Tiếng pháo giao thừa, tiếng hò reo đã dần ngớt, trong căn phòng lung linh ánh sáng, bên bàn tiệc tinh tươm, tôi bất chợt nhớ về quê hương yêu dấu, nhớ về mẹ, nhưng mẹ chỉ còn là một miền ký ức xa xôi…

Mẹ với bố đến với nhau qua lời giới thiệu của một người họ hàng thân thuộc. Mẹ chẳng tìm hiểu được nhiều, chỉ thấy lúc đó bố cũng đã học hết cấp 3, đang học nghề cơ khí, là người có học, ông nội lại làm nghề mộc, có ruộng, có vườn… Ở cái thời điểm xã hội mới qua bao cấp, mọi thứ còn quá khó khăn, nhà nhà còn chạy ăn từng bữa, thì có thể làm dâu một nhà như vậy là mẹ gật đầu thôi. Năm đó, mẹ vừa tròn 18 tuổi.

Những tưởng cuộc đời mẹ từ nay có một bờ vai để nhờ dựa, một cuộc sống không quá đủ đầy, cũng có thể bữa đói bữa no nhưng bình dị giản đơn như bao gia đình khác. Nhưng đời người phải chăng có mệnh và chai rượu lễ rơi vỡ tan trong ngày cưới đã như một điềm báo bi thương cho cuộc đời mẹ?

Ảnh minh họa: Zing.

Mẹ không phải dâu trưởng nhưng các anh bên nhà chồng đều lập gia đình nơi xa, hai chị trong nhà cũng đều đã xuất giá, bố lại đi học nên mọi trách nhiệm trong nhà phần nhiều đều đổ dồn nên đôi vai mẹ. Tiếng là vậy nhưng mẹ không thấy vất vả. Bởi nhà mẹ trước đây nghèo lắm, làm lụng quần quật mà chẳng đủ ăn. Giờ đây có ruộng mà cấy, có vườn trồng rau, có tí vốn ông nội cho mà nuôi con gà, con vịt là mẹ thấy ấm áp, thấy đủ đầy lắm rồi.

Rồi mẹ sinh tôi, chăm con vất vả thật nhưng người ta vẫn nói, diễn tả sao cho được niềm vui của những người phụ nữ được lần đầu làm mẹ. Hai năm sau nữa, thêm cái Trang ra đời, xinh xắn, đáng yêu. Gia đình có đủ cái ăn, con cái khỏe mạnh, lại có nếp có tẻ, còn niềm vui nào hơn thế nữa, với mẹ đó đã là tột cùng hạnh phúc. Xóm làng ai cũng khen mẹ phúc lớn, đức dày.

Ảnh minh họa: Thi viết văn.

Nhưng chỉ ngót 3 năm, những ngày tháng êm đẹp của mẹ dần qua đi trong thoáng chốc. Bố học xong trở về nhưng không mang theo hi vọng của một cuộc sống ấm no mà gùi nặng hai vai tai ương và trắc trở đựng đầy trong cái balo cũ kỹ.

Người ta bảo bố từ ngày đi học về khác lắm, cứ như người bị bỏ bùa, bị ma nhập. Người ta thanh niên tháo vát đủ việc còn bố suốt ngày chỉ loanh quanh với chai rượu, mặc mẹ muốn làm gì thì làm, muốn chăm hai anh em sao thì chăm.

Có tấm bằng trung cấp cơ khí nhưng chẳng bao giờ bố nghĩ đến chuyện đi xin việc hoặc tự mở một cái xưởng con con mà kiếm sống, nhất nhất chỉ ở nhà và loanh quanh với mấy ông bạn chung cái thú vui rượu chè, cờ bạc. Cũng có lần sau này túng quá các bác kéo bố ra Quảng Ninh, ra Hải Phòng làm thợ nhưng chỉ được dăm bữa nửa tháng là bố lại bỏ về.

Miệng ăn núi lở, gia sản dần tiêu tan, một mình mẹ phải cáng đáng đủ nghề để có tiền nuôi hai đứa con và một ông chồng nát rượu.

Sự bức bách sinh bất hòa, những trận cãi cọ cứ ngày một nhiều lên. Tôi chẳng thể nhớ được bao lần bố mẹ to tiếng, mà đa phần đều là do bố sinh sự. Con ma men làm bố như một người mất trí, có lần bố đuổi mẹ chạy ra mãi tận cánh đồng, đánh sưng vù cả hai mắt, sứt xát cả chân tay.

Ảnh minh họa: Thời báo Today.

Bị đánh như vậy nhưng cứ thấy anh em tôi là mẹ lại gắng gượng cười, mẹ không muốn những đứa con của mẹ phải thấy những điều tiêu cực. Mãi đến đêm, đợi anh em tôi ngủ say, mẹ mới lặng ngồi trong bếp mà khóc, mà thương cho cái phận bọt bèo. Có lẽ không ít lần mẹ đã nghĩ đến chuyện ly hôn nhưng thương cái lòng của bố mẹ chồng, thương anh em tôi bơ vơ côi cút, mẹ lại gắng gượng vượt qua, gắng gượng chăm lo cho anh em tôi ăn học.

Mình mẹ cực nhọc với 5 sào ruộng, hết mùa lúa lại mùa rau. Lúc nông nhàn, mẹ lại nhận làm đủ việc, bóc điều, đan thảm, đi bắt cua, bắt cáy, rồi mẹ đi cấy thuê, đi làm phụ hồ, đi mua ve chai… Cứ có ai thuê là mẹ làm, cứ có việc gì ra tiền là mẹ nhận. Anh em tôi phần vì tuổi nhỏ vô tư, phần vì mải học nên cũng chẳng giúp được mẹ nhiều, có chăng chỉ là nấu bữa cơm, đun giúp mẹ nắm lá bóp chân hay một vài việc linh tinh lặt vặt.

Làm lụng vất vả, thân mẹ cứ ngày một héo mòn, bệnh tật kéo tới, mẹ bị dạ dày, bị thoái hóa cột sống. Tôi không sao quên được những hôm mẹ đi cấy về cảm nắng sốt cao nằm bẹp một chỗ, những hôm mẹ đi phụ hồ vừa đói, vừa mệt nhưng đau dạ dày quá chẳng dám ăn gì, chỉ húp được vài thìa cháo loãng…

Tuổi thơ của anh em tôi cứ thế trôi đi, xen lẫn ký ức về những bữa cơm đạm bạc, những trận cãi nhau, những hôm đóng học mà mẹ chẳng có tiền, những vết chân chim và khắc khổ in hằn lên đôi mắt mẹ…

Rồi cũng tới ngày tôi vào đại học. Đôi mắt mẹ ánh lên một niềm hạnh phúc vô bờ. Mẹ biết rằng tới đó mẹ sẽ phải làm cực hơn, làm nhiều hơn mới đủ tiền cho tôi ăn học, nhưng mẹ vẫn vui lắm, mẹ muốn thấy anh em tôi trưởng thành, có việc làm tốt, không phải lam lũ như đời mẹ mấy chục năm qua. Mười mấy năm cơ cực mẹ đã qua rồi, thêm 5 năm nữa có đáng là bao.

Những năm đại học, cứ mỗi lần về nhà là tôi lại thấy mẹ già đi trông thấy, chẳng dễ dàng gì để có thể đều đặn gửi 2 triệu mỗi tháng cho tôi. Có lần em tôi kể, mẹ ốm nhiều mà cấm không cho nó báo cho tôi biết, cũng không chịu mua thuốc vì để tiền dành dụm gửi cho tôi.

Biết chuyện tôi phàn nàn với mẹ, mẹ lại xuề xòa: “Cái thằng này, mày xem giờ mẹ có sao đâu, cứ học cho tốt đi, vài năm nữa đi làm, có tiền, cho mẹ, rồi mẹ tiêu hết tiền của anh cho anh thấy”.

Đầu năm mẹ đi xem bói, người ta bảo mẹ 4 năm nữa chẳng ở làng nữa đâu, làm mẹ thấy lòng hoan hỉ, bởi ai cũng nói, chắc tầm đó tôi ra trường, sẽ về đưa mẹ lên thành phố sống, không phải chân lấm, tay bùn nữa.

Ảnh minh họa: Tin mới.

Và mẹ đi thật, nhưng không phải theo tôi mà… mẹ theo về cùng tiên tổ. Cơn tai biến tìm đến mẹ vào một sáng đầu đông khi trời còn chạng vạng. Mẹ lịm đi bất tỉnh trong tiếng ú ớ của bà. Tôi kịp về với mẹ khi mẹ chỉ còn chút sức tàn thoi thóp, khắp cơ thể héo hon gắn đầy dây rợ. Mẹ không nói được, chỉ nhìn tôi ngấn lệ rồi khẽ lặng dần vào hư vô, mẹ đã rời xa tôi khi mới chỉ vừa 45 tuổi!

Chiều hôm ấy, cái thôn nghèo cô quạnh. Cánh đồng phủ trắng khăn tang bên dòng người lặng lẽ bước đi trong gió bấc. Chưa có cái đám tang một người bình thường nào lại đông như thế, chú tôi bảo nhà ai cũng có đại diện trong dòng người đưa tiễn ấy, họ đến vì cái nghĩa, cái tình, vì cảm thương cho một kiếp người cả một đời long đong, lận đận. Chẳng thế mà không chỉ có anh em tôi, những người thân thuộc mà cả những người chẳng thân sơ cũng lệ nhòa bên mảnh đất nhỏ nhoi nơi mẹ tôi an nghỉ. Mẹ đã xa tôi thật rồi!

Mất mát đối với tôi quá lớn nhưng tôi vẫn phải gắng gượng bước đi. Trong giấc mơ, tôi vẫn thi thoảng thấy mẹ về nhắc tôi phải lo cho em, cho bố. Và giờ đây, tôi đã có nhà, có cửa, có một công việc ổn định để làm, đã có thể lo cho những người thân thuộc, nhưng đáng tiếc rằng tôi không có được một ngày lo cho mẹ.

Đời người vô thường, người ta hợp ly đều vì duyên nợ. Cái duyên của mẹ với tôi chỉ có vậy. Mẹ đến trả nợ cho cha, nuôi anh em tôi trưởng thành là đã vừa đến kỳ mãn hạn. Biết thế nhưng cứ mỗi dịp cuối năm, lòng tôi lại vẫn mong mỏi lắm một mùa xuân còn mẹ. Những ngày cơ cực ấy, bữa cơm ngày Tết cũng chẳng khá khẩm gì, nhưng trên cả vẫn chan chứa tình thương và tiếng cười của mẹ. Vui lắm khi mẹ may cho bộ quần áo mới, 3 mẹ con cười nói râm ran, được đón từ tay mẹ đồng 5 nghìn xanh xanh sau phút giao thừa đầm ấm…

Giờ đây, trong cảnh đủ đầy, tôi chỉ mong sao có thêm một lần được ăn cơm cùng mẹ, được ngắm nụ cười truân chuyên tần tảo một thời… nhưng hy vọng vẫn mãi chỉ là hy vọng, một ước vọng mãi mãi tôi chẳng thể nào chạm được, bởi tất cả, mẹ chỉ còn là một miền ký ức xa xôi…

Hoài Anh

Video xem thêm: Mẹ già rồi, xin đừng bao giờ nói những lời này với mẹ

videoinfo__video3.dkn.tv||ac56d9f85__