“Điều trớ trêu nhất chính là chỉ khi chúng ta hiểu được cái chết chúng ta mới biết mình phải sống như thế nào”.

Bác sĩ Richard Teo Keng Siang, 40 tuổi, triệu phú ngành giải phẫu thẩm mỹ ở Singapore, phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn cuối khi ở đỉnh cao nhất của tiền tài, danh vọng.

Mặc dù tốt nghiệp chuyên ngành nhãn khoa nhưng bác sỹ Teo đã quyết định chuyển sang khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Một quyết định đúng đắn và hợp thời bởi nó mang lại cho anh hàng triệu đô ngay trong năm đầu tiên hành nghề.

“Đối với xã hội, anh hùng là những người nổi tiếng, chính trị gia và người giàu có của giới thượng lưu. Vì vậy tôi quyết định trở thành một phần của họ, chuyển sang ngành làm đẹp. Khi tôi còn là bác sĩ đa khoa nghiệp dư ở bệnh viện tư, nhiều bệnh nhân phàn nàn rằng phí tư vấn 30 đô-la là quá đắt. Họ nói, wow, ông bác sỹ này chắc phải kiếm được nhiều tiền lắm đây. Nhưng đối với ngành công nghiệp làm đẹp, chính những bệnh nhân này lại sẵn sàng trả tới 10.000 đô-la để hút mỡ hoặc 15.000 đô-la để nâng ngực”.

Sau đó, tôi tự nhủ: “Được rồi! Thế thì đừng chữa trị cho mọi người nữa, hãy trở thành một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ”. Quyết định này cho tôi nhiều tiền và trở nên giàu có.

Khi đã có trong tay hàng triệu đô-la, bác sỹ Teo thường dành những ngày cuối tuần để tham gia các câu lạc bộ xe hơi hoặc đua xe. Anh cũng sẽ chọn lựa dùng bữa với những người nổi tiếng và có địa vị cao trong xã hội như Hoa hậu Hoàn vũ Singapore, Rachel Kim hay người đồng sáng lập Facebook, ông Eduardo Saverin. Anh chia sẻ: “Tôi ở đỉnh cao của sự nghiệp và nghĩ rằng mình có thể kiểm soát tất cả mọi thứ”.

Nhưng thật không may, ngày 11/3/2011, khi trận sóng thần hung dữ đổ ập vào tàn phá Nhật Bản cũng là lúc bác sỹ Teo được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư phổi ở giai đoạn cuối và anh chỉ có 3 đến 4 tháng, nhiều nhất là 6 tháng để sống. 

“Tôi không thế nào chấp nhận điều này. Tôi có hàng trăm người thân bên cạnh, tôi còn cha còn mẹ… Và họ đều không phải là bệnh nhân ung thư”.

Đây là cú sốc lớn nhất đối với cuộc đời của Teo, anh rơi vào trầm cảm nặng nề và không thể tự vực bản thân lên được.

“Một điều thật trớ trêu đó là tất cả những thứ tôi có, thành công, danh tiếng, xe hơi, nhà, tất cả mọi thứ. Những điều mà tôi cho rằng sẽ mang đến hạnh phúc cho tôi. Nhưng khi tôi ngẫm nghĩ về số tài sản mình đang có, tôi không cảm thấy mình hạnh phúc”.

Bác sỹ Richard Teo Keng Siang (ảnh: Soha).

Ngày tháng trôi đi, bác sĩ Teo chợt nhận ra rằng hạnh phúc không phải là ngôi sao Ferrari hay Michelin được gắn lên chiếc đĩa ăn mà anh chọn.

“Điều thật sự đem lại niềm vui cho tôi suốt 10 tháng qua là được chuyện trò cùng mọi người, gia đình, người thân, bạn bè và những người quan tâm đến tôi, họ có thể cùng cười cùng khóc với tôi và hiểu được nỗi khổ mà tôi đang phải trải qua”.

Khi phải đối mặt với những nỗi đau, Teo mới hiểu được nỗi khổ của các bệnh nhân, đó là điều anh chưa từng nhận thức được khi còn là một bác sĩ, bởi khi ấy anh chỉ tập trung vào việc kiếm tiền. 

“Tôi không biết họ cảm thấy thế nào chỉ cho đến khi tôi trở thành bệnh nhân. Và nếu bạn hỏi, liệu tôi sẽ trở thành một bác sĩ hoàn toàn khác nếu giờ đây tôi được sống lại cuộc đời của mình, tôi có thể nói với bạn rằng, đúng vậy. Bởi vì tôi thật sự hiểu cảm giác của một người bệnh là như thế nào. Và đôi khi, bạn phải học điều đó một cách rất khó khăn”.

“Hãy để tôi nói với bạn rằng khi tôi sắp chết, chiếc xe thể thao Ferrari, nhà ở sang trọng, lợi nhuận từ kinh doanh… đã trở nên vô nghĩa đối với tôi. Những điều này không thể mang lại cho tôi một chút thoải mái và hạnh phúc. Bạn có nghĩ rằng tôi vẫn có thể tận hưởng chiếc xe thể thao của mình không? Không! Không thể nào”.

“Tôi không thể ôm chiếc Ferrari của mình” (ảnh: Bacsinoitru).

“Không có gì sai khi thành công hay giàu có, điều đó hoàn toàn không có gì là sai cả. Rắc rối duy nhất là rất nhiều người trong chúng ta, giống như tôi đây quá tôn thờ nó”.

“Tôi trở nên bị ám ảnh đến nỗi cảm thấy rằng không còn điều gì quan trọng đối với tôi. Bệnh nhân chỉ là một nguồn thu nhập và tôi đã cố gắng bòn rút từng đồng của họ”.

“Khi tôi đối mặt với cái chết, khi điều đó thật sự đến, tôi đã bỏ lại phía sau tất cả mọi thứ và chỉ tập trung vào những gì cần thiết. Điều trớ trêu nhất chính là chỉ khi chúng ta hiểu được cái chết chúng ta mới biết mình phải sống như thế nào”.

“Đừng để xã hội dạy cho các bạn cách sống như thế nào là hợp lý. Đừng để môi trường bắt các em phải làm gì. Điều này đã xảy ra cho tôi và tôi tưởng rằng như vậy là hạnh phúc. Vì sự hạnh phúc thực sự không phải là phục vụ cho chính bạn. Tôi vẫn nghĩ như thế nhưng tôi đã lầm. Hạnh phúc thật sự không có được khi chỉ sống cho mình”.

Đã nhiều năm kể từ khi bác sĩ Teo ra đi, những lời trăn trối của anh luôn khiến những người trẻ lưu tâm trên con đường tìm kiếm sự nghiệp của họ. 

Vợ của anh từng nói: “Tôi tự hào vì di sản mà anh ấy để lại. Tôi ước mình có thể như anh ấy. Anh là người thầy tuyệt vời nhất mà Chúa gửi đến bên tôi”. 

Bạn đang đọc bài viết: “Lời nhắn nhủ của bác sĩ triệu phú qua đời vì ung thư: Đừng tôn thờ tiền như tôi” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||c86476263__