Trên con đường tình yêu, 2 năm, 3 năm, 5 năm… yêu thương có thể vẫn còn đong đầy, nhưng rồi 50 năm, 60 năm, liệu hai người có thể mãi cầm tay nhau bất kể vinh hoa, phú quý, nghèo khổ, loạn lạc…?

Khi những đam mê thuở mới yêu đã không còn nữa, những ngọt ngào tuổi thanh xuân cũng đã trôi xa, người ta sẽ ở lại với nhau vì điều gì…? Người thực sự yêu thương ta, chính là người mãi mãi không buông tay ta bất kể hoàn cảnh nào, là người mà chúng ta gọi với 2 tiếng thiêng liêng: “bạn đời”!

***

Năm 2008, trong một chuyến công tác tại Đức, cuối tuần tôi ghé thăm gia đình chú thím bên vợ. Hình ảnh đập vào mắt tôi là bà thím ngồi trên xe lăn, nhẫn nại đứng phía sau là hình dáng ông chú còm cõi. Tôi được kể là đôi chân của bà thím yếu hẳn nên phải ngồi xe lăn, và tất cả đều nhờ vào sự chăm sóc của chồng.

Buổi sáng hôm sau, thức dậy tôi đã thấy 2 đĩa điểm tâm giống nhau để sẵn trên bàn: một trứng ốp-la, hai khúc xúc xích Bavaria, miếng bánh mì và ly cà phê nóng. Tôi ngỡ hai chú cháu sẽ ngồi xuống bàn cùng ăn, nhưng không, chú vào phòng ngủ đưa thím ra phòng ăn, trên chiếc xe lăn. Tôi hỏi sao chú không ăn? Chú nói đã ăn từ sáng sớm. Mỗi sáng, chú đều dậy sớm như thế, chuẩn bị bữa điểm tâm cho thím, bắt đầu một ngày vợ chồng bên nhau. 

Người thực sự yêu thương ta, chính là người mãi mãi không buông tay ta bất kể hoàn cảnh nào.

Hơn 10 năm sau, vợ chồng tôi lại có dịp sang Đức ghé thăm chú thím. Cũng hình ảnh ấy, chồng chăm chỉ đẩy xe lăn cho vợ, nhẫn nại đút từng miếng cơm. Thím yếu hơn trước nhiều, nhưng tôi vẫn thấy được nét rạng ngời trên khuôn mặt chú. Sau từng ấy năm ân cần bên người vợ liệt cả đôi chân, ánh mắt chú vẫn nồng nàn một tình yêu bền bỉ.

Tôi làm quen với hình ảnh vợ chồng già nua nương tựa bên nhau, để mai sau khi già nua như họ, tôi có thể bắt chước. Hơn 70 năm tình nghĩa vợ chồng, đến những giây phút cuối đời, họ có một niềm vui là chăm sóc cho người bạn đời. Dù nhọc nhằn đến đâu chăng nữa, họ vẫn có nhau mỗi ngày, chăm bón từng miếng cơm, giấc ngủ. Sự vất vả suốt tháng năm đằng đẵng vẫn hơn nỗi đau mất mát người thân yêu nhất trên đời.

***

Tôi mới tiễn người anh tuần trước, sau hơn 3 năm nằm dài trên giường bệnh. Cái chết của anh được xem là một giải thoát cho cả người bệnh lẫn người sống. Từ ngày anh nhập viện, mỗi ngày 12 tiếng, từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, chị luôn ở bên cạnh túc trực anh. Có đêm, anh trở mình, chị phải ở lại đến khuya mới rón rén bước ra, dặn dò y tá rồi mới xuống lầu ra về. Anh nằm dài trên giường, lúc tỉnh lúc mơ. Mỗi khi tỉnh lại, anh lại nắm chặt lấy bàn tay chị với đôi mắt buồn, giọt nước nghiêng lặng lẽ tràn thấm gối.

Từng ấy thời gian chăm sóc, chị thuộc từng tấm gạch bông trong hành lang bệnh viện. Khi anh mơ màng nhắm mắt, chị lại rảo quanh với xâu chuỗi trên tay, miệng lẩm nhẩm kinh. Hơn 3 năm lặng lẽ bên người chồng bệnh tật, chưa một lần người ta nhìn thấy chị chán nản, u sầu bởi mỗi khi anh mở mắt nhìn chị, lòng chị lại reo vui một niềm hạnh phúc khó tả. Hy vọng cứ mòn mỏi trôi đều đặn như ngày đến, đêm về. 

Bàn tay ân cần vuốt tóc anh cho thẳng, chị thủ thỉ nói nhỏ vào tai chồng mỗi khi có ai vào thăm. Cũng bàn tay ấy, chị vuốt mắt vĩnh biệt chồng giữa khuya tĩnh lặng.

Hai tuần sau, xác anh được đưa ra nhà quàn. Chị vẫn chăm chỉ cầu kinh cùng họ hàng. Lúc về, vầng trăng tròn vành vạnh giữa bầu trời đêm. Đèn điện tỏa sáng ở bãi đậu xe, nhưng chị vẫn nhận ra ánh trăng hơn hai tuần trước, dõi theo bước chân chị mệt mỏi đến bên cửa xe. Vầng trăng khuyết lại tròn tính từ ngày anh mất, lòng chị tròn lại khuyết hẳn một nửa kể từ ngày anh đi, héo hon một đời góa phụ.

Hãy ân cần nắm chặt lấy tay nhau, dù đã chai cứng theo năm tháng, để thấy mềm dịu như thuở nào.

Đời chị thêm héo hắt khi mỗi đêm đặt mình nằm xuống thấy chiếc gối không bên cạnh, giấc ngủ dằn vặt không tròn. Mỗi lần đưa bát cơm lên miệng, nhìn thấy chiếc ghế trống một bên, miếng cơm nghèn nghẹn chẳng còn ngon. Anh rũ bỏ bệnh tật ra đi không nhìn lại. Chị bước chầm chậm bên này mang theo nỗi buồn nặng trĩu trên vai.

Vợ chồng người chú vẫn còn hai. Vợ chồng người chị chỉ còn một. Thế mới thấy hai vẫn quý hơn một. Nỗi buồn cộng lại chia đôi, vẫn còn hơn chỉ có một, mồ côi, cô độc.

Gửi những ai vẫn còn bạn đời bên cạnh, hãy ân cần nắm chặt lấy tay nhau, dù đã chai cứng theo năm tháng, để thấy mềm dịu như thuở nào: Mềm ở tình, dịu ở trong lòng.

Bài viết đã được ĐKN biên tập. Độc giả vui lòng đọc bài viết gốc tại đây.

Ảnh minh hoạ: Tinh Tế.

Video xem thêm: Nỗi sợ hôn nhân, ai mà không có?

videoinfo__video3.dkn.tv||bbd4bd806__