Mến tặng những người bạn nhỏ đang tuổi cắp sách tới trường, và cả những người bạn lớn hơn đã từng có tuổi hoa niên bên nhành hoa phượng thắm.
“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.
Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học…”
(“Tôi đi học”, Thanh Tịnh)
Gửi bạn yêu thương,
Cứ mỗi lần đọc lại bài văn học thuộc lòng phía trên, lòng tôi bồi hồi xao xuyến lạ. Tôi cảm ơn nhà văn Thanh Tịnh đã nói hộ nỗi lòng của chính tôi, một người đã từ lâu không ngồi trên ghế nhà trường.
Nếu bạn đang có may mắn được đến trường đi học, xin hãy đón nhận ân điển này bằng nỗi vui mừng hân hoan. Bởi vì, ở một nơi xa xôi ngoài kia đang có những người bạn nhỏ phải đội đèn pin băng rừng lúc 3h sáng, tự chèo thuyền nan, vượt dốc đá, chịu đói, chịu lạnh, mạo hiểm mạng sống để được đến trường.
Để tôi kể bạn nghe một câu chuyện kỳ lạ. Câu chuyện về một người ăn xin thất học nghèo khổ đã chắt chiu dành dụm trong mấy chục năm ròng để mở trường học miễn phí cho trẻ em nghèo. Ông chính là Vũ Huấn, người được mệnh danh là “thiên cổ kỳ nhân” sống dưới thời nhà Thanh, Trung Quốc.
Cha của Vũ Huấn qua đời khi ông mới năm tuổi, để lại hai mẹ con ông đi xin ăn để sống qua ngày. Năm Vũ Huấn lên bảy, mẹ ông lại qua đời. Một mình bơ vơ không nơi nương tựa, Vũ Huấn đã đi khắp nơi để làm thuê cho người khác.
Trải qua nhiều gian khổ, chịu thiệt thòi vì mù chữ và thất học, ông đã quyết định xây dựng một ngôi trường miễn phí để những trẻ em nghèo có cơ hội học tập. Để thực hiện tâm nguyện này, ban ngày ông đi ăn xin, và ban đêm làm sợi gai. Sau ba mươi, bốn mươi năm liên tục làm việc cật lực, ngôi trường “Sùng Hiền Nghĩa Thục” của ông đã được thành lập, mang lại lợi ích cho nhiều học trò.
Vũ Huấn rất quan tâm đến việc học tập của học trò, và ông cũng rất kính trọng các thầy giáo. Nếu ông thấy thầy giáo không dạy dỗ học trò cẩn thận, hoặc học trò không học hành chăm chỉ, ông sẽ quỳ gối trước họ và cầu xin họ hãy tận tâm tận sức. Cả thầy lẫn trò đều rất cảm động trước nghĩa cử của Vũ Huấn và cùng cố gắng nỗ lực hơn. Sự hiếu học của ông đã làm nhiều người cảm động.
Bài thơ “Trường Ca Hành” trong Nhạc Phủ (một tuyển tập thơ cổ) viết:
“Bách xuyên Đông đáo hải,
Hà thời phục Tây quy?
Thiếu tráng bất nỗ lực,
Lão đại đồ thương bi”.
Tạm dịch: Trăm sông đổ ra biển, Biết bao giờ về Tây? Tuổi trẻ không gắng sức, Khi già tiếc lắm thay!
Bạn thân yêu của tôi,
Tôi chắc rằng thẳm sâu trong bạn có một “người hùng” như Vũ Huấn. Bạn có thể đã đặt rất nhiều hy vọng vào bản thân, vào đất nước, vào tương lai… Và rồi có thể đã chán chường, bi quan, bất bình, bơ vơ… vì sự học thời nay có muôn vàn đắng cay ngang trái.
Bạn có thể nhiệt tình muốn học, nhưng lại thấy rằng có những điều giảng dạy trong chương trình thật khô khan và vô ích. Bạn thực lòng muốn theo đuổi sở thích, nhưng áp lực thành tích và việc làm khiến bạn phải đổi hướng đi. Bạn muốn khổ luyện thành tài, nhưng cái giả dối, gian lận lan tràn khiến bạn mất đi niềm tin vào người khác…
Tôi tin bạn sẽ tự tìm thấy câu trả lời cho chính mình, một khi bạn khắc sâu trong tim cái lý tưởng chân chính nguyên sơ của sự đi học. Cách đây một thế kỷ, trong sách giáo khoa của nước mình có một bài văn giản dị tên là “Đi học để làm gì?”, để tôi kể cho bạn nghe nhé.
“Bác hỏi tôi đi học để làm gì. Tôi xin nói bác nghe.
Tôi đi học để biết đọc những thư từ người ta gửi cho tôi và viết những thư từ tôi gửi cho người ta. Tôi đi học để biết đọc sách, đọc nhật báo, thấy điều gì hay thì bắt chước.
Tôi đi học để biết tính toán, biết mọi sự vật và biết phép vệ sinh mà giữ thân thể cho khoẻ mạnh.
Nhưng tôi đi học cốt nhất là biết luân lý, cho hiểu cách ăn ở để thành được người con hiếu thảo và người dân lương thiện”.
(“Quốc Văn Giáo Khoa Thư”, lớp Dự Bị)
Tôi tin là một khi bạn nhận rõ ra cái mục đích cao quý này, thì bạn có thể bỏ lại sau lưng những mệt mỏi vì cạnh tranh, tranh đấu, bất bình. Bạn trở thành một người Học Trò thực thụ trong trường học rộng lớn của cuộc đời, dù cho tóc xanh đã ngả muối tiêu, và giờ đây niềm vui đi học bạn truyền lại cho con cháu.
“Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học…”
Thanh Ngọc