Khi được nuông chiều, đứa trẻ thường có tâm lý coi mình là trung tâm của vũ trụ, thế nên chỉ cần trẻ muốn gì đó là mọi người trong gia đình phải phục vụ. Không ít đứa trẻ giở thói mè nheo ở bất cứ đâu để đạt bằng được mục đích của chúng. Tuy nhiên, chẳng cần quát nạt hay đòn roi, các ông bố, bà mẹ chỉ cần thay đổi cách phản ứng thì vẫn có thể chấm dứt thói quen ăn vạ của con mình.

Những yêu cầu được đáp ứng quá dễ dàng sẽ làm trẻ mất đi nhiều thứ. (Dẫn ảnh: Vionew.com)

Các chuyên gia tâm lý khẳng định, “đòi hỏi” là một vấn đề phổ biến ở trẻ nhỏ nhưng đa số các bậc phụ huynh vẫn không chịu thừa nhận điều đó. Dù gia đình có mức thu nhập ở mức nào, nhiều hay ít thì trẻ cũng có xu hướng đòi hỏi. Tất nhiên, ở trong một khuôn khổ nhất định, chuyện ấy là chấp nhận được, vì dù sao chúng vẫn là… trẻ con, còn chưa nhận thức được đầy đủ trách về nhiệm của mình.

Nhưng với những trẻ có đòi hỏi thái quá (mà vẫn được đáp ứng), chúng sẽ bỏ lỡ nhiều điều thú vị của cuộc sống, như không biết được niềm vui của thành quả, cảm giác hạnh phúc khi quên mình vì người khác hoặc bài học về sự kiên nhẫn cần có để vượt qua thử thách cam go. Một cách vô tình, chúng tự làm hại các quan hệ và sự nghiệp tương lai của chính mình khi đưa ra những đòi hỏi vô lý. Hậu quả là khi trưởng thành, chúng sẽ ít có cơ hội thành công và được tôn trọng. Vây làm thế nào để nhận biết được, con mình có đòi hỏi quá mức?

Rất dễ hiểu cảm giác thất vọng của trẻ khi không nhận được điều mình muốn, nhưng đôi khi bố mẹ cần phải lắc đầu trước những đòi hỏi quá vô lý. Nếu bạn nói “Không” mà trẻ phản ứng như cả thế giới đang chống lại nó, thì đây là một dấu hiệu chắc chắn cho thấy, con bạn cần bị “từ chối” nhiều hơn.

Trách nhiệm của bạn là dạy con nên người. (Dẫn ảnh: Thoughtco.com)

Tuy nhiên nỗi sợ lớn nhất của bố mẹ khi nói “Không” chính là phản ứng xấu xí ngay tức khắc của đứa trẻ. Hãy nói “Có” bất cứ khi nào bạn có thể, nhưng khi không thể, đừng ngại nói ra từ đó. Chúng ta phải nói trước với trẻ rằng: “Nếu như mẹ nghe thấy con la hét hay phàn nàn, mẹ sẽ chỉ phớt lờ thôi. Nhưng mẹ sẽ rất vui lòng nói chuyện với con nếu con tôn trọng mẹ”. Khi ấy, trẻ sẽ không quá bất ngờ với hành động tảng lờ của bạn trước phản ứng ầm ĩ của chúng. Hơn nữa, dù sao thì trách nhiệm của bạn không phải là mang đến một tuổi thơ sung sướng quá mức cho trẻ, mà là dạy chúng cách làm người.

Chúng luôn cần bạn giải cứu khỏi “thất bại” hoặc chứng “hay quên”

Quá bao bọc con không phải là tốt. (Dẫn ảnh: Banbupbe.com)

Bạn sẽ vui vẻ lấy hộ chiếc ba lô mà đứa con 3 tuổi của mình để quên ở trường mẫu giáo. Nhưng một nữ sinh 12 tuổi quên cặp thì sao? Không đời nào. Tương tự, việc giúp trẻ buộc dây giày hoặc làm hộ bài tập về nhà cho chúng cũng là điều không thể chấp nhận được.

Việc trẻ thường xuyên quên đồ, quên việc và luôn cần được giúp đỡ là một dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng của bệnh “hay đòi hỏi”. Trẻ cảm thấy chúng đáng được bố mẹ ra tay cứu trợ trước mọi lỗi lầm dù lớn hay nhỏ và được miễn trách trước mọi luật lệ. Nếu như bạn bắt đầu cảm thấy điều này là thái quá thì đã đến lúc phải để chúng tự chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình.

Hãy nói thẳng với trẻ, ‘”Con đang dần trưởng thành và cần có trách nhiệm hơn trong từng hành động của mình. Từ giờ trở đi, bố mẹ sẽ để con tự chịu trách nhiệm về những việc con làm. Bắt đầu từ năm học này, mẹ sẽ không giúp con mỗi khi con quên làm bài tập về nhà hay thiếu đồ dùng đến trường. Mẹ hoàn toàn tự tin rằng con có thể tự lo những việc đó được”. Sau đó, hãy giúp trẻ hình dung ra cách tự đảm đương các công việc ra sao, chẳng hạn như lập một danh sách những thứ cần làm và kiểm tra chúng trước khi đi ngủ.

Tạo điều kiện cho trẻ làm việc nhà để hiểu được giá trị của sức lao động. (Dẫn ảnh: Mykras.ru)

Nếu như con bạn yêu cầu mẹ “giúp” đổ sữa vào cốc khi mà chúng đang đứng ngay cạnh tủ lạnh, hãy từ chối ngay lập tức một cách lịch sự. Và nếu chúng quên bài tập về nhà, thì con bạn tốt nhất nên tự chịu lấy hậu quả của việc đó. Chỉ một vài lần thôi, chúng sẽ có ý thức tự giác hơn rất nhiều.

Vậy làm sao để có thể yêu cầu con bạn làm một điều gì đó. Chẳng hạn: Khi bạn yêu cầu trẻ dọn dẹp phòng khách, chúng từ chối thẳng thừng, như thể bị yêu cầu bước trên than hồng vậy. Hãy đưa ra cho trẻ những lựa chọn: “Mẹ cần con hỗ trợ: hoặc là cắt nhỏ rau củ quả cho bữa tối hoặc là dọn dẹp phòng khách. Con thích việc nào hơn?”. Hoặc đưa ra điều kiện: “Khi cất xong hết bát đĩa, con có thể ăn quà nhẹ sau giờ tan học, nhưng phải hoàn tất công việc xong trước 4h15”.

Và để chắc chắn rằng không có thứ gì dễ dàng cả, hãy phân công trách nhiệm một cách đều đặn. Giao cho lũ trẻ những nhiệm vụ hàng ngày hoặc hàng tuần mà chúng làm được, rồi đổi vai cho nhau để ai cũng có cơ hội cọ toilet hoặc rửa bát. Với những việc nặng hơn, hãy đảm bảo sẽ có “phần thưởng” để mọi người đều cảm thấy vui vẻ khi làm tròn trách nhiệm của mình.

Dù bạn có “cho” nhiều đến mức nào, chúng vẫn đòi thêm

Những đứa trẻ được nuông chiều quá mức không bao giờ thỏa mãn. (Dẫn ảnh: Youtube.com)

Trẻ nào thì cũng thích mua đồ. Nhưng nếu chúng thường xuyên vòi vĩnh mẹ mua cho tựa game mới nhất hay cái váy đắt tiền thì đó lại là một câu chuyện khác. Những đứa trẻ được nuông chiều quá mức sẽ không bao giờ thỏa mãn và cảm thấy đủ, và hậu quả là chúng sẽ phải đối mặt với những khó khăn tài chính sau này ra đời.

Cách khắc phục là cấp cho trẻ một khoản tiêu vặt nhất định, phù hợp với lứa tuổi vào mỗi tuần. Đảm bảo rằng trẻ biết rõ những chi phí mà chúng phải trang trải (kẹo cao su, đi chơi với bạn, quần áo… là những khoản tiêu không thiết yếu). Số tiền bạn đưa chỉ vừa đủ để mua những gì cơ bản nhất, còn không thể cho phép chúng xông xênh được. Quan trọng nhất là, bạn tránh đưa thêm tiền khi số tiền của chúng sắp hết vào cuối tháng. Thay vào đó, hãy để cho chúng nếm trải cảnh ngồi nhà khi bạn bè đi chơi – chúng sẽ học được bài học đắt giá về việc không có tiền là như thế nào.

Khi “Cảm ơn” không có trong vốn từ của trẻ

Các nghiên cứu cho thấy những người giàu lòng biết ơn cũng là những người hạnh phúc hơn. Nếu như con của bạn không trân trọng những món quà chúng được tặng trong cuộc đời, từ mái ấm cho đến chiếc bánh nóng đợi chúng mỗi sáng – chúng sẽ không biết thế nào là giá trị của cuộc sống.

Hãy làm gương cho trẻ bằng cách “cám ơn” người khác nhiều hơn. (Dẫn ảnh: Mombaby.com)

Hãy giúp trẻ nuôi dưỡng lòng biết ơn bằng tấm gương của cha mẹ. Bạn nên hào phóng gửi gắm những lời cảm ơn của mình tới người khác, dù đó là người thân, giáo viên hay người bán hàng, nhất là khi con trẻ đang đứng gần đó. Bạn nên gửi những thông điệp của lòng biết ơn đến người khác bằng cách khen, đánh giá cao ai đó vì một việc mà họ đã làm. Theo thời gian, trẻ sẽ bắt chước bạn và có một thái độ “biết ơn” cuộc sống như vậy.

Người xưa có câu, “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, những đứa trẻ khi sinh ra vốn mang một tâm hồn thiện lương và trong sáng. Vì chưa ý thức được hành vi của mình nên cách dạy dỗ uốn nắn của cha mẹ là rất quan trọng. Bất kể một thói quen xấu nào, nếu không được phát hiện và thay đổi đúng lúc cũng sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của trẻ trong tương lai.

Anh Lân