Những ai từng đến Nhật hoặc đã từng sinh sống tại Nhật đều có nhiều trải nghiệm khác nhau về văn hóa xếp hàng.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn có thể mường tượng lại những hồi ức về kinh nghiệm xếp hàng tại Nhật Bản. Nếu bạn đến một nhà hàng ăn nổi tiếng, chắc chắn bạn sẽ phải đứng xếp hàng ngoài cửa hơn nửa tiếng đồng hồ; với các chuỗi cửa hàng điện gia dụng mới khai trương, họ sẽ vì muốn thu hút khách hàng mà bán một số mặt hàng với giá cực rẻ, và dòng người xếp hàng bên ngoài chắc chắn cũng rất dài. Ngay cả với những công viên giải trí, như Tokyo Disneyland, hay Universal Studios Osaka, người chơi vì muốn tham gia một trò chơi, sẽ phải xếp hàng và chờ đợi trong thời gian rất lâu. Tôi vốn là một người nóng tính, khi xếp hàng vẫn thường hay nóng vội và khó chịu. Nhưng mặc dù vậy, khi cần phải xếp hàng, bất cứ ai cũng đều tuân thủ. Nếu như với một số quốc gia, chỉ khi vật tư thiếu thốn, không thể thỏa mãn yêu cầu của mọi người, thì phương thức xếp hàng mới xuất hiện – vậy tại sao người Nhật phải xếp hàng?
Ở Nhật Bản, từ người già cho đến trẻ nhỏ, bất luận là đi đến chỗ nào, muốn mua thứ gì, hay phải chờ đợi cái gì, họ cũng đều nghiêm túc xếp hàng, có ý thức không gây ồn ào cho đến khi tới lượt mình. Khi chứng kiến những hình ảnh ấy, nhiều người ngoại quốc tại Nhật không khỏi ngạc nhiên, thích thú. Từ góc nhìn của người Nhật, xếp hàng không phải là văn hóa, mà là một thói quen đã được dưỡng thành.
Thói quen xếp hàng của người Nhật xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau: Trước hết, đó là cách nghĩ ‘đương nhiên’. Họ cho rằng những sản phẩm được nhiều người xếp hàng nhất định là thứ có giá trị. Vì vậy, chỉ cần nhìn thấy xếp hàng, rất nhiều người Nhật sẽ lập tức làm theo. Cũng như một số du khách Nhật khi đến Thượng Hải du lịch, khi trông thấy đoàn người xếp hàng trước cửa tiệm màn thầu Tiểu Long ở Thành Hoàng Miếu, họ liền lập tức chạy đến xếp hàng. Đó cũng là để thỏa mãn tâm lý hiếu kỳ của bản thân.
Thứ hai, xếp hàng ở Nhật Bản là một sinh hoạt thường nhật và là hoạt động ngày thường, vì vậy, người tham gia xếp hàng không hề cảm thấy nặng nề, mà xem đó như một phần của cuộc sống. Họ có thể vui vẻ, cười đùa, và tán gẫu với nhau trong những lúc phải xếp hàng quá lâu. Thậm chí, đây còn là dịp để tụ tập với bạn bè, người thân.
Thứ ba, xếp hàng là một nội dung quan trọng trong giáo dục ở Nhật Bản. Trẻ em Nhật Bản được dạy rằng xếp hàng là một quy định và là đạo đức công cộng cần tuân thủ. Ngay từ khi bắt đầu tiếp nhận giáo dục, trẻ em được dạy cách xếp hàng theo thứ tự; mỗi khi đến trạm xe, rạp chiếu phim, hay những nơi công cộng khác, các giáo viên luôn nhắc nhở học sinh nghiêm túc và trật tự xếp hàng. Bài học ấy cứ lặp lại hàng ngày, hàng tháng, nhờ vậy mà dưỡng thành một thói quen tốt. Dù là tại trường học hay trong mỗi gia đình, kiểu giáo dục này vẫn đang được tiến hành. Rời trường học về nhà, các em lại được giáo dục cùng một đạo lý… Thói quen xếp hàng cứ như vậy mà hình thành một cách tự nhiên.
Thứ tư, xếp hàng còn là biểu hiện tâm lý tập trung của Nhật Bản. Vài năm trước, Nhật Bản xảy ra trận động đất kinh hoàng. Động đất khiến giao thông Tokyo tê liệt; gần 2 triệu người vì không có phương tiện đi lại mà bị mắc kẹt tại trung tâm thành phố. Vì vậy, rất nhiều người phải xếp hàng để chờ đợi chiếc xe buýt không biết có đến được hay không. Đáng chú ý là không một ai chen lấn, không một ai kêu la, tất cả mọi người đều im lặng chờ đợi – hình ảnh này đã khiến cả thế giới vô cùng kinh ngạc. Người dân Nhật Bản trong giờ phút tuyệt vọng vẫn kiên trì xếp hàng trật tự, vậy đó phải là một tập thể như thế nào? Một dân tộc như thế nào?
Ngay từ nhỏ, người dân Nhật đã học cách phối hợp với người khác. Mỗi khi có nhiều người đứng cạnh nhau thành hàng, một cách tự nhiên họ sẽ nghĩ rằng: nhất định phải xếp hàng, và không được phá vỡ sự phối hợp này. Trong lúc tất cả đều đứng nối tiếp nhau thành hàng, bạn cũng sẽ tuân thủ mà nghiêm chỉnh xếp hàng.
Xin bổ sung một chút rằng, khái niệm xếp hàng trên toàn đất nước Nhật không hoàn toàn giống nhau. Tại một số thành phố, hoạt động này vẫn được thực hiện nhưng không quá hoàn hảo. Trong đó bao gồm cả thành phố Osaka mà tôi hiện đang sống. Trên nhiều chuyến xe điện ở Osaka, có thể do đông người hoặc vì nguyên nhân tan ca, rất nhiều người không kiên nhẫn chờ hành khách trên xe xuống hết đã chen lấn để lên xe. Nếu ở Tokyo, có lẽ họ sẽ vấp phải ánh mắt khó chịu của người khác. Đơn cử như Yamanote, xe điện tuyến vòng chạy liên tục của Tokyo, cho dù vào giờ cao điểm giao ca thì mọi người vẫn nghiêm túc xếp hàng chờ đợi. Điều đó tạo nên nét khác biệt của khu vực Tokyo.
Điểm cuối cùng, xếp hàng là một biểu hiện của sự bình đẳng. Người Nhật thường hành động theo quy tắc nhất định, như vậy tất cả sẽ có trật tự và ngăn nắp. Lấn hàng bị coi là hành vi xấu và không được phép. Hơn nữa, mọi người trong khi xếp hàng cần phải hòa nhã, và chỉ có hòa nhã, mới có thể đảm bảo công bình được.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhà hàng Nhật Bản vì muốn thuận tiện cho khách hàng, đã phục vụ theo đơn hàng đặt trước. Vì vậy, việc xếp hàng của người Nhật cũng được giảm bớt. Khách hàng chỉ cần đợi thông báo là có thể dùng bữa. Thiết nghĩ, sự phát triển công nghệ chỉ có thể giảm tải một phần trong việc xếp hàng. Vẫn còn rất nhiều yếu tố khác chi phối, như tâm lý và văn hóa của người mua hàng.
Văn hóa xếp hàng của người Nhật đã trở nên nổi tiếng ở khắp nơi trên thế giới. ‘Những sản phẩm phải xếp hàng để mua chắc chắn là thứ tốt’, và ‘Đội ngũ xếp hàng quá dài cũng là một điều tốt’ – cách nghĩ đặc biệt này càng khiến người Nhật yêu thích việc xếp hàng. Cũng có thể nói rằng xếp hàng giúp xã hội trật tự hơn và phân phối vật tư được cân bằng hơn. Đây chính là một bí quyết giúp Nhật Bản, dù đất chật người đông, nhưng lại có được cuộc sống yên ổn.
Theo Secret China
Xem thêm:
- Điều gì đã làm nên kỳ tích Nhật Bản?
- Trẻ em Nhật Bản sẽ làm gì khi thấy ví tiền rơi?
- Họa sĩ Nhật Bản Maori Sakai và các bức ảnh động minh họa về hạnh phúc
- Bậc thầy trẻ tuổi Nhật Bản làm sống lại một nghệ thuật có lịch sử 1200 năm
- Những tia sáng kỳ lạ xuất hiện trên bầu trời Nhật Bản
- Nhật Bản: “Cá heo trắng” chuyển thành màu hồng phấn mỗi khi tức giận