Bây giờ, khi đã lớn khôn, tôi mới cảm nhận hết được cái ngon từ miếng bánh đúc đậu phộng của ngoại thuở nào…

“Ngoại kể, nhà bà cố ngày xưa chuyên làm bánh đúc đậu phộng đem ra chợ bán. Mỗi buổi sáng, ngoại thức dậy từ rất sớm chạy loanh quanh phụ làm bánh đúc sau đó lẽo đẽo theo bà cố ra chợ bán. Bánh đúc rất ngon lại rẻ nên các cô, các bác tranh nhau mua, loáng một cái cả gánh bánh đã hết veo, bà cố chỉ để dành được đúng một miếng cho ngoại ăn sáng, còn mình thì chịu nhịn.

Ngoại kể đến đó thì mắt đã rơm rớm liền lấy vạt áo chấm chấm để che đi những giọt nước mắt lặng lẽ của người già. Đối với ngoại tôi, món bánh đúc đậu phộng không chỉ đơn thuần là một món ăn thời lam lũ, không chỉ là kế sinh nhai nửa đời người của ngoại. Nó còn chứa đựng cả một miền ký ức mênh mông khiến người ta bùi ngùi khi nhớ về.

Ảnh: Giadinhvietnam.

Sau này khi bà cố mất, ngoại tôi lại nối tiếp nghề làm bánh đúc đậu phộng để nuôi các con khôn lớn. Bao nhiêu năm làm ra hàng trăm ngàn cái bánh đúc, mỗi ngày đều phải nếm qua xem bánh đúc có vừa miệng không, vậy mà chẳng những ngoại không ngán còn ghiền món bánh đúc một cách kỳ lạ. Bây giờ khi đã già tuổi cao sức yếu, ngoại vẫn thường hay làm bánh đúc để ăn, để nhớ về những ngày tháng quá vãng và để truyền cho chúng tôi bí quyết làm ra những chiếc bánh đúc mềm, mịn, mát lành, dẻo thơm”. Lời tâm sự của độc giả đăng trên báo Phụ nữ (Người lao động) đã thực sự chạm vào ký ức của nhiều độc giả.

Hầu như hồi bé, bạn nào cũng đều có rất nhiều kỷ niệm về bà và gắn liền với món ăn nào đó. Trong đó, món bánh đúc đặc biệt được nhiều bạn nhắc đến.

Vậy hôm nay, bạn hãy vào bếp cùng Bếp Đại Kỷ Nguyên để tự làm món bánh đúc đậu phộng chiêu đãi cả nhà nhé!

Nội dung chính

Nguyên liệu

  • Bột gạo tẻ ngon: 500g.
  • Nước vôi trong: 1,8–2 lít (bạn nên chọn loại vôi củ đã được tôi ít nhất một năm, để nước vôi khi gạn được trong nhất và không có vị chát, như vậy thành phẩm bánh đúc sẽ thơm ngon hơn).
  • Nhân đậu phộng (lạc): 200g
  • Dầu ăn, muối bột canh, đường trắng.

Cách làm

Bước 1: Lạc rửa qua để loại bỏ cặn bẩn, sau đó ngâm vào nước sạch khoảng 6 tiếng cho nở, rồi đem luộc lạc cho chín mềm, khi lạc chín bạn vớt ra rổ thưa để ráo nước.

Bước 2: Lấy một âu khô sạch, hoà tan lấy 2 lít nước vôi trong rồi cho 500g bột gạo tẻ vào khuấy đều cho bột tan hòa quyện lại với nước.

Ảnh: Cooky.

Tiếp đó, cho thêm 1/2 thìa cà phê muối bột canh vào và tiếp tục khuấy cho tan muối. Sau đó cho hỗn hợp nước vôi, bột vào tủ lạnh ngâm khoảng 2 tiếng cho bột nở rồi bỏ ra ngoài. Càng nhiều bột năng, bánh sẽ càng dai, mềm và dẻo; nhiều bột gạo, bánh sẽ cứng giòn hơn.

Bên cạnh đó, lượng nước cũng quyết định độ mềm của bánh. Càng nhiều nước bánh sẽ càng mềm. Tuỳ theo khẩu vị mà bạn có thể điều chỉnh lượng bột năng, bột gạo và nước trong công thức.

Lưu ý: Việc ngâm bột và thay nước sẽ giúp bột nở mềm hơn, và loại bớt mùi bột khô. Nếu dùng bột xay từ gạo thì có thể bỏ qua bước này. Nhưng cần lưu ý lượng nước để không bị quá nhiều nước.

Bước 3: Bắc nồi bột lên bếp để lửa ở mức vừa rồi nấu bột, bạn dùng đũa hoặc muôi gỗ khuấy đều liên tục trong quá trình nấu sẽ giúp hỗn hợp không bị vón cục và bén đáy nồi.

Ảnh: Cooky.

Sau khoảng 2-3 phút khi hỗn hợp bắt đầu sệt và đặc dần lại, hạ lửa xuống mức thấp hơn, cho 3 thìa dầu ăn vào trộn đều. Đậy vung lại đun khoảng 15 phút thì mở vung ra dùng đũa khuấy đều một lần nữa rồi tiếp tục đun như vậy đến khi nào bột gạo quánh lại.

Lưu ý: Bạn nên khuấy đều tay theo một chiều, như vậy bột sẽ tan đều và làm bánh đúc dẻo thơm và mềm mịn hơn. Bột càng đặc lại, càng phải nhỏ lửa. 

Bước 4: Khi hỗn hợp bột bắt đầu sánh lại, bạn cho đậu phộng đã luộc chín vào hỗn hợp bột gạo đang đun rồi vặn lửa to vừa, đun thêm 7 phút. Sau đó, bạn mở nắp nồi và vặn lửa to hơn một chút, vừa đun bạn vừa khuấy đều thêm khoảng 5-10 phút nữa là được.

Cuối cùng, bạn đổ bánh đúc đậu phộng vào khuôn. Hoặc nếu bạn không có khuôn làm bánh thì có thể cho ra các đĩa sâu lòng rồi đợi bánh nguội cắt thành những miếng vừa ăn.

Ảnh: Cooky.

Khi thưởng thức, bạn rắc hành khô lên và làm nước chấm chua ngọt. Có nhiều vùng miền sẽ chấm với mắm tôm, tương bần ăn rất tuyệt.

Lưu ý: Bánh đúc có thể quấy nhiều một lúc rồi cất trong hộp, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Khi ăn, chỉ cần cho ra đĩa, đậy kín cho vào lò vi sóng quay nóng lên là bạn sẽ có ngay món bánh đúc hấp dẫn nóng hổi nhé.

Video xem thêm: 9 nhóm thực phẩm làm sạch và bảo vệ mạch máu

videoinfo__video3.dkn.tv||9235abcc2__