Người hướng nội thường bị hiểu lầm là nhút nhát và thiếu hòa đồng với mọi người. Tuy nhiên để thành công, bản thân người hướng nội cần tìm cách thể hiện giá trị của mình.
Là những người nhạy cảm với các yếu tố môi trường xung quanh, người hướng nội có thể dễ dàng cảm thấy kiệt quệ năng lượng cả về thể chất lẫn tinh thần chỉ vì một cuộc họp đông người, hay những cuộc điện thoại bàn công việc kéo dài.
Quan điểm người hướng nội là nhút nhát, lẩn tránh xã hội hay lười biếng đang dần bị bác bỏ. Có rất nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới là tuýp người này như Abraham Lincoln, Warren Buffett, Bill Gates… Người hướng nội chiếm gần nửa dân số, tuy nhiên, họ chỉ chiếm 2% trong đội ngũ lãnh đạo.
Vicki Salemi, một chuyên gia về nghề nghiệp đã có những chia sẻ hữu ích trên Huffpost giúp định hướng phát triển sự nghiệp dễ dàng hơn.
Chọn vị trí phù hợp
Không có một ngành nghề hay công việc nào cụ thể dành riêng cho người hướng nội. Một vài người có điểm mạnh về phân tích để làm công việc như kế toán, cũng có những người nổi trội trong lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật. Người hướng nội lấy động lực là niềm vui trong công việc. Vì vậy, điều quan trọng nhất là cần phải tìm ra được điểm mạnh của mình và tận dụng chúng vào công việc đang làm.
Thể hiện thế mạnh trong các cuộc họp
Nhiều người hướng nội cảm thấy thoải mái hơn khi giao tiếp bằng văn bản thay vì lời nói trực tiếp. Soạn email cho phép họ có thời gian suy nghĩ và cân nhắc kỹ những điều mình muốn trình bày. Nếu lựa chọn nói trực tiếp, đặc biệt khi phải thể hiện suy nghĩ của mình trước đông người, họ thường lo sợ bị đánh giá, phản bác.
Là một người hướng nội, bạn có thể nghe, ghi chép và giải quyết vấn đề trong đầu thay vì ngay lập tức đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ đủ, hãy cho phép mình mạnh dạn được bày tỏ sáng kiến, nếu bạn không chịu nói ra, thì dù bạn thông thái, có năng lực đến đâu cũng là vô ích.
Bạn cũng có thể phác thảo trước ý tưởng khi cuộc họp bắt đầu, gạch ra các ý chính giúp tư duy rõ ràng, mạch lạc, sẽ dễ dàng để trao đổi và tương tác với mọi người hơn.
Tự thưởng những khoảng thời gian “một mình”
Ngồi trong văn phòng quá đông người cũng là một trở ngại với người hướng nội. Cuộc trò chuyện của mọi người dễ dàng làm bạn mất tập trung, những áp lực từ âm thanh, tiếng ồn, cảm giác bí bách có thể “hút” cạn năng lượng làm việc của bạn.
Không chỉ cần tập trung hoàn thành nhiệm vụ của mình, bạn cũng cần dành tặng bản thân những khoảng thời gian nghỉ ngơi để phục hồi. Vài phút ngơi nghỉ nơi ban công, thậm chí là “lẻn” vào phòng họp khi không có người có thể sẽ giúp bạn cảm thấy khá hơn trước khi trở lại công việc.
Cố gắng tìm hiểu đồng nghiệp
Kết nối với đồng nghiệp là điều quan trọng trong môi trường làm việc. Đó là những người sẽ hỗ trợ bạn, giúp những ý tưởng của bạn trở thành hiện thực. Tuy nhiên, đây là việc khó khăn đối với người hướng nội. Đôi lúc họ bị xem là thiếu thân thiện, chỉ thích làm việc một mình và không muốn ai quấy rầy.
Một người hướng ngoại sẽ tỏa sáng trong những buổi tiệc tùng, phòng họp đông người, nhưng người hướng nội lại giỏi cố kết với từng cá nhân. Hãy dành thời gian để tương tác và tạo dựng mối quan hệ với những người bạn thực sự muốn kết nối. Không cần phải cố tương tác với tất cả, bạn có thể lựa chọn xây dựng những mối quan hệ cá nhân bền vững với đồng nghiệp.
Bước ra khỏi vùng an toàn
Người hướng nội thường không thích là trung tâm của sự chú ý, đó là lý do tại sao họ không thoải mái khi phải nói trước đám đông hay tương tác với quá nhiều người. Nhưng nếu bạn luôn tránh né thì sẽ khó phát triển trong công việc.
Salemi đưa ra lời khuyên: “Nếu bạn muốn tiến bộ trong sự nghiệp, bạn sẽ phải thuyết trình, bạn phải nói chuyện với sếp và thể hiện cho mọi người thấy, tại sao bạn xứng đáng được thăng cấp”
Dám ‘khoe’ thành tích của riêng bạn
Sẽ luôn có những người sẵn sàng nói về những thành tích của bản thân, và thích tìm cách thể hiện giá trị trong mắt mọi người. Và họ thường là những người được cất nhắc và thăng tiến nhanh trong công việc. Những người hướng nội lại thường không thích gây sự chú ý, tuy nhiên, khi đi làm, bất kỳ ai cũng cần học cách thể hiện thành tích để được mọi người lắng nghe và tôn trọng hơn.
Việc “tự quảng cáo” chính mình đôi lúc sẽ gây cảm giác khó khăn, nhưng nó là cần thiết trong môi trường làm việc cạnh tranh và cần những người nổi bật. Bạn cũng không thể chứng tỏ cho sếp mình đã chăm chỉ như thế nào nếu vị trí ngồi quá xa, đôi lúc, nhắc lại những việc mình cống hiến cho công ty cũng không phải một lựa chọn tồi.
Minh Lan (Tổng hợp)