Trung Động, ngôi làng trong hang cuối cùng ở Trung Quốc, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài.
Theo New York Times, trước đây, vì trốn tránh chiến tranh loạn lạc, người dân làng Miêu đã chuyển đến sinh sống tại một hang động ở tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc. Họ sống tại đây nhiều năm và không có ý định ra ngoài. Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng dân tộc Miêu đã sinh sống ở hang động này trong hàng nghìn năm trước đó.
Đây là một trong những khu vực nghèo khó nhất ở Trung Quốc. Sự liên hệ duy nhất giữa nó và thế giới bên ngoài chỉ thông qua một con đường mòn xuyên núi, và phải mất khoảng một tiếng để đi bộ qua thung lũng.
Diện tích của hang này to gần bằng bốn sân vận động. Hang lớn đến nỗi có thể tạo nên các ngôi nhà bằng gỗ hoặc tre, hình thành một ngôi làng nhỏ bí mật.
Những người dân ở đây trồng ngô, kê và rau dưới chân núi và nuôi gia súc. Nước được trữ trong các thùng chứa. Những ngôi nhà được xây dựng bằng tre và không có mái, bởi hang động vốn đã là nơi trú ẩn ấm áp và khô ráo.
Theo The vintage news, năm 2002, một doanh nhân đồng thời là nhà từ thiện người Mỹ đến thăm ngôi làng và giúp mang điện đến nơi đây. Ông cũng giúp xây dựng một phòng tắm tập thể và trường học. Tuy nhiên, trường học này sau đó bị chính quyền đóng cửa, trẻ em được gửi tới trường nội trú cách đó 2 giờ di chuyển.
Khoảng 20 năm vừa qua, ngôi làng này đã dần rút ngắn cách biệt với cuộc sống bên ngoài. Lượng khách du lịch liên tục tăng. Họ đến để trải nghiệm những gì đã được truyền thông mô tả về ngôi làng trong hang động cuối cùng có người cư trú thường xuyên ở Trung Quốc. Bởi vậy, những người dân ở đây cho khách du lịch thuê phòng để kiếm thêm thu nhập.
Trẻ nhỏ được gửi đi học ở trường nội trú. Trong tuần, trong hang chủ yếu là âm thanh của tiếng gà và bò kêu. Chiều thứ 6 sẽ nghe thấy những tiếng cười của các em.
Chính quyền địa phương đã rất mong muốn những người dân làng Trung Động sẽ di chuyển đến nơi ở mới gần đó. Thậm chí, chính quyền đưa ra mức giá hỗ trợ gần 10.000 USD mỗi người, tuy nhiên chỉ có 5 gia đình đồng ý di dời để bắt đầu cuộc sống mới.
18 hộ khác muốn ở lại trong hang bởi họ không muốn đánh mất đi vùng đất quê hương của mình và sự kết nối lịch sử với hang động này. Một số dân cư là người già, họ không nói tiếng Quan Thoại, họ vốn đã quen với lối sống chậm rãi, thư thái nơi này và không muốn rời khỏi cộng đồng sinh sống của mình.
Ngọc Mai (TH)
Video xem thêm: Mỹ và Liên minh châu Âu lên án chính quyền Trung Quốc trong ngày Quốc tế nhân quyền