Trong xã hội ngày nay, nhiều đứa trẻ được cưng chiều như những công chúa và hoàng tử nhỏ trong gia đình. Việc lớn việc nhỏ, cha mẹ đều thay con làm hết, khiến chúng đã lớn mà vẫn không biết làm gì.
Mỗi sáng thức dậy, cha mẹ mặc quần áo giúp con, rửa mặt thay chúng. Khi ăn cơm thì đồ ăn đưa sẵn đến trước mặt. Khi con đến trường, cha mẹ thay phiên đón đưa, thay con nhớ thời khóa biểu và luôn ở bên hướng dẫn kèm cặp học hành.
Họ bao bọc đến nỗi, dù là việc nhỏ trong nhà cũng không để trẻ làm, không cần con học nói câu cảm ơn. Kết quả là, chúng không hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ, trở nên càng ngày càng ích kỷ, không biết thông cảm với người khác. Chúng thậm chí còn chê cha mẹ nghèo, địa vị thấp.
Người xưa có câu: “Nuôi con phòng khi về già”. Tuy nhiên, điều đáng sợ nhất là, cả đời vất vả nuôi con, lo nghĩ mọi thứ cho chúng nhưng khi về già lại phải cô độc một mình, không nơi nương tựa.
Có một cặp vợ chồng hiếm muộn, mãi mới có một mụn con, cả đời làm lụng vất vả nuôi lớn cậu con trai. Tuy nhiên khi trưởng thành, cậu cả ngày chỉ ở nhà chơi điện tử. Cho dù đã được người khác xin việc giúp nhưng đi làm chưa được mấy ngày liền bỏ. Cậu ta chê bai lương thấp không muốn làm. Cuối cùng thì cậu con trai này không thể tự nuôi bản thân, phải dựa dẫm vào cha mẹ già.
Nhiều người nói rằng, khi cậu bé còn nhỏ, cha mẹ đã bao bọc quá nhiều, không để con làm bất kể việc gì dù lớn nhỏ. Bởi vì họ không muốn con chịu khổ, chỉ muốn con chuyên tâm học hành. Hơn nữa, đứa trẻ đòi thứ gì cha mẹ liền đáp ứng ngay. Những món đồ không mua nổi, hai vợ chồng sẵn sàng làm thêm vào ban đêm để có tiền mua thứ mà con yêu thích.
Kết quả là, cậu con trai không để tâm trí vào việc học tập, tuổi còn nhỏ đã nghiện chơi game, hơn nữa còn đánh nhau với bạn cùng lớp, thành tích học tập rất kém. Bây giờ hai vợ chồng đã già và không thể kiếm tiền, nhưng con trai vẫn đe dọa, yêu cầu cha mẹ đưa tiền, nếu không đưa thì sẽ không lo ma cho họ.
***
Các bậc cha mẹ đều sẵn sàng hy sinh vì con cái. Cha mẹ có thể cho con tất cả. Dù vậy, cha mẹ cũng cần để con học cách cảm ơn.
Nhà văn nổi tiếng Long Ứng Đài từng viết: “Tôi dần hiểu được rằng, mối quan hệ giữa cha mẹ và con chỉ là duyên phận tại kiếp này. Khi không ngừng đưa mắt dõi theo, bóng lưng chúng càng lúc càng xa”.
Trong tương lai không xa, cha mẹ có định mệnh phải xa cách con cái. Cho nên, khi con ở bên cạnh hãy dạy chúng cách đối mặt với xã hội hiện thực tàn khốc. Đồng thời, thay vì dùng tình yêu bao bọc trẻ quá nhiều, cha mẹ cũng cần dạy cho trẻ về lòng cảm ơn, sự tử tế và tốt bụng. Cha mẹ đừng biến con thành đứa trẻ ích kỷ chỉ biết đòi hỏi và không cần biết đến nỗi vất vả của cha mẹ.
Khi mới sinh ra, đứa trẻ ngây thơ như một tờ giấy trắng. Cha mẹ cho con thứ gì, con sẽ trả lại cho cha mẹ thứ đó. Nếu cho con tình yêu thương đúng đắn, con sẽ biết thương người khác. Nếu cho con sự hằn thù thì khi trưởng thành, chúng chỉ biết hại người. Nếu dạy con tinh thần tự lập, đứa trẻ sẽ trở thành người mạnh mẽ.
Điểm quan trọng là cha mẹ cần dạy trẻ cách biết ơn và trân trọng. Khi đến trường, trẻ sẽ biết cảm ơn bạn đã giúp đỡ. Khi đi làm, người này sẽ biết ơn sự giúp đỡ của đồng nghiệp, biết cảm ơn cấp trên vì sự đánh giá cao. Chúng sẽ biết cảm thông chia sẻ với nửa còn lại sau khi lập gia đình.
Có câu nói rằng: “Người nào biết cách cảm ơn, ông Trời sẽ ban cho họ phúc phận càng nhiều. Bởi vì trong lúc cảm ơn người khác, họ cũng đang cảm thụ ý nghĩa thực sự của hạnh phúc”.
Do vậy, nếu cha mẹ yêu thương con thì cần dạy cho chúng cách tự lập, đừng thay con làm tất cả các việc. Cố gắng để con hiểu rằng việc người khác tốt với con không phải là chuyện đương nhiên. Nuôi dạy con không phải là mãi đem con nâng niu trong lòng bàn tay, mà là để con tự mình chạy nhanh về tương lai tươi đẹp.
San San
Theo SecretChina
Video xem thêm: Hành trình 20 năm dũng khí niềm tin (Phần 2)