Thời gian vừa qua, những chuyện từ hành hung thầy, bóp cổ cô cho đến chuyện cô giáo không giảng bài, bắt học sinh uống nước lau bảng… khiến dư luận quay cuồng, tưởng chừng như đã mất hết niềm tin vào ngành giáo dục. Bài viết về thầy giáo “nước người ta” dưới đây hi vọng sẽ là nơi tìm về những ai đang tha thiết tìm lại tình thầy trò thiêng liêng, bởi quan trọng không phải quốc gia nào, mà dù ở đâu, người thầy vẫn đáng kính như thế…
“Chúng ta cố gắng trở thành gì mỗi ngày?”
“Một gia đình!”
“Chúng ta?”
“Đam mê!”
“Chúng ta cũng?”
“Dũng cảm!”
“Chúng ta?”
“Không ngừng lại!”
“Và cuối cùng, chúng ta?”
“Biết ơn!”
Đó là những gì mà các học sinh lớp 5 của Dan Reichard, một thầy giáo 28 tuổi tại trường tiểu học Kate Waller Barrett ở Stafford, bang Virginia, vẫn thường đối đáp nhau với anh vào mỗi sáng trước khi bắt đầu buổi học. Ở năm thứ 6 trong đời đi dạy, thầy Reichard đã được trao giải “Giáo viên của năm 2018” do Washington Post tổ chức, vượt qua 19 ứng viên chung kết khác đến từ Washington D.C., Maryland và Virginia.
Lớp học sẽ chính thức được bắt đầu khi thầy Reichard lấy ra những chiếc trống làm từ chất thải nhựa và chuyền cho các em, rồi tất cả cùng nhau vừa nhảy vừa hát một trong những bài hát của lớp – một bản remix “Can’t Stop the Feeling!” của Justin Timberlake do chính thầy Reichard viết lại. Vì biết các học trò của mình yêu âm nhạc nên thầy Reichard đã sử dụng nhạc rất nhiều trong việc giảng dạy để các em hứng thú và vui vẻ học tập.
Phương pháp giảng dạy của thầy Reichard cũng rất đơn giản. Thay vì chỉ tập trung cung cấp kiến thức cho các em, thầy đặc biệt chú ý xây dựng các mối quan hệ có ý nghĩa với mỗi học sinh, thầy thường xuyên trò chuyện với các học trò mình ngoài chuyện học.Thầy biết học sinh nào đã tập bóng đá tối qua và học sinh nào đang gặp vấn đề ở nhà, thậm chí còn đến thăm nhà của học sinh để tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình của các em.
Thầy Reichard tâm sự: “Nhiều em xuất thân từ những gia đình thật sự khó khăn. Tôi sẵn lòng làm bất cứ điều gì để bảo đảm rằng các học trò mình cảm thấy chúng được nhìn ngắm, được lắng nghe và được yêu thương mỗi ngày”. Bởi vậy, mỗi khi các học sinh bước theo hàng vào lớp, thầy sẽ đứng bên ngoài, hát nhạc pop và chào mỗi em bằng một cái bắt tay.
Người thầy tuyệt vời của hôm nay bắt đầu từ người thầy đáng kính năm xưa..
Thầy Reichard đã trải qua một thời tiểu học không dễ dàng. Thầy kể lại:
“Những gì tôi đã trải qua thật tồi tệ. Tôi thật sự dở môn đọc, và cũng phải tham gia những khóa tập nói, rồi trị liệu giọng nói, vì thế tôi luôn bị cho ra khỏi lớp. Tôi chỉ nhớ là cảm thấy thật sự bị thua các bạn”.
Mãi đến khi bắt đầu vào lớp 7, thầy Reichard mới không còn bị buộc phải tham gia các lớp tập nói nữa nhưng thầy vẫn còn rất nhút nhát. Và mãi tới khi thầy giáo dạy hợp xướng Francis Nesta xuất hiện, “bắt” cậu học trò nhỏ phải vượt qua nỗi sợ đó thì sự nhút nhát ấy mới biến mất.
“Thầy bắt tôi tham gia vào các vở nhạc kịch ở trường, và một ngày nọ, khi đang tập, thầy bắt tôi đứng trên ghế và nói trước cả nhóm. Tôi thậm chí không thể nhớ được mình đã nói gì, chỉ hét lên thôi”.
“Mọi người cổ vũ cho tôi. Còn thầy đã luôn ở bên cạnh tôi, thấu hiểu và dành rất nhiều điều tốt đẹp cho tôi, suốt 6 năm trời”, thầy Reichard bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm về người thầy đáng kính.
Cũng chính nhờ trải nghiệm bị “bắt” phải nói năm xưa, thầy Reichard đã sáng tạo ra một phương pháp học tập mang tên “Ba phút nổi tiếng” vô cùng thú vị trong lớp học của mình. Mỗi ngày, thầy chọn ngẫu nhiên một học sinh ra đứng trước lớp để các em còn lại dành những lời khen tặng cho học sinh đó. Điều đó không chỉ giúp học sinh của thầy trở nên tự tin hơn mà còn lan tỏa những năng lượng tích cực cho cả lớp: khi chỉ tập trung nhìn nhận những điểm tốt của các bạn, các em trở nên thân thiết, biết quan tâm và nghĩ cho bạn bè hơn.
Không chỉ vậy, thầy Reichard còn dành rất nhiều thời gian để các tiết học trở nên sinh động và hiệu quả hơn. Chẳng hạn, khi học sinh cần nghiên cứu về các hòn đá và khoáng chất, thầy Reichard đã biến phòng học thành một cảnh trong phim “Thế giới khủng long”. Thầy phủ kín các bàn học bằng những tấm vải đen và trang trí chúng bằng các chiếc ống màu xám để chúng trông giống như những chiếc xe Jeep. Ngoài ra, thầy còn cho phát tiếng khủng long kêu qua hệ thống loa trong lớp học.
“Tôi nói với các học sinh của mình rằng tôi là người may mắn nhất còn sống vì tôi được làm những gì mình yêu thích mỗi ngày. Tôi không biết rõ ràng đó là gì, nhưng có một điều gì đó bảo tôi rằng tôi phải làm việc càng chăm chỉ càng tốt cho các em mỗi ngày vì các em xứng đáng với những gì tốt nhất”, thầy Reichard chia sẻ.
Nếu các học trò thấy tôi đã dành rất nhiều tâm huyết vào việc giảng dạy – điều tôi vô cùng yêu thích thì tôi hi vọng rằng các em có thể làm như thế với những điều các em yêu thích trong tương lai.
Nguồn ảnh: Washington Post
Thiện Nam