Mỗi ai khi nhìn thấy người phụ nữ trong tấm ảnh 3×4 từ thời đầu thế kỷ 20 này hẳn đều phải công nhận rằng: “Cô ấy đẹp quá!”. Gương mặt thanh tú, đôi lông mày lá liễu, khuôn miệng đầy đặn và làn da trắng không tì vết…

Không như nhiều câu chuyện, câu nối theo sau sẽ kiểu như “Tất cả đều chỉ là dĩ vãng đã qua của người phụ nữ một thời sắc nước nghiêng thành”... Người phụ nữ ấy, bây giờ vẫn đẹp, đẹp cả nhan sắc lẫn tâm hồn.

Đó là cụ Nguyễn Thị Phẩm, 83 tuổi hiện đang sống tại Đà Lạt. Cụ Phẩm sinh ra tại một làng quê của tỉnh Hưng Yên. Năm 16 tuổi, cụ ra Hà Nội làm giúp việc cho gia đình người cô. Năm 1954, sau một biến cố lịch sử, cụ cùng cô của mình lưu lạc vào Sài Gòn. Lúc đó, cụ làm kế toán cho một công ty xuất nhập khẩu. Thời gian sau, công ty đóng cửa, người cô dẫn cụ lên Đà Lạt kiếm kế sinh nhai.

Ngày đó, người cô của cụ làm giáo viên của một trường tiểu học và xin cho cụ vào bán hàng ở căng-tin trường. Đà Lạt ngày ấy vẫn là một thị trấn nhỏ và không có nhiều người lui tới. Từ khi theo cô làm giúp việc, công việc bận mãi nên cụ cũng chẳng có thời gian nghĩ đến chuyện tình yêu đôi lứa. Rồi cũng có lần, một đạo diễn phim nhựa xin phép cô được tìm hiểu cụ, mời cụ đi đóng phim nhưng cô không cho vì “sợ đi theo đoàn phim rồi chơi bời hư hỏng”, vậy nên cụ từ chối.

Thanh xuân của cụ lặng lẽ trôi, cho đến ngày người cô của cụ qua đời. Cụ giật mình nhận ra, giữa Đà Lạt mộng mơ và lãng mạn này, chỉ còn mình cụ cô đơn giữa phố núi ngập sắc hoa.

Năm tháng dần xa, chẳng mấy chốc mà cụ đã già. Vài năm trước, trong một lần tình cờ, cụ thấy 3 chú mèo con tội nghiệp bị bỏ trên đường. Thương tình cụ đem về nuôi, nhưng tiếc nỗi chủ phòng trọ không cho nuôi thú vật, nên cụ lại đem chúng ra gốc cây, ngày ngày lui tới chăm sóc. Cuộc đời cụ bỗng trở nên có ý nghĩa khi cụ phát hiện ra những chú động vật đáng yêu bên lề đường mỗi khi xuống chợ. Cụ yêu quý những con chó, con mèo; đi đến đâu cụ cũng lượm mua thức ăn mang về cho chúng.

Cho đến tận bây giờ, không có nhiều người biết tên cụ, họ không biết cụ làm nghề gì. Họ chỉ biết rằng cụ sống một mình trên con dốc nơi cuối phố và mỗi sáng lại dạo bước đem thức ăn đến cho lũ chó, mèo và chim khắp các dãy phố. Như một phép màu vô hình kết nối cụ với những chú chim bồ câu nhỏ; ngay sau khi cụ phát tín hiệu 5 chú chim bay đến, xếp hàng thẳng tắp đợi những hạt thóc từ đôi tay già nua của cụ. 

Ở cái tuổi 83 này, cụ chẳng còn gì phải lo lắng, cuộc sống với cụ ngày ngày an nhiên tự tại, được làm những điều mình thích và cụ cho rằng nó thật sự có ích với bản thân. Lúc không vui buổi sáng có thể ngắm trời xanh mây trắng, buổi tối có thể ngắm trăng ngắm sao, đất trời bao la rồi sẽ có nơi thuộc về mình. 

Hành trình cuộc đời cụ đã đi gần đến đoạn cuối cùng, quay đầu nhìn lại cụ tự hỏi rốt cuộc mình đến đây để làm gì? Làm bông hoa nhỏ khoe chút sắc hương với đời, để thả bước chân son khắp một vùng đất nước, để yêu thương những giống loài bé nhỏ hay đến đây hưởng thụ chút gió mây của cuộc đời?

Cụ không hiểu được buồn vui và hạnh phúc của nhiều người lắm, cụ chưa từng một lần nếm trải tình yêu đôi lứa, cụ không hiểu hạnh phúc của người làm vợ, cũng không biết nỗi đau của người làm mẹ, và rất nhiều điều nữa. Cuộc sống vẫn nhẹ trôi như thế, nhan sắc có chăng thêm chút mặn mà nhưng ngây thơ giữa đời vẫn còn đó. Vậy liệu có phải, cuộc hành trình rốt cuộc chỉ để cụ nếm trải cô đơn, vì kiếp trước cụ chưa từng một lần được thử?

Nguồn ảnh: Kenh14

Gia Viên – Hồng Tâm

Xem thêm: