Hà Nội đang bắt đầu vào mùa gió ẩm và nồm nên các gia đình cũng mách nhau các biện pháp làm giảm mức oi nóng trong nhà, trong đó máy hút ẩm được cho là hiệu quả nhất và đây cũng là thời điểm các cửa hàng tung ra nhiều mẫu mã sản phẩm với nhiều mức giá khác nhau. Tuy nhiên, chính vì người dùng cũng cần lựa chọn kỹ lưỡng để có được thiết bị phù hợp với gia đình và túi tiền.
Thông thường sau Tết Nguyên đán cũng là thời điểm bắt đầu mùa nồm ẩm ướt ở miền Bắc. Độ ẩm trong không khí thường xuyên ở mức trên 90%, kèm với đó là những ngày mưa phùn kéo dài. Lượng nước dư thừa trong không khí sẽ ngưng tụ thành những giọt nước trên tường, sàn nhà, đồ dùng thiết bị, quần áo thì luôn ẩm, thậm chí có mùi mốc.
Thời điểm này, nhiều gia đình phải bật điều hòa để xử lý ẩm. Tuy nhiên, điều hòa chỉ làm khô được trong một không gian nhất định, bởi vậy các gia đình phải chật vật tìm cách chống ẩm. Trong vài năm trở lại đây, máy hút ẩm là thiết bị được nhiều gia đình lựa chọn.
Tính năng của từng dòng máy hút ẩm
Máy hút ẩm được cấu tạo theo nguyên lý có phần tương tự máy điều hòa, khi hút hơi ẩm trong không khí và đưa qua một hệ thống làm lạnh để làm ngưng tụ thành nước. Tuy nhiên, thiết bị này ưu việt hơn điều hòa khi có tính cơ động cao, tiết kiệm điện năng hơn. Ngoài ra, máy điều hoà không có ẩm kế và do đó nó không đo độ ẩm tương đối, nó chỉ đo nhiệt độ. Một khi đã làm mát ngôi nhà của bạn đến mức nhiệt độ lý tưởng mà bạn đã cài đặt, thì nó sẽ ngừng chạy. Điều này có thể khiến độ ẩm trong nhà tăng trở lại, và làm cho không khí trong nhà có cảm giác nóng hơn thực tế.
Hiện trên thị trường có hai dòng hút ẩm cơ bản là máy dùng bánh rotor và máy hút ẩm dạng ngưng tụ.
Máy hút ẩm rotor hoạt động theo nguyên lý hút ẩm và bay hơi, thích hợp với môi trường có độ ẩm cao và nhiệt độ thấp, với độ chính xác cao và công suất lớn. Tuy nhiên do kích thước lớn và giá thành cao, loại máy này thường được dùng chủ yếu trong các nhà kho, phòng chứa của nhà máy xí nghiệp hoặc khu vực nhiều linh kiện máy móc điện tử.
Còn máy hút ẩm ngưng tụ hoạt động theo nguyên lý làm lạnh không khí ẩm và ngưng tụ thành nước. Loại máy này hoạt động với độ chính xác tương đối, nhưng có khả năng hút ẩm ở nhiều mức độ khác nhau, kích thước nhỏ nên phù hợp hơn với các hộ gia đình. Dòng máy này cũng phân làm hai loại nhỏ là điều khiển bằng điện tử và điều khiển cơ (sử dụng chiết áp).
Các máy điều khiển điện tử thường có giá cao hơn loại điều khiển cơ, hiệu suất hút ẩm lớn hơn, có thêm các tính năng như tăng giảm tốc độ quạt, có chế độ sấy không khí (giúp không khí nhanh khô hơn), thanh lọc không khí (filter), chế độ hẹn giờ tắt… Các căn phòng rộng từ 30 m2 trở lên thì cần mua máy hút ẩm điều khiển điện tử, vì hầu như không có loại điều khiển cơ hiệu suất lớn như vậy.
Mức hiệu suất hút ẩm phổ biến nhất là 12l/ngày, 16l/ngày và 20l/ngày và ở mức này thì nên chọn máy điều khiển cơ sẽ có giá rẻ hơn (từ 3,5-6 triệu đồng).
Công suất của máy hút ẩm được đặc trưng bởi lượng nước hút vào mỗi ngày theo đơn vị tính là lít. Các phòng nhỏ dưới 15m2 nên sử dụng máy có công suất nhỏ hơn 7 lít/ngày, dưới 20m2 sử dụng máy công suất từ 7 đến 14 lít/ngày còn các phòng lớn hơn nên sử dụng máy có công suất trên 15 lít/ngày.
Độ ồn cũng là yếu tố quan trọng khi chọn mua bởi một số loại máy phù hợp với phòng ngủ và phòng khách trong gia đình có độ ồn tối đa chỉ 48dB. Tuy nhiên, một số thiết bị có độ ồn tối đa lên tới 60dB, chỉ phù hợp cho nhà kho hoặc các phòng riêng biệt. Nhiều người đã thất vọng khi mua nhầm loại máy hút ẩm có độ ồn cao, không thể sử dụng khi ngủ.
Ngoài ra, các tính năng đi kèm khác của máy như hút ẩm tự động hoặc liên tục, thổi khí, sấy quần áo, hẹn giờ, diệt khuẩn và khử mùi bằng ion… cũng nên được cân nhắc. Tuy nhiên, trên thực tế người dùng thường không sử dụng được hết các tính năng được giới thiệu đi kèm với thiết bị.
Trên thị trường hiện nay, các dòng máy hút ẩm đang được bày bán và quảng cáo khá đa dạng tại các trung tâm điện máy cũng như các trang bán hàng trực tuyến. Với vài trăm nghìn tới hơn một triệu đồng, người dùng có thể mua được các loại máy hút ẩm xách tay, nhỏ gọn như Dehumidifier, Tiross… Cao cấp hơn, có các dòng sản phẩm của Edison, FujiE, Daiwa, Coway, Electrolux… với giá vài triệu tới gần chục triệu đồng.
Tuy nhiên, còn có một lựa chọn được không ít người quan tâm là các dòng máy hút ẩm nội địa có xuất xứ từ Nhật Bản của các thương hiệu như Sharp, Mitsubishi, Panasonic… Có giá dao động trong khoảng từ 2-3 triệu đồng tới gần chục triệu đồng, tùy thuộc vào dung tích và đời máy cũ hay mới. Tiết kiệm điện, độ bền cao và sự đa dạng về tính năng đi kèm cũng là đặc trưng riêng của dòng thiết bị này.
Các dòng máy hút ẩm nội địa của Nhật Bản cũng được nhiều người mách nhau mua. Song dòng máy này dùng nguồn điện vào 100V và yêu cầu phải thường xuyên vệ sinh lưới lọc cùng dàn lạnh của thiết bị.
Cách sử dụng máy hút ẩm
Các máy hút ẩm có khả năng hút ẩm khoảng 10-12l/ngày thường có mức công suất 210-250W, những mẫu cao hơn có công suất khoảng 400-600W, thấp hơn nhiều so với điều hoà (loại điều hòa 12.000 BTU thường có công suất trung bình khoảng 1,1 – 1,3 KW), do đó về tổng thể máy hút ẩm tiêu thụ ít điện năng hơn điều hoà.
Để tiết kiệm điện, đừng bật máy cả ngày, đồng thời thiết lập ẩm kế ở mức hợp lý (50% chứ không phải là 30%). Cửa và cửa sổ cũng cần đóng kín khi chạy máy hút ẩm để tăng hiệu quả cũng như tránh cho máy phải chạy liên tục ở cường độ cao.
Hầu hết các máy hút ẩm xả không khí từ phía trên của máy, nhưng nếu máy hút ẩm của bạn có cửa xả ở phía sau, bạn cần đặt máy ở xa tường và các đồ nội thất để cho không khí lưu thông tự do. Hãy giữ nó cách xa nguồn bụi hoặc bụi bẩn, vì điều này có thể nhanh chóng làm tắc nghẽn máy. Thường xuyên kiểm tra và làm sạch bộ lọc của máy, tránh để bụi bẩn bám vào sẽ làm giảm hiệu quả hút ẩm.
Vũ Vũ