Người Do Thái cho rằng, chịu khổ là một tài sản lớn của đời người. Bất hạnh và trắc trở có thể khiến người ta trầm luân, cũng có thể hun đúc nên phẩm chất ý chí kiên cường, tạo nên một cuộc sống phong phú.
Khổ nạn là người thầy tốt của đời người
Khổ nạn là người thầy tốt của đời người, nó dạy cho trẻ biết xử lý mọi vấn đề với lòng nhiệt tình, thái độ tích cực, bồi dưỡng nên ý chí kiên cường, dám tham gia vào sự cạnh tranh của xã hội. Một người nếu có ý chí kiên cường thì sẽ khắc phục được mọi khó khăn trên con đường đi đến thành công. Do đó, ý chí kiên cường là động lực duy trì hành vi của con người, là nhân tố mấu chốt của thành công. Vì vậy, người Do Thái luôn chủ động cho trẻ chịu khổ một cách có ý thức để bồi dưỡng ý chí kiên cường của chúng.
Ngày nay, trẻ được sống trong một thời đại giàu có, điều kiện sống ưu việt đã khiến trẻ không biết thế nào là nghèo khó và gian nan. Qúa cưng chiều con cái là căn bệnh chung của nhiều bậc cha mẹ, nhưng cũng là vấn đề khiến họ cảm thấy lúng túng.
Hiện tượng chi tiêu ở mức cao của trẻ đã trở thành trào lưu: hộp bút bạc triệu, cặp sách tiền triệu, rất nhiều trẻ mặc quần áo hàng hiệu, phô trương lãng phí. Tiền tiêu vặt hằng tháng của trẻ có thể nhiều hơn cả tiền chi tiêu cả tháng của cả một gia đình.
Nguyên nhân gì khiến trẻ con bây giờ theo đuổi thời thượng, ái mộ hư vinh? Điều này có mối liên hệ với phong trào hưởng lạc, chủ nghĩa tôn thờ đồng tiền lưu hành trong xã hội hiện đại. Nhưng căn nguyên của nó là do cách giáo dục không đúng của cha mẹ, sự buông thả và nuông chiều con quá mức của các bậc phụ huynh.
Cha mẹ bây giờ phần lớn đã từng chịu khổ khi còn nhỏ, họ đều biết tình cảnh ấy không hề dễ chịu. Bây giờ cuộc sống khá hơn, không muốn con phải thiệt thòi, thà mình nhịn ăn nhịn tiêu chứ không để con phải chịu khổ. Cũng có cha mẹ nghĩ rằng để con không được bằng bạn bằng bè sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ nên mình cũng phải cho con đầy đủ. Điều đó vô hình trung đã kích thích thói quen so sánh của trẻ.
Người xưa có câu: “Gian nan khốn khổ, ngọc nhữ vu thành”, tức là muốn thành nghiệp lớn thì phải vượt qua khó khăn gian khổ. Cũng có câu rằng: “Sinh vu ưu hoạn, tử vu an lạc”, nghĩa là vì con người ở trong nghịch cảnh và hoạn nạn mới sinh tồn, vì mê muội và an lạc nên mới chết. Đây là triết lý. Nuông chiều trẻ quá mức không phải là yêu trẻ. Xét về lâu về dài là hại trẻ.
Nếu để trẻ hưởng lạc quá mức có thể khiến trẻ mất đi chí hướng, dẫn đến biến chất về nhân sinh quan và giá trị quan, có thể gieo rắc tai họa về hành vi không tốt. Mặt khác, trẻ sẽ phải lớn lên, phải rời khỏi vòng tay của cha mẹ để nỗ lực, để sinh tồn. Nếu không tôi luyện ý chí và rèn luyện khả năng cho chúng từ nhỏ thì khi chúng rời khỏi vòng tay cha mẹ sẽ không thể tự lập, sẽ cảm thấy sợ hãi và bất lực.
Hơn nữa, trẻ nếu còn không biết quản lý tài chính lại biến thành “nô lệ của thẻ tín dụng”, chưa hết tháng đã tiêu hết tiền. Khi ấy, trẻ sẽ ngửa tay xin tiền ai đây? Đây là vấn đề nghiêm trọng, bất kỳ gia đình nào cũng có thể phải đối mặt.
Người Do Thái hiểu rất rõ vấn đề này nên họ đã dạy cho trẻ đối mặt với trắc trở ngay từ nhỏ, dạy cho trẻ biết “thất bại là mẹ thành công” để kích thích ý chí tiến thủ, nỗ lực đi đến thành công của trẻ. Họ cho rằng, khổ nạn có thể hun đúc ý chí cho trẻ, để trẻ có đủ ý chí để đối mặt với xã hội phức tạp và đầy tính cạnh tranh. Họ còn cho rằng, thành tựu của một người không tỷ lệ thuận với trí lực của người đó. Người có trí năng cao chưa chắc có thành tựu cao, người có thành tựu cao chưa chắc có chí lực hơn người. Nhưng ý chí mạnh yếu thì lại có quan hệ rõ rệt đến thành tựu của người đó.
Chuyển biến quan niệm, cho trẻ cơ hội “chịu khổ”
Để trẻ có thể trưởng thành lành mạnh, cha mẹ phải thay đổi quan niệm giáo dục, dùng khó khăn “tôi luyện” con người. Cha mẹ hãy để trẻ tham gia lao động hoặc làm những việc nhà nhất định, chủ động cho trẻ “chịu khổ”, để trẻ hình thành phẩm chất và khả năng dám chinh phục khó khăn, yêu cuộc sống, thích ứng với cuộc sống. Đồng thời bồi dưỡng cho trẻ ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Như vậy, trẻ mới càng trân trọng thành quả lao động của cha mẹ, khơi dậy tinh thần chịu khó, vươn lên bằng chính đôi chân của mình mà không sống ỷ lại.
Trong cuộc sống thường ngày, cha mẹ hãy cho trẻ cơ hội “chịu khổ” để rèn luyện trẻ trưởng thành. Cha mẹ không nên việc gì cũng làm thay cho con, hãy cắt bớt tiền tiêu vặt của con để trẻ hình thành thói quen tiết kiệm. Việc của trẻ nên để trẻ tự làm, khi nào nên buông tay thì hãy buông tay cho trẻ cơ hội tự lập. Cha mẹ hãy dẫn dắt để trẻ hiểu yêu lao động là một phẩm chất tốt đẹp, lao động là vinh quang. Đồng thời, giúp trẻ nắm bắt thời cơ có lợi, dạy trẻ phương pháp, trình tự và trọng điểm của lao động. Vì trong lao động, trẻ không những có thể được rèn luyện và bồi dưỡng mà còn tăng cường ý thức độc lập, xây dựng niềm tin, từ đó thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của trẻ.
Tăng cường giáo dục, rèn luyện ý chí của trẻ
Có một ông chủ nông trại, yêu cầu con của mình hằng ngày sau khi tan học phải đến nông trại làm việc hai tiếng đồng hồ. Bạn của ông ấy nhìn thấy và nói với ông ta: “Anh không cần phải để con vất vả như vậy, chẳng phải lúa mì vẫn có thể lớn rất nhanh sao?” Ông chủ nông trại đáp lại: “Không phải tôi đang trồng lúa mì mà tôi đang bồi dưỡng con”.
Cách giáo dục con của ông chủ nông trại này cũng đáng để chúng ta suy ngẫm và noi theo vì sẽ giúp trẻ hiểu được mục đích của lao động. Khi sắp xếp công việc nào đó cho trẻ chủ yếu là để rèn luyện trẻ chứ không phải giúp cha mẹ giảm bớt số lượng công việc trong nhà. Do đó, cha mẹ cần kiên trì trên nguyên tắc vừa sức, nhiệm vụ giao cho trẻ nên có độ khó nhất định để trẻ thông qua sự nỗ lực mới có thể đạt kết quả tốt.
Khi trẻ gặp khó khăn, cha mẹ nên giúp đỡ và ủng hộ, giảng đạo lý giúp trẻ có sự cải biến tốt từ trong tư tưởng, khích lệ trẻ vượt qua khó khăn thông qua các nhân vật anh hùng mà trẻ thích. Cha mẹ cũng có thể kết hợp lao động với hứng thú và sở trường của trẻ, để trẻ cảm thấy trong cái khổ có cái vui, tăng thêm sự thú vị cho lao động.
Trải nghiệm khó khăn từ thực tế cuộc sống
Để trẻ chịu khổ thì nên đi sâu vào cuộc sống, trải nghiệm nỗi vất vả của cuộc sống để trẻ hiểu rằng “nỗi khổ” mà trẻ phải đối mặt là lâu dài, không thể trốn tránh mà phải dũng cảm đối mặt.
Giám đốc một doanh nghiệp đã vô cùng hốt hoảng khi nhận ra sai lầm của mình trong giáo dục con. Vì con trai của ông bây giờ không chịu mặc những bộ quần áo bình thường, mua đôi giày cũng cả chục triệu, lại không chăm chỉ học hành mà suốt ngày chìm đắm trong games.
Sau khi cân nhắc ông ấy quyết định đưa con về quê đi học ở một trường cấp huyện. Vì phần lớn học sinh ở đây đều xuất thân từ nông thôn, cuộc sống giản dị, có thể khiến con ông cảm nhận được nỗi vất vả của cuộc sống mưu sinh. Từ đó, có thể trân trọng thành quả lao động của cha mẹ, trân trọng tri thức và chuyên tâm vào học hành.
Yêu trẻ là trách nhiệm và cũng là thiên tính của các bậc làm cha làm mẹ. Nhưng cha mẹ cũng cần hiểu yêu trẻ như thế nào mới là tình yêu thật sự, làm thế nào để tình yêu con có ý nghĩa, có giá trị. Bởi vì, cuộc đời không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Giáo dục khổ nạn cho trẻ sẽ dạy chúng cách đối mặt với thất bại, trắc trở một cách đúng đắn. Trẻ biết tổng kết kinh nghiệm và rút ra bài học từ trong thất bại, bồi dưỡng tâm thái tốt và ý chí kiên cường cho trẻ, sẽ có ích cho trẻ suốt cuộc đời.
Trong cuộc sống không thể tránh khỏi những khó khăn và trắc trở, cũng không tránh khỏi việc trẻ sẽ gục ngã trong khó khăn, hãy giúp trẻ hiểu rằng thất bại không đáng sợ mà ngã rồi không đứng dậy được mới thực sự là điều đáng sợ nhất.
Hồng Ân