Câu chuyện mà chúng tôi muốn nhắc đến trong bài viết này là câu chuyện về vợ chồng chị Nguyễn Hằng ở Quốc Oai (Hà Nội). Có một công việc ổn định lương cao và cuộc sống sung túc nhiều người mơ ước ở thành phố, nhưng anh chị đã quyết định bỏ lại tất cả để trở về quê làm “lão nông tri điền” chính hiệu. Tất cả đều bắt đầu từ… một cuốn sách.

Chị Hằng kể lại, công việc của hai vợ chồng chị khá bận rộn và gần như không có thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Không ít lần chị đã suy nghĩ: “Những thứ mình đang làm để làm gì? Đây có phải là cuộc sống mình thích nhất chưa? Nếu được lựa chọn thì mình thích nhất được làm gì?”. Và những câu hỏi ấy cứ ám ảnh mãi trong đầu anh chị, thôi thúc hai người cần tìm một con đường riêng cho chính mình chứ không thể cứ mãi sống theo lối mòn cũ.

Rồi cơ duyên đến khi chị được tặng cuốn sách nổi tiếng thế giới “Cuộc cách mạng một cọng rơm” của Fukuoka. Cuốn sách không chỉ nói về cách làm nông nghiệp theo kiểu tự nhiên mà còn cho người ta một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ về cuộc sống.

Cuộc sống vốn dĩ rất đơn giản, chỉ có con người làm cho nó phức tạp lên rồi quay cuồng với những thứ mình tạo ra đó.

Sau nhân duyên đó, vợ chồng chị Hằng đã trả lời được những câu hỏi băn khoăn của chính mình. Cả hai quyết định sẽ trở về với cuộc sống tự nhiên, chăm sóc cây cối và hưởng thụ cuộc sống thanh bình nơi thôn dã.

Khu nhà vườn nhà chị Hằng cách Hà Nội hơn 30km, nằm ở chân dãy núi Ba Vì có khí hậu vô cùng trong lành và có đến 90% người dân ở đây là dân tộc Mường rất hiền hòa và hiếu khách. Thế nhưng, những ngày đầu mới đến, chị Hằng và chồng cũng cảm thấy hụt hẫng phần nào vì nhịp sống ở quê… chậm quá; vậy mà, chẳng mấy chốc anh chị đã trở nên yêu nơi này quá đỗi, đến mức, cứ về thành phố là thấy lạc lõng và chỉ muốn nhanh về nhà.

Bằng ánh mắt rạng ngời hạnh phúc, chị Hằng hào hứng chia sẻ: Nhìn cây cối tốt tươi, mảnh vườn đầy sinh khí với hệ sinh vật đa dạng các loài, chim kéo về làm tổ, lũ ong vo ve hút mật hoa, đôi lúc gây phiền toái bởi vết sưng do ong “yêu” mình một cách thái quá… rồi tối uống trà, ngắm trăng, đếm đom đóm nhớ lại tuổi thơ đuổi bắt, nhốt lọ xách đi chơi khiến chị và anh xã càng yêu nơi này hơn. 

Cảm giác đi ngủ trong an hòa, thức dậy trong hân hoan với tia nắng bình minh chênh chếch ngoài sân cỏ, ngắm nhìn chim véo von chuyền cành qua ô cửa sổ, không khí mát lành ùa vào phòng là một cảm giác bình yên khó tả mà mọi ngôn ngữ đều trở nên khiếm khuyết. Người ta có lẽ phải tự mình trải qua mới có thể cảm nhận hết được niềm hạnh phúc kỳ diệu đó.

Với vợ chồng chị Hằng, tự tay thiết kế khu vườn dường như là trải nghiệm tuyệt vời nhất. Góc này thì mang hơi hướng thôn quê Việt Nam như trúc đằng ngà, cúc bi vàng, gánh hàng hoa; góc kia sẽ theo phong cách tây một chút với các loại cây bụi, hoa chùm đan xen phủ kín mặt đất, phối cùng bàn ghế ngoài trời sặc sỡ…

Nếu như trước đây không quen với việc làm nông nên hai vợ chồng phải rất khổ sở thì hiện tại tâm thế đã hoàn toàn thay đổi. Dù cả ngày lăn lộn với vườn tược nhưng lúc nào anh chị cũng vui, từ “mệt” hoàn toàn không có trong từ điển…Và, cũng nhờ đi theo con đường nông nghiệp tự nhiên, tái tạo lại sự sống cho đất mà khu vườn sau 3 năm đã mang lại những trái cây thơm vị rất tự nhiên. 

Theo như chị Hằng nói, chọn làm nông là chọn cách sống chậm. Những lúc thời tiết không ủng hộ, anh chị lại dành thời gian đi thăm thú các nơi, vẽ vời, sáng tác vài thứ mình thích, đọc sách… rồi mở thư viện, mở lớp dạy vẽ, tạo sân chơi miễn phí cho trẻ em Mường, để các em cảm nhận được ở đâu đó trong thế giới vật chất này vẫn có những tình yêu như thế.

Như Fukuoka, tác giả cuốn sách “Cuộc cách mạng một cọng rơm” đã nói:  “Mục đích tối thượng của việc làm nông không phải là trồng cây, mà là sự tu dưỡng hoàn thiện con người”. Và vợ chồng chị Hằng chính đã đang làm như thế: Chọn cho mình một điểm dừng đúng lúc giữa cuộc đời bon chen xô bồ để sống thật đơn giản và trọn vẹn.

Dường như với rất nhiều người trẻ, thành phố phồn hoa náo nhiệt là nơi họ lựa chọn cho sự khởi đầu. Chỉ cho đến khi đã “nếm” đủ mọi thăng trầm, biến cố trong đời người, và có lẽ cũng cần ở một độ tuổi nhất định, khi mà danh lợi, vật chất không còn là tất cả, người ta mới đủ dũng cảm để quyết định “bỏ phố đi tìm miền tịnh thổ”.

Ở nơi đó, họ cứ bình tĩnh sống, không ồn ào, huyên náo, không tấp nập, vội vàng. Cuộc đời ở đâu cũng vậy, vẫn luôn nhọc nhằn và khó khăn, nhưng bình yên hay không đều do ta lựa chọn…

“Khi chúng ta già đi
Anh rời thành phố
Mua một căn nhà nhỏ bên ngoài ngoại ô
Nơi yên tĩnh, nơi thanh bình
Mỗi khi chiều, đôi ta ngồi ngắm mây trôi
Ánh hoàng hôn buông

Khi chúng ta già đi
Em về miền quê
Nuôi thêm mấy con gà ngoài sân sau
Anh đọc sách, em pha trà
Trước hiên nhà trồng thêm những khóm hoa thơm
Khoe sắc ngày mới” 

(Trích bài hát “Khi chúng ta già”)

(Nguồn bài và ảnh: Eva)

Hải Dương