Không ai thích người nói dối, đặc biệt là người hay đặt điều về người khác. Tuy nhiên xử lý ra sao khi đó không phải là đặt điều, rằng những sự việc được nói ra đều là sự thật? Bạn có nên thoải mái nói về những sự thật đó hay nên kiềm chế cái miệng của mình lại?
Trong đối nhân xử thế, người ta hay nhắc tới quy tắc vàng: “Hãy đối xử với người khác theo cái cách mà bạn muốn người khác đối xử với bạn”. Chúng ta đều công nhận rằng, việc lan truyền tin đồn không có thật về người khác là sai, nhưng nhiều người lại cảm thấy không sao miễn là những điều họ nói ra là đúng. Tuy nhiên một sự việc có là đúng đi chăng nữa cũng không nhất thiết là điều mọi người nên quan tâm. Bạn có muốn tất cả mọi chuyện của cuộc đời mình công khai cho người khác biết không? Thậm chí khi chúng toàn là sự thật?
Gác cái miệng của chúng ta lại quan trọng như thế nào?
Các phát ngôn về người khác dù là nói về sự thật, nhưng không phù hợp và không công bằng là một vấn đề rất lớn, không phải là vấn đề của người bị nói tới dù họ có thể gặp phiền phức khó chịu, mà chính là vấn đề của bạn – người nói ra những phát ngôn kia.
Trong các buổi nói chuyện về nguyên tắc phát biểu, tôi thường đặt câu hỏi này cho thính giả của mình: “Bao nhiêu người trong số các bạn có thể nghĩ ra ít nhất 1 sự việc đáng xấu hổ trong đời sống cá nhân, mà nếu được nói công khai ra sẽ có tác động tiêu cực đến cuộc đời của bạn?”.
Gầu như mọi cánh tay đều giơ lên. Những người không giơ tay hầu hết là những ai đã sống một cuộc đời quá nhàm chán, những người trí nhớ kém hoặc là đang nói dối. Một điều mấy không hay ho về bản chất của con người là trong khi chúng ta không muốn người khác biết về mọi ngóc ngách đời tư của mình, hầu như ai cũng muốn nghiến ngấu bàn luận về chuyện của người khác.
Tại sao chúng ta không muốn người khác biết về những sự việc đáng xấu hổ trong đời của mình? Rốt cuộc, đối với hầu hết những người bình thường chúng ta, những bí mật sâu kín nhất mà ta che dấu không phải là các tội ác hình sự. Nhưng chúng ta biết rằng nếu người khác mà biết về bí mật này, nó sẽ dễ dàng trở thành cái mác gắn vào tên chúng ta trong con mắt người khác. Hay ít nhất khiến chúng ta xấu hổ mất mặt, và ảnh hưởng đến hình tượng mà ta xây dựng trước mặt người khác.
Tại sao lại như vậy?
“Điều thú vị đáng nói nhất về một người nào đó là những sự việc không hay trong cuộc đời của họ”. Câu nói này đúng đối với hầu như tất cả mọi người. Như Isaac Bashevis Singer, một nhà văn đoạt giải Nobel thường nói “thậm chí người tốt cũng không muốn đọc một cuốn tiểu thuyết viết về người tốt”.
Tại sao chúng ta lại thích bàn tán những chuyện không hay của người khác? Vì chính cuộc đời chúng ta cũng có những tính cách không tốt đó, và bàn luận những chuyện này (của người khác, tất nhiên) khiến chúng ta cảm thấy an tâm, không thấy thấp kém hơn so với họ. Bạn đã thấy vấn đề của mình chưa?
Và nếu bạn đang nghĩ rằng những gì viết trong bài này từ đầu đến giờ không áp dụng cho bạn, rằng bạn hiếm khi nói chuyện tào lao về người khác, và nếu mà bạn có nói, thì từng câu từng chữ đều công bằng, không nói xấu và không sai sự thật. Vậy thì hãy để tôi đặt cho bạn thử thách sau: “trong vòng 24 giờ tới, bạn không được nói bất cứ điều gì không tốt, và không phàn nàn về bất cứ một người nào khác!”.
Lúc nào cũng vậy, khi tôi đưa ra thử thách này, khán giả của tôi đều nhìn tôi với ánh mắt bối rối. Tôi có thể biết họ nghĩ gì: “Một ngày mà không được nói lời nào không tốt về người khác? Về sếp tôi, đồng nghiệp tôi, vợ chồng con cái ư?”. Họ không chắc là có thể làm được.
Nếu bạn cũng rơi vào trường hợp bên trên, thì bạn đã gặp phải một vấn đề nghiêm trọng. Bởi vì nếu câu hỏi của tôi là bạn có thể trải qua 24 giờ mà không uống rượu không, và câu trả lời là không thể, thì bạn đã nghiện rượu. Do đó nếu bạn không thể sống sót qua 24 giờ đồng hồ mà không nói lời bất hảo về người khác, tức là bạn đã mất kiểm soát cái miệng của mình.
Việc lấy lại quyền kiểm soát lời nói của mình yêu cầu rất nhiều sức mạnh ý chí và kỷ luật nghiêm khắc. Nhưng sự tự kiềm chế này sẽ mang lại cảm giác mạnh mẽ của bản thân, sự ngưỡng mộ và tin tưởng từ những người gần gũi trong cuộc đời của bạn. Vì dù sao thì một người có lý trí đều biết rằng, nếu bạn nói xấu người khác với họ, bạn cũng sẽ nói xấu họ với người khác!
Một biện pháp để giúp bạn có thể “gác cái miệng của mình lại” dễ dàng hơn: Khi bạn thấy mình sắp nói điều gì đó không tốt về về người khác, và thậm chí khi bạn cảm thấy chắc chắn rằng điều mình sắp nói là đúng sự thật, hãy tự vấn bản thân 3 câu hỏi sau:
- Người mà tôi sắp kể chuyện này ra có thực sự cần thông tin này không?
- Điều tôi sắp nói có công bằng với người được nói tới hay không?
- Nguyên nhân gì khiến tôi quyết định nói chuyện này với người đối diện?
Hãy nhớ rằng người biết khống chế người khác là người thông minh, người có thể kiềm chế bản thân mới là người mạnh mẽ.
Minh Trí
Xem thêm: