Một lời khuyên cho bạn khi đến Nhật Bản đó là: Đừng lãng phí bất cứ thứ gì dù đó chỉ là một hạt cơm, vì nếu không bạn sẽ bị đánh giá là người không biết tôn trọng.
Sự hồi phục Thần kỳ
Từ xưa đến nay, Nhật Bản vốn nổi tiếng là một quốc gia lễ nghi, thể hiện ở nhiều phương diện bao gồm cả cách thức tôn trọng đồ vật dù đó chỉ là mảnh vải hay hạt gạo. Để hiểu hơn, xin cùng nhìn qua lại lịch sử phát triển của xứ sở này.
Nhật Bản là một quốc đảo nhỏ, hầu như không có tài nguyên thiên nhiên và sự phát triển phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhân lực. Sau Thế chiến II, nước Nhật chỉ còn là mảnh đất khô cằn, hoang tàn và nghèo đói. Thiệt hại của Nhật Bản trong chiến tranh được coi là thiệt hại lớn nhất trong lịch sử thế giới.
Tháng 3/1946, 8 tháng sau khi bom nguyên tử rơi xuống thành phố Hirosima của Nhật Bản. (Ảnh: History)
Khi tất cả mọi người còn đang băn khoăn lo lắng về khả năng phục hồi của Nhật Bản, thì chỉ trong một thời gian ngắn, chưa đầy 20 năm, đất nước ấy đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế cường thịnh nhất thế giới, với trữ lượng vàng và ngoại tệ gấp 3 lần Mỹ, khiến người dân các nước phải ngả mũ thán phục trong sự ngỡ ngàng.
Và một trong những bí quyết đã giúp người Nhật đưa đất nước mình vượt qua khó nạn lúc bấy giờ đó là thực hành tối đa tinh thần Mottainai – một nếp sống lâu đời đã ăn mòn vào tâm thức của mỗi người dân xứ sở hoa anh đào.
Sự hồi phục Thần kỳ chỉ sau mấy chục năm ngắn ngủi. (Ảnh: Livemans)
Trong vài năm gần đây, khái niệm “Mottainai” được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Nhật Bản và quốc tế, cũng như sách văn học thiếu nhi và hệ thống giáo dục học đường.
Trong tiếng Nhật, từ “Mottainai” được dùng để biểu lộ sự hối hận khi lãng phí hoặc cảm giác hối tiếc khi thấy một vật hay tài nguyên bị lãng phí.
Văn hóa Mottainai gần tương tự với “phương pháp 3R” được áp dụng để bảo vệ môi trường của người phương Tây bao gồm: Reduce, Reuse, Recyle (Tạm dịch: Giảm lạm dụng, Tái sử dụng, Tái chế). Tuy nhiên, ở Mottainai còn cần thêm một yếu tố, đó chính là “Tôn trọng”.
Nhật Bản, một dân tộc mà tinh thần võ sĩ đạo đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân; đứng trước nỗi đau, họ nuôi dưỡng trong mình niềm tin và hy vọng khôi phục đất nước. Hơn bao giờ hết, Mottainai được người dân Nhật Bản thực hành nghiêm túc cao độ. Họ tận dụng tất cả các nguồn lực, tối ưu hóa mọi thứ, tái chế mọi thứ và không lãng phí bất kể thứ gì ngay từ những điều nhỏ nhặt nhất. Các loại thực phẩm được sử dụng rất tiết kiệm với mục đích duy trì cuộc sống càng lâu càng tốt.
Năm 2011, sau thảm họa kép gần như phá hủy Nhật Bản. Tokyo – kinh đô ánh sáng của châu Á ngày nào giờ đã không còn rực rỡ như xưa nữa. Đèn trên những tuyến đường cao tốc xưa nay vốn sáng rỡ, nay đều được cắt giảm tối đa để tiết kiệm điện. Điện vẫn cúp thường xuyên ở Tokyo và các vùng phụ cận. Nhịp sống vẫn diễn ra hối hả, từng đoàn người đông đúc vẫn cắm cúi bước đi trên đường, chỉ khác là chung quanh họ, ánh đèn nhấp nháy của hàng trăm tấm biển quảng cáo giờ đã tắt. Cả nước Nhật đang bước vào thời kỳ tiết kiệm điện chưa từng có.
Truyền hình đưa những đoạn phim thật thú vị để hướng dẫn người dân thực hành tiết kiệm điện: Thay bóng tiết kiệm điện, dùng chổi quét thay vì máy hút bụi, vặn nhỏ mức làm mát của tủ lạnh xuống mức tối thiểu, nấu cơm một lần cho hai ngày… Bước vào các siêu thị lớn, các quầy hàng bỗng “tối tù mù” hơn mọi ngày, bởi siêu thị đã giảm đi 1/2 lượng ánh sáng. Các quầy hàng đông lạnh đều tắt đèn, chỉ bật hệ thống làm mát và nhiều cửa hàng giảm hẳn hoặc tắt hệ thống sưởi ấm dù trời vẫn còn giá rét.
Người Nhật thực hành
Tại Thủ đô Tokyo sầm uất, rất nhiều tòa nhà thay vì dội bồn cầu bằng nước nối trực tiếp từ bể chứa đã sử dụng nước thải thay thế.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, một loại vải từ thế kỷ thứ 8 vẫn còn được người Nhật tái sử dụng bọc giữ đồ đạc thay thế cho túi nhựa và bao bì giấy rất hiệu quả.
Những mảnh vải cũ được tận dụng làm túi đựng đồ. (Ảnh: pro.jp)
Những bộ Kimono cũ được sử dụng làm nguyên liệu tạo ra các phụ kiện đẹp như Nuno zori, hay dép vải được làm từ mảnh vải và dây điện. Kimono còn được tái chế/tái sử dụng thành nhiều sản phẩm khác nhau như: Ví, giá đỡ đũa, nắp thủy tinh và quạt…Khăn tắm cũ và khăn tay được cắt và may lại dùng làm giẻ lau bàn ghế hay đồ đạc trong nhà.
Các cửa hàng thực phẩm tại địa phương thu thập tất cả thức ăn gần hết hạn và bán nó ở mức giá rất thấp sao cho những sản phẩm này có thể được tiêu thụ và không bị bỏ đi lãng phí.
Người Nhật thể hiện sự tôn trọng của mình đối với từng hạt cơm. (Ảnh: Getty)
Trong mỗi gia đình, các bà mẹ liên tục nhắc nhở con cái của mình không được lãng phí dù chỉ một mảnh vải cũ, mẩu giấy hay thậm chí là một hạt gạo. Đối với quần áo cũ, họ thường mang đến chợ trời Mottainai để đổi lấy những món hàng cần thiết.
Trang web mottainai.info là một công cụ hữu ích, các bà nội trợ có thể tìm được tất cả các loại mặt hàng tái chế, từ đồ ăn thức uống tới đồ dùng trong gia đình. Thậm chí nơi này còn chia sẻ các công thức nấu ăn từ đồ ăn thừa trong nhà rất hiệu quả.
Tận dụng giấy gói quà. (Ảnh: japan-design-contents)
“Con gái tôi, sống tại Nhật Bản 8 năm kể với tôi rằng, khi người Nhật nhận được một món quà gói trong giấy bọc, họ sẽ mở quà sao cho tờ giấy bọc không bị rách. Sau khi bóc quà, tờ giấy đó sẽ được gấp lại cẩn thận và mang về sử dụng cho lần sau”, Mary Wallace, nhà sáng lập PeopleTowels – công ty chuyên sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường.
Bồn rửa này được xây dựng trên một bồn vệ sinh để nước đã qua sử dụng từ bồn rửa sẽ được dùng lại trong bồn vệ sinh (Ảnh: Martinigirlsakeworld)
Nhiều người nhận định rằng, văn hóa Mottainai đã có tác dụng giảm một lượng đáng kể phương tiện giao thông hiện đại trên đường phố Nhật Bản trong thời đại phát triển theo cấp số nhân như hiện nay. Theo thống kê Mottainai là một trong những thuật ngữ thường được sử dụng nhất để mô tả về nền văn hóa sinh thái độc đáo của Nhật Bản ngày nay.
“Người Nhật Bản quả thực rất sâu sắc và đây có thể tạo thành nguồn cảm hứng tiết kiệm cho người phương Tây”, nghiên cứu sinh Kevin Taylor từ đại học Southern Illinois cho hay.
Mottainai – Tôn trọng vạn vật
Trên thực tế, Mottainai là một cổ ngữ có nguồn gốc từ Phật giáo được hiểu là: Tôn trọng tất thảy, không lãng phí và sử dụng với tấm lòng biết ơn.
Theo tôn giáo phương Đông, “vạn vật đều có linh”, ý nói rằng không chỉ riêng con người hay động vật mới có tư duy cảm tình, mà ngay đến cả chiếc bàn chiếc ghế cũng có một loại ngôn ngữ riêng, một cách biểu đạt tư duy riêng. Yuko Kawanishi, nhà xã hội học thuộc Đại học Tokyo Gakugei cho rằng, Mottainai bắt nguồn từ niềm tin của Shinto hay còn gọi là Thần đạo, tin rằng hàng ngàn vị Thần và linh hồn tồn tại trong mỗi vật thể. Đối xử tử tế với mỗi vật dụng là việc làm rất quan trọng vì chúng có linh hồn và vì con người là một phần của tự nhiên nên cần duy trì mối quan hệ hài hòa với vạn vật.
“Cứu vật vật trả ơn”. (Nguồn ảnh: Loisart)
Vậy phải chăng tiết kiệm chỉ là một phương pháp thực hành, là biểu hiện bề ngoài dẫn đến thành công của người Nhật, nhưng ẩn sâu trong tinh thần Nhật Bản – “tôn trọng vạn vật” mới là nguồn căn nguyên đưa đất nước này vượt qua gian khó một cách Thần kỳ như vậy. Thần tích ấy xuất hiện bởi người dân nước ấy đã nhận được phúc báo, phúc báo từ hàng ngàn hàng vạn sinh mệnh mà họ đã trân quý và tôn trọng. Bởi người xưa dạy chưa bao giờ sai: “Cứu vật vật trả ơn!”
Cần kiệm là một loại mỹ đức. Đây là điều tất yếu cần phải có của “tu thân, tề gia, trị quốc”. Đối với một cá nhân mà nói, cần cù tiết kiệm, không xa hoa phung phí chẳng những giúp tu dưỡng đạo đức bản thân mà còn là phương pháp quản gia hữu hiệu. Đối với một đất nước mà nói, để sinh tồn và phát triển tất yếu phải tiết kiệm.
Hồng Tâm