Hơn 40 năm qua, cụ Phạm Thị Màng, ngụ tại khu phố 3, phường 4, thành phố Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) đã âm thầm may hàng ngàn chiếc chăn từ vải vụn tặng người nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Nay cụ Màng đã 93 tuổi, lưng còng, mái tóc bạc phơ, nhưng ngày ngày cụ vẫn miệt mài dành hơn 8 giờ ngồi bên chiếc máy may cũ, may những chiếc chăn từ những tấm vải vụn đã bỏ đi.

Khi được hỏi cơ duyên nào cụ quyết định may chăn tặng người nghèo, cụ Màng cho biết, hơn 40 năm trước trong một lần tình cờ đi đến nhà người quen làm nghề may quần áo, khi đó thấy thợ may bỏ đi những mảnh vải thừa nên cụ thấy rất tiếc, trong khi còn rất nhiều mảnh đời khốn khó, gặp thiên tai, lũ lụt phải co ro trong giá lạnh.

Vì vậy, cụ đã quyết định gom góp hết số tiền tích lũy được đem mua chiếc máy may và vài bao vải vụn để bắt đầu công việc thầm lặng.

Cụ cắt vải tỉ mỉ đến từng sợi chỉ nhỏ. 

Cụ Màng kể, lúc đầu cụ mua một bao vải vụn mất hết 30.000 đồng và bỏ công ra hơn 10 ngày chắt lọc lại, may được 4 đến 5 cái chăn từ đống vải vụn đó. Nhưng khi mua vải vụn được 2 năm, nhiều người thấy việc làm đầy cảm động của cụ nên chở thẳng vải vụn đến nhà cụ mà không lấy tiền.

Tiếng lành đồn xa, nhiều “mạnh thường quân” ở tận Thành phố Hồ Chí Minh, miền Tây cũng gửi xe khách lên cho cụ nhiều bao vải vụn còn khá nguyên vẹn, có những khổ vải sau khi cắt lại còn to bằng tấm gạch nên cụ mừng lắm.

Để làm được một chiếc mền đẹp, mỗi tấm cụ phải tỉ mẩn từ 2-3 ngày và tốn rất nhiều công sức.

Cứ khoảng 2 đến 3 ngày, cụ Màng lại cho ra là một tấm chăn hai lớp vải, với nhiều hoa văn của các loại vải khác nhau được ghép lại, có kích thước rộng 1,5 mét, dài 2 mét, sau đó nhờ người con trai út dùng xà phòng giặt thật sạch, phơi khô. Khi đủ số lượng từ 7 đến 10 cái thì cụ gửi cho người nghèo có nhu cầu.

Cụ Màng còn cho biết, hiện cụ đã chuẩn bị được hơn 30 chiếc chăn đang chờ đoàn từ thiện đến để gửi đồng bào miền Trung, miền Bắc đang bị lũ lụt cuốn mất nhà cửa. “Mình cũng chỉ đủ ăn, không có tiền đóng góp giúp đỡ người nghèo, nên sẽ cố gắng may những chiếc chăn để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, túng thiếu”, cụ Màng chia sẻ.

Sự tỉ mỉ và cần mẫn của cụ thể hiện trong đó biết bao yêu thương và sự quan tâm dành cho những hoàn cảnh khốn khó. Một người ở độ tuổi như cụ, mắt còn sáng để nắn nót từng đường may là một sự cố gắng phi thường. Nhưng cũng có lẽ bởi cái tâm sáng của cụ mà ông Trời ban cho cụ một sức lực và nội lực kỳ diệu. Phía sau những tấm vải mộc mạc, đơn sơ là tấm lòng rộng lớn của một con người đầy đức hạnh.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, ông bà ngày xưa vẫn thường dạy chúng ta như thế. Trong lúc người khác gặp khó khăn, chỉ cần một hành động nhỏ cũng có thể giúp họ bước qua hoạn nạn. Và đồ thừa của người này có thể là cả gia tài đối với những người khác. Thế nên, dù trong hoàn cảnh nào, sung túc hay thiếu thốn, hãy biết trân trọng những gì mình đang có, và sẵn sàng giúp đỡ người khác khi còn có thể.

Ngân Hà

(Nguồn ảnh: Giang Phương)

Video xem thêm: Cổ nhân thường nói “tích đức, thất đức” – Đức ấy là gì?

videoinfo__video3.dkn.tv||3e7c4ea50__