu tả những mùi hương dễ chịu mà họ cảm nhận được qua làn khói của những chất thơm được đốt lên.
Lịch sử ra đời
Thật ra, nước hoa mà chúng ta vẫn sử dụng ngày nay mãi về sau mới xuất hiện. Còn thuở sơ khai, nước hoa đơn thuần chỉ là chất đốt thơm hay thuốc mỡ có mùi thơm, về sau đó được chế thành các loại tinh dầu có khả năng giữ hương trong thời gian dài.
Có lẽ nhiều người trong chúng ta vẫn nghĩ xuất xứ của nước hoa đến từ nước Pháp lãng mạn nhưng nhiều bằng chứng lại cho thấy điều ngược lại, dù quốc gia này vẫn được biết đến như một cái nôi của ngành công nghiệp nước hoa hiện đại.
Một bản viết tay trên giấy cói ghi lại cách sử dụng các loại cỏ thơm và chất đốt thơm mà Pharaoh Khufu, được cho là người xây dựng kim tự tháp lớn nhất Ai Cập (vào năm 2700 trước công nguyên) để lại cho đời sau.
Đến chiếc lọ nhỏ có chứa hương trầm được tìm thấy trong ngôi mộ cổ có hơn 3000 năm tuổi của vua Ai Cập Tutankhamun. Hay những bức tranh tường của các lâu đài cổ vẽ các vũ nữ và nhạc công vừa nhảy múa vừa đội một dạng dầu thơm trên đầu để nó chảy dần dần xuống tóc và thân thể. Tất cả các tư liệu này đều cho thấy lịch sử hình thành và phát triển của nước hoa bắt nguồn từ thời Ai Cập cổ đại.
Thời cổ đại, nước hoa được sử dụng phổ biến trong các buổi lễ tôn giáo và trong ngày thường. Nguồn gốc của việc làm này khởi nguồn từ tín ngưỡng tôn thờ các vị thần của người Ai Cập. Họ sử dụng các loại gỗ thơm, thảo mộc có mùi hương hoặc rễ cây cỏ để làm hương liệu cho các nghi lễ tế thần. Trong đó phải kể đến loại hương vô cùng nổi tiếng có tên Kyphi được chiết xuất từ nhựa thơm, cây bách xù trứng cá, hồ trăn và một số nguyên liệu khác… Đó là những bằng chứng rõ nhất về việc nước hoa đã từng có mặt trong đời sống từ hàng nghìn năm trước.
Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra những bích họa mô tả sự gắn kết của các chất liệu thơm trong cuộc sống hàng ngày của con người Ai Cập cổ đại. Ngoài ra, họ còn tìm thấy được bình đựng hương liệu thơm có niên đại 4000 năm TCN được chế tác khá tỉ mỉ và công phu. Chính vì vậy, có thể nói lịch sử của nước hoa gắn liền với lịch sử của nhân loại.
Sự hình thành và phát triển
Sau chất đốt thơm, hình thức đầu tiên của nước hoa là hương trầm. Hương trầm rỉ ra từ các loại cây, lần đầu tiên được phát hiện bởi người Mesopotamians khoảng 4000 năm TCN. Trong thiên nhiên có rất nhiều loại thực vật có tinh dầu toả hương ra không gian, nhưng chỉ có trầm là thứ mà nguồn toả ra hương không bao giờ cạn, từ lúc còn trong rừng núi cho đến khi đem ra chế tác và lưu giữ.
Ngày nay trầm còn được dùng làm chất định hương cho mỹ phẩm, nước hoa. Trầm hương bao hàm đủ cả 5 vị: mặn, ngọt, chua, cay, đắng, toả ra hơn 170 mùi thơm có thể phân biệt được. Vì thế, hương trầm sớm được khẳng định là “vua của các mùi hương” và là “danh hương” trong các nghi lễ tôn giáo.
Ai Cập cổ đại
Trầm hương xuất hiện ở Ai Cập khoảng 3000 năm TCN và tới thời Nữ hoàng Hatshepsut nó trở nên rất phổ biến. Nàng dẫn đầu cuộc thám hiểm trong cuộc tìm kiếm trầm hương và các hàng hóa có giá trị khác, những cuộc thám hiểm này đã được ghi lại trên các bức tường của một ngôi đền cổ. Trong ngôi đền là một vườn thực vật chứa đầy cây trầm hương thu hồi từ những cuộc thám hiểm ấy.
Cho đến đầu thời kì hoàng kim của Ai Cập, trầm hương đã được sử dụng riêng trong các nghi lễ cho các vị thần hoặc các vị vua. Trầm hương được trân trọng và thường xuyên được nhắc tới trong thời kì Kinh Thánh. Vì thế, đốt trầm hương là đặc quyền của các linh mục trong nền văn minh thuở sơ khai. Phong tục này vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay trong Công Giáo và các nhà thờ Tân Giáo. Nhưng sau đó các linh mục dần từ bỏ đặc quyền của họ, trầm hương, chất thơm, dầu thơm dần trở nên phổ biến cho tất cả người Ai Cập, thậm chí người dân còn được lệnh phải dùng dầu thơm ít nhất một lần một tuần.
Người Ai Cập khá khó tính trong thói quen cá nhân và rất kỹ lưỡng trong việc xây dựng phòng tắm. Họ ngâm mình trong các loại tinh dầu thơm bởi nó đem lại sự dễ chịu, niềm vui và giúp bảo vệ cơ thể khỏi những nhân tố gây khô da dưới sức nóng của mặt trời. Ai Cập đã tạo ra nhiều loại kem và sáp có mùi thơm. Họ định dạng chúng trong những khối hình nón và làm tan chảy chúng để bảo vệ tóc và cơ thể.
Người cai trị nổi tiếng nhất và biểu tượng cho sắc đẹp của Ai Cập là Nữ Hoàng Cleopatra. Nàng rất thành thạo và nhận thức rất rõ về sức mạnh của các mùi hương xa hoa trong các loại dầu thơm mà nàng dùng. Và một vẻ đẹp Ai Cập khác, đến từ một triều đại trước đó là Nefertiti được bao quanh bởi hộp đựng với nhựa thơm, flacons (chai) chứa đầy tinh dầu ngọt, và các lọ dầu khô với cách trang trí rất đẹp.
Những chữ viết tượng hình trên ngôi mộ cổ Ai Cập còn nói lên rằng các loại dầu thơm từ xa xưa đã đóng một vai trò không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Người Ai Cập mang dầu thơm theo họ từ khi sinh ra cho đến sau khi chết. Nhiều người Ai Cập đặt dầu thơm trong ngôi mộ của họ để giữ cho da mịn màng khi đến với thế giới bên kia. Họ tin rằng các tinh chất thơm chính là linh hồn và tinh thần của họ.
Ngoài ra, đỉnh nạm vàng, bình gốm tinh tế, và các loại đá mã não đầy chất thơm được đặt trong các ngôi mộ. Vì vậy, 3300 năm sau cái chết của Tutankhamun, một dấu vết của nước hoa trong chậu kín được phát hiện khi ngôi mộ được mở ra. Bột nhựa thơm, quế và những loại hương hoa khác được sử dụng trong quá trình ướp xác và hoàn thành trong 40 đến 70 ngày.
Ngày nay, Ai Cập nhập khẩu các loại gia vị và chất thơm từ Ấn Độ, chẳng hạn như gừng, hạt tiêu và gỗ đàn hương. Điều kiện khí hậu thuận lợi cho phép Ai Cập giữ một vị trí nổi bật trong ngành công nghiệp sản xuất nước hoa tinh dầu.
Hy Lạp và La Mã cổ đại
Không chỉ Ai Cập mà Hy Lạp và La Mã cũng là những đế chế có thời kỳ toàn thịnh về việc sử dụng và tiêu thụ các loại chất thơm.
Việc sử dụng những chất thơm lan truyền trên diện rộng và du nhập sang các vùng lân cận. Sau khi người Ai Cập thống trị vùng thương mại ở địa Trung Hải, những thương gia người Phoenicia đã vận chuyển, buôn bán nước hoa sang Hy Lạp. Mặc dù, tại đây những lái buôn này gặp phải sự hạn chế dưới các nghị định ngăn cản sự lan tràn của nước hoa du nhập thế nhưng người Hy Lạp đã coi nước hoa như một biểu tượng, và họ sử dụng chúng nhưng một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa nghệ thuật của mình.
Người Hy Lạp được cho là nơi nghệ thuật làm ra nước hoa lỏng đầu tiên, mặc dù nó khá khác so với nước hoa ngày nay mà chúng ta biết. Nước hoa của họ là bột thơm trộn với dầu nặng, không có rượu. Chất lỏng được lưu trữ trong chai dài làm bằng thạch cao tuyết hoa và vàng, gọi là alabastrums (bình)
Dưới sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Đông và Hy Lạp, người La Mã cũng đã hòa nhập với xu thế xã hội và bị lôi cuốn bởi thứ hương thơm quyến rũ này.
Người Hy Lạp và La Mã cổ đại đã học được rất nhiều về “nước hoa” từ người Ai Cập. Thương mại giữa Crete và Ai Cập ngày càng thịnh vượng và ảnh hưởng lẫn nhau. Giống như Ai Cập, hoa lily được đánh giá cao ở Crete.
Hoa hồng cũng rất phổ biến. Nền văn hóa Hy Lạp mất một thời gian sau Crete để phát triển. Sử dụng một loạt các hương hoa được làm từ dầu thực vật như dầu ô liu và dầu hạnh nhân, họ bổ sung thêm các loại tinh dầu làm từ hoa lily, hoa hồng, gốc cây iris thơm và cây anit thuộc họ hoa tán.
Nhiều công thức nước hoa của La Mã và Hy Lạp đã tồn tại đến tận bây giờ, người Hy Lạp cổ đã cẩn thận ghi lại quy trình sản xuất nước hoa của họ. Trên thực tế còn có cả những bức tranh tường trong một xưởng sản xuất nước hoa ở Pompeii ghi lại quy trình sản xuất nước hoa Greco-Roman. Đầu tiên dầu được làm bằng cách ép ôliu, sau đó các thành phần như lá, rễ cây và gỗ được thêm vào qua các phép cân đo tỉ mỉ với mục đích chiết xuất hương thơm của tất cả các thành phần.
Nước hoa thường được sử dụng trong xã hội La Mã cổ đại với mục đích đưa các tín đồ đến gần các vị thần. Tuy nhiên, hương thơm không chỉ được sử dụng cho các mục đích tôn giáo mà nó còn có mặt ở khắp mọi nơi. Vào năm 100, người La Mã đã sử dụng 2.800 tấn trầm hương mỗi năm. Nước hoa còn được sử dụng trong các sản phẩm làm đẹp, các phòng tắm công cộng. Vào ngày lễ, chim được thả từ lồng để phân tán mùi hương từ cánh của chúng. Thậm chí, rèm, nến, bảng biểu, và đệm đều thơm.
Với việc xâm lược của Alexander Đại đế trong thế kỷ thứ 3 TCN, việc sử dụng nước hoa và mùi hương càng trở nên phổ biến ở Hy Lạp. Người Hy Lạp đã thảo luận về các vấn đề như: cách vận chuyển mùi hương, các loại tinh dầu và nguồn gốc thực vật, thậm chí các ảnh hưởng của mùi hương về tâm trạng và quá trình tư duy của con người. Họ cũng nghiên cứu làm thế nào để nhận thức mùi hương và sự kết nối giữa nhận thức mùi hương và vị giác.
Ngoài ra, còn một loại hương thơm nổi tiếng qua các thời đại được ưa chuộng khác đó là “cây tuyết tùng” trên dãy núi Lebanon. Tuyết tùng được vua Solomon sử dụng trong việc xây dựng các đền thờ, dầu của cây tuyết tùng được sử dụng để làm áo và bản thảo để tránh các loại sâu mọt trong thời đại của Hoàng đế La Mã Augustus. Ngày nay, tuyết tùng được phun trong tủ quần áo để tránh các con côn trùng cắn quần áo.
Ba Tư cổ đại
Người Ba Tư cổ đại đầu tư rất nhiều vào “công nghệ” sản xuất nước hoa. Hình ảnh các vị vua Ba Tư thường được gắn liền với lọ nước hoa. Các nhà cai trị huyền thoại như Darius và Xerxes luôn được vẽ với lọ nước hoa trên tay. Người Ba Tư thống trị thị trường nước hoa trong nhiều thế kỷ và nhiều người tin rằng họ đã phát minh ra quy trình chưng cất dẫn đến việc sản xuất rượu sau này.
Có lẽ nhiều người trong chúng ta biết về Avicenna – nhà hóa học, bác sĩ và triết gia người Ba Tư – người đã thử nghiệm rất nhiều các phương pháp chưng cất nhằm tạo ra mùi thơm tốt hơn. Đây là lần đầu tiên nghiên cứu hóa học được sử dụng để tạo ra mùi thơm chứ không dựa trên tinh dầu. Thử nghiệm đầu tiên của ông là với hoa hồng. Với khám phá của ông, nước hoa hồng (được xem là nước hoa dạng lỏng đầu tiên) được chế tạo từ việc trộn lẫn dầu và các loại thảo mộc hoặc cánh hoa được nghiền ra. Nước hoa hồng trở nên tinh tế hơn, và giờ đây nó đã trở thành sản phẩm phổ biến trên thế giới.
Trung Quốc cổ đại
Người Trung Quốc cổ thường sử dụng mùi thơm bằng cách đốt hương và chất liệu thơm thay vì bôi nó lên cơ thể. Lịch sử mùi hương trong xã hội Trung Quốc xưa có xu hướng nhấn mạnh rằng nước hoa không được coi là mỹ phẩm mà chúng được sử dụng với mục đích khử trùng và làm sạch, vì họ tin rằng nước hoa có thể loại bỏ một số loại bệnh.
Theo các nhà sử học Trung Quốc, từ thời kỳ nhà Chu đã xuất hiện nhiều loại mùi hương. Các quý tộc cạnh tranh với nhau để có được những mùi hương thơm nhất và nhập khẩu các hương liệu thông qua con đường tơ lụa. Ngoài ra, phần lớn các hương liệu được người Trung Quốc sử dụng cho các mục đích khác như trong chế biến thực phẩm và bào chế thuốc.
Châu Âu thời Trung cổ
Châu Âu những năm từ 1200 đến 1600, người dân thường hay mang theo một quả bóng nhỏ chứa các vật liệu thơm được sử dụng với mục đích phòng bệnh nhiễm trùng và mùi hôi. Ý tưởng về bình “nước hoa di động” dường như đã xuất hiện trong thời Trung cổ sau khi những cuộc thập tự chinh thánh chiến trở về, mang theo công thức bí mật về bào chế nước hoa của các vùng đất khác. Dù cho người Châu Âu chậm hơn về công thức bào chế hương thơm nhưng họ lại tìm ra cơ sở tuyệt vời để chế tạo nước hoa từ hương hải ly, xạ hương, cầy hương, long diên hương và các sản phẩm làm từ động vật khác. Nhãn hiệu nước hoa đầu tiên được sản xuất từ các chất tổng hợp có tên “Nước hoa Hungary” vì nó được sản xuất dành riêng cho hoàng hậu Hungary vào thế kỷ 14 với thành phần bao gồm cồn và thảo mộc.
Ý thời Trung cổ
Một bước đột phá quan trọng trong việc sản xuất nước hoa đến từ người Ý thời Trung cổ, khi họ khám phá ra công nghệ hóa lỏng. Sau sáng chế này, nước Ý đã trở thành trung tâm nước hoa của thế giới trong nhiều thế kỷ. Người được cho là đã mang nước hoa của Ý đến với nước Pháp và phần còn lại của thế giới chính là Catherine di Medici, hoàng hậu nước Pháp với nhãn hiệu nước hoa riêng do Rene le Florentin bào chế: nước thơm với quả Bergamot và hoa cam. Từ đó, mọi thứ phát triển rất nhanh, vào cuối những năm 1800 ngành sản xuất nước hoa hiện đại đã ra đời.
Lịch sử của nước hoa là một lịch sử đầy thăng trầm gắn liền với các giai đoạn phát triển của xã hội cho đến thời kỳ hiện đại. Có lúc là những khoảng thời gian bình lặng, có lúc lại là sự bứt phá vượt trội. Các thành phần được sử dụng để tạo ra mùi hương có ý nghĩa quan trọng đối với các tuyến đường giao thương, mùi hương cao cấp luôn được sử dụng như là một cách để phân biệt tầng lớp quý tộc với nông dân, đồng thời mùi hương cũng là một biểu hiện của sự tôn sùng tôn giáo, sự tinh khiết và các biện pháp phòng ngừa sức khỏe trong suốt chiều dài lịch sử văn minh nhân loại.
Tâm Liên – Thiên Lộ