Bức ảnh chụp cắt lớp mà bạn đang quan sát đến từ 2 đứa trẻ ba tuổi khác nhau trong một nghiên cứu của Tiến sĩ Bruce D Perry. Nguyên nhân dẫn đến sự phát triển khác biệt giữa hai bộ não có thể sẽ khiến nhiều người kinh ngạc…
Ở cùng độ tuổi nhưng sự phát triển não bộ của hai đứa trẻ trong nghiên cứu trên có khác biệt rất lớn. Não của đứa trẻ bên phải có kích thước nhỏ hơn rất nhiều so với đứa trẻ bên trái. Theo như đánh giá ban đầu của Tiến sĩ – Bác sĩ Thần kinh Bruce D Perry, đứa trẻ bên trái sẽ phát triển toàn diện, thông minh và có thể có một tương lai tươi sáng; còn đứa trẻ bên phải có thể kém thông minh, tư duy chậm chạp và đón nhận một tương lai tăm tối…
Nhiều người thắc mắc điều gì gây ra sự khác biệt giữa hai đứa trẻ này? Phải chăng là bệnh tật?
Rất tiếc, đó không phải là câu trả lời chính xác. Sự thật bất ngờ đã được các nhà nghiên cứu tiết lộ trên tờ Sunday Telegraph:
Đứa trẻ có bộ não bị thu hẹp đã bị mẹ bỏ rơi và lạm dụng. Còn đứa trẻ có não bộ lớn hơn và phát triển hơn đã được nuôi dưỡng trong một ngôi nhà yêu thương, hỗ trợ và được mẹ chăm sóc chu đáo.
Nghiên cứu này tập trung chủ yếu tìm hiểu mối liên hệ giữa những trải nghiệm tuổi thơ và việc biểu hiện của các tiềm năng mang tính di truyền (trí thông minh là một ví dụ nổi bật). Tiến sĩ Bruce đã cố gắng tập trung nghiên cứu sự tác động của một tuổi thơ “bị bỏ quên” lên sự phát triển trí tuệ của một đứa trẻ.
Em bé bên phải, tuy không mắc bất cứ bệnh nào liên quan đến não nhưng lại có một bộ não kém hoàn chỉnh hơn so với một đứa trẻ thông thường ở cùng độ tuổi. Thêm vào đó, theo các nhà thần kinh học, những phần tối trong não bộ của đứa trẻ bên phải cho thấy: Một số khu vực quan trọng của bộ não này đã không hình thành và phát triển đầy đủ.
Điều này đồng nghĩa rằng trong cuộc sống thường ngày, đứa trẻ có bộ não bé hơn sẽ học tập và hòa đồng với môi trường xung quanh kém hơn đứa trẻ sở hữu bộ não phát triển đầy đủ (bộ não bên trái).
Yêu thương là vật chất hay tinh thần?
Kết luận này cùng hình ảnh chụp cắt lớp thực tế đã chỉ ra rằng, tình thương và sự quan tâm của cha mẹ đối với con cái không chỉ có tác dụng về mặt cảm xúc. Sự hỗ trợ khi con cần, những uốn nắn khi con sai, những ân cần của mẹ không chỉ khiến đứa trẻ cảm thấy ấm áp, hạnh phúc mà yếu tố tinh thần này lại có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển vật chất ở não trẻ. Tình yêu của mẹ có tác dụng giúp con xây dựng những nhận biết đúng đắn về sự kết nối của con với hoàn cảnh bên ngoài. Từ đó những kết nối giữa các vùng trong não trẻ cũng được hình thành đầy đủ.
Ngược lại, đối với những đứa trẻ không được chăm sóc, yêu thương đầy đủ, những liên kết này sẽ không được hình thành. Từ đó, các vùng não bộ sẽ phát triển với nhiều khiếm khuyết. Đặc biệt các khiếm khuyết này sẽ không thể vãn hồi khi đứa trẻ lớn lên và bước vào tuổi trưởng thành.
Một nhà nghiên cứu khác đến từ Đại học California, Giáo sư Allan Schore cũng dày công nghiên cứu về những tương tác tích cực giữa mẹ và bé, đặc biệt trong 2 năm đầu tiên và sự phát triển của não trẻ. Ông cũng nhấn mạnh rằng sự quan tâm của mẹ có thể kích thích một số nhân tố di truyền, ví dụ những mã gen liên quan tới sự thông minh. Mã gen này sẽ phát triển cùng trẻ cho tới tuổi trưởng thành.
Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng khi trẻ nhỏ có được tương tác tốt với mẹ thời thơ ấu, kích thước của “đồi hải mã” trong não trẻ cũng sẽ lớn hơn 10% so với những em bé mồ côi, hoặc không nhận được sự chăm sóc. Đồi hải mã là bộ phận quan trọng nhất, dưới góc nhìn của khoa học thần kinh trong quá trình ghi nhớ và học tập của trẻ sau này.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở tư duy, các nhà nghiên cứu còn chỉ ra rằng tình yêu mà mẹ dành cho trẻ thể hiện qua những tương tác đúng lúc, cụ thể cũng sẽ tác động đến phần não bộ chịu trách nhiệm về xử lý cảm xúc của trẻ. Khi trẻ hiểu được rằng “bố mẹ yêu bé”, “những lúc bé buồn, mẹ sẽ an ủi bé”, v.v. cũng chính là lúc phần não bộ này được “luyện tập”. Theo đúng nguyên lý, sự luyện tập kiên trì sẽ mang đến những thay đổi lớn, những đứa trẻ được cha mẹ, đặc biệt là mẹ yêu thương trong thời thơ ấu thường sẽ trở thành những đứa trẻ biết đồng cảm, và biết cách yêu thương, chăm sóc cho người khác. Khả năng này cũng thể hiện rõ trên vùng não bộ chịu trách nhiệm về cảm xúc của họ ở tuổi trưởng thành.
Vậy đâu là điều mà con trẻ thực sự cần để lớn lên khỏe mạnh, thông minh?
Thực tế nghiên cứu này đang chỉ ra rằng những loại sữa bổ sung nhiều chất dinh dưỡng, những trò chơi thông minh, hay âm nhạc giao hưởng không phải là những yếu tố quyết định đối với sự phát triển trí thông minh của trẻ. Chìa khóa cho sự phát triển của con nằm trong trái tim của mẹ.
Những nghiên cứu khoa học kể trên chắc hẳn sẽ giúp các bậc cha mẹ có thêm cái nhìn toàn diện hơn về vai trò của mình trong việc nuôi dạy con cái. Cung cấp cho con những vật chất tốt nhất để hỗ trợ sự phát triển không phải là một mong muốn xấu, nhưng đó liệu đã là một sự đầu tư đúng hướng, khi tình thương của mẹ mới là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển não bộ của con.
Thay vì mải mê làm việc với mong muốn mang tới cho con những điều kiện vật chất tốt nhất cho sự phát triển; dành thêm thời gian ở bên con, quan sát và đồng hành cùng con trên đoạn đầu của hành trình khám phá cuộc sống liệu có phải là một lựa chọn khác thông minh xứng đáng để cân nhắc?
Những đứa trẻ giống như một tờ giấy trắng, khi bạn viết lên đó những giây phút đồng hành đầy yêu thương, con trẻ sẽ trở thành những con người có trí tuệ, có trái tim. Còn nếu cha mẹ phó mặc con cho những trò chơi điện tử, những giờ xem ti vi và những người giúp việc xa lạ, đến khi giật mình nhìn lại, bạn sẽ đau khổ nhận ra rằng mình đã không còn cơ hội để có thể viết vào tâm hồn con những điều tốt đẹp.
Hy Văn – Hồng Tâm