Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu vốn luôn là một “cơn ác mộng” đối với các cô gái trẻ của thời hiện đại khi chuẩn bị bước vào cuộc sống hôn nhân. Nhưng liệu mối quan hệ này có thực sự đáng sợ và không có lối thoát như người ta vẫn hình dung? Lời tâm sự về bà mẹ chồng phương Đông nhỏ bé của một phụ nữ trẻ phương Tây được ghi lại dưới đây có thể sẽ mang tới cho bạn rất nhiều những gợi ý thiết thực và ý nghĩa.
Khi một người nghĩ về việc ra mắt bố mẹ chồng, câu hỏi đầu tiên hiện ra trong tâm trí thường sẽ là: “Họ có thích mình không nhỉ? Làm thế nào để mình có thể gây thiện cảm với họ và được họ yêu quý?”. Câu hỏi này luôn song hành cũng với những cố gắng của cá nhân bạn để làm mình trở nên chỉn chu và dễ mến hơn trong mắt những người khác. Tuy nhiên, tôi có lẽ có nhiều may mắn hơn nhiều phụ nữ, khi bố mẹ chồng tương lai rất đặc biệt.
Tôi phải thú thực là mình đã vô cùng hoảng hốt khi chồng chưa cưới của tôi nói rằng anh muốn giới thiệu tôi với bố mẹ. Anh luôn nói với tôi rằng cha mẹ anh rất nghiêm khắc khi anh trưởng thành đến mức không giúp anh sắp đặt công việc. Hơn thế nữa, tôi lại tới từ một nền văn hóa thực sự khác biệt với gia đình anh. Anh là người Trung Quốc, nơi mà tôi biết sự gia giáo, tôn ti luôn phải đặt lên hàng đầu. Còn tôi lại lớn lên trong nền văn hóa mà người ta luôn khuyến khích giải phóng cái tôi cá nhân và đề cao sự tự do.
Vì những khác biệt đó, tôi đã chuẩn bị rất kĩ càng cho buổi gặp, thậm chí tôi còn viết hẳn cho mình một bài diễn văn để ra mắt bố mẹ chồng. Nhưng những gì tôi đã ghi ra giấy đã nhanh chóng bay khỏi trí nhớ tôi khi tôi gặp mẹ chồng. Bà đã ôm tôi vào lòng một cách nồng ấm, như thể tôi là đứa con xa nhà từ rất lâu rồi. Trong vòng tay ấm áp và nhẹ nhàng đó, tôi cảm nhận được một sự yên bình, thanh thản và vô cùng dịu dàng. Nỗi lo âu bị đánh giá, bị xa lánh trong tôi nhanh chóng bị sự ấm áp của bà làm bốc hơi, như những giọt sương sớm sẵn sàng đi theo ánh ban mai đầu tiên.
Trước buổi hẹn, còn một điều nữa khiến tôi rơi vào tâm trạng bồn chồn, vô cùng lo lắng. Đó là tôi đang mang bầu. Tôi biết việc mang bầu trước khi cưới trong văn hóa truyền thống của dân tộc anh là một điều không mấy tốt đẹp. Sự rã rời của cơ thể trong thời kỳ thai nghén càng khiến tâm trạng tôi trở nên khó chịu. Có lẽ cũng vì thế mà tôi càng trở nên nhạy cảm hơn khi nghĩ tới sự khác biệt giữa lối sống của tôi và gia đình anh. Nhiều lúc, tôi cảm thấy mình không thuộc về nơi này. Nó khiến tôi sợ hãi, tôi thực sự không muốn bé con của mình cũng có cảm giác lạc lõng trong chính gia đình của con. Bạn biết đấy, sinh ra trong một gia đình có nhiều dòng máu pha trộn luôn không bao giờ là dễ dàng.
Nhưng người mẹ hiền từ của anh lại một lần nữa khiến tôi cảm thấy mình thật ngốc nghếch, nhưng cũng thật quá may mắn. Trái với điều xấu nhất mà tôi đã tưởng tượng và chuẩn bị tinh thần cho nó suốt một tuần qua, cha mẹ anh vui vẻ tiếp nhận tôi và em bé mà tôi đang mang trong bụng. Thái độ tiếp đón ân cần của họ khiến tôi trực khóc nhiều lần trong buổi gặp mặt đầu tiên. Chỉ cho tới khi đó, tôi mới cảm nhận được rằng mình đã khao khát được gia đình anh chấp nhận đến thế nào.
Sau buổi gặp gỡ đầu tiên ấy, dường như có một sợi dây vô hình đã nối kết tôi với mẹ chồng. Và chúng tôi càng ngày càng trở nên gắn bó với nhau. Bạn có thể không tin, nhưng điều tuyệt vời này đã thực sự đến với tôi. Mẹ chồng chính là người đã cùng tôi vượt qua thời kỳ thai nghén đầy khó khăn này. Bà đi cùng tôi tới tất cả các buổi khám thai.
Và bà còn có mặt trong phòng sinh với tôi vào ngày trọng đại ấy. Bà nói rằng, các bà mẹ Trung Quốc đều ở bên cạnh con gái họ trong lần sinh nở đầu tiên. Vì mẹ tôi không còn nên bà sẽ là người làm điều đó.
Không chỉ có vậy trong một tháng đầu tiên sau sinh, mẹ chồng không cho tôi động vào bất cứ công việc gì nặng nhọc, kể cả việc nhà, vì đó là phong tục của Trung Quốc. Khi ấy, tôi đã thực sự rất xúc động khi cảm nhận được cách mà bà đối đãi với mình. Bà không hề để tâm tới màu da của tôi hay những khác biệt trong văn hóa. Bà coi tôi như một cô con gái, với những tâm tư, tình cảm mà một người phụ nữ giàu kinh nghiệm như bà rất dễ dàng thấu hiểu và có nhiều điều để sẻ chia.
Bố mẹ của anh đã cho tôi cơ hội được nhìn và tiếp cận cuộc sống từ một góc độ hoàn toàn khác – góc độ của những người phương Đông truyền thống. Tôi cảm thấy rất vui mừng vì những đứa trẻ sau này sẽ được lớn lên trong một gia đình mà các con sẽ khám phá cuộc sống qua lăng kính của những phong tục được lưu truyền lại từ rất xa xưa. Đặc biệt, các con sẽ được học cách tôn trọng người khác với những gì họ vốn có, từ đó có thể lấy sự thiện lương để đối đãi với họ.
Bài báo này được viết bởi Susy Richards, người mẹ của ba cô con gái đáng yêu (đang ở độ tuổi 3,4 và 5), một phụ nữ đơn giản sẵn dàng chia sẻ kinh nghiệm vô giá của mình với những bà mẹ khác trên khắp thế giới. Chị là nhà quản lý cao cấp những khoá đào tạo người hỗ trợ sinh và chăm sóc sau sinh. Susy rất nhiệt huyết với công việc hỗ trợ chăm sóc tổng thể và đang nghiên cứu về vấn đề thai nghén. Gần đây chị đã xuất bản tập hợp những bài báo của chị liên quan đến quá trình thai nghén tại www.rocketparents.com.
Suy ngẫm:
Mẹ chồng – nàng dâu vốn là một trong những mối quan hệ khó xây dựng nhất có lẽ bởi cả hai người phụ nữ bước vào cuộc sống của nhau một cách không hề tự nguyện. Hơn thế nữa họ thường mang theo rất nhiều định kiến về người kia cùng những ghen tị về tình cảm. Khi chúng ta phải chung sống bên cạnh ai đó với nhiều những rào cản như vậy, chúng ta sẽ rất khó nhìn ra bản chất thật của họ. Chúng ta sẽ nhìn và đối xử với họ theo hình ảnh do bản thân mình xây dựng nên. Có thể nàng dâu là một người có tấm lòng thơm thảo, nhưng mẹ chồng lại nhìn cô thành người hay xen vào chuyện của người khác.
Vậy đâu là giải pháp hợp lý để giải quyết mối quan hệ này? Câu trả lời nằm trong cách mà người mẹ chồng được nhắc tới trong câu chuyện của cô Susy Richards đã dùng để đối đãi với cô.
Bà vốn là một người Trung Quốc truyền thống, nên việc cô là người phương Tây, người đến từ một nền văn hóa với những giá trị sống hoàn toàn khác sẽ là một điều rất khó chấp nhận. Hơn thế nữa, cô đã chung sống với con trai bà và có thai trước khi hôn lễ được diễn ra, điều này khiến bà dễ có những đánh giá và suy xét về người con dâu của mình. Nhưng vì đâu bà lại được cô ca ngợi hết lời trong một bài báo, để rất nhiều người khác biết được câu chuyện của họ. Có lẽ vì bà đã dùng Trái tim thiện lương để đối xử với cô, điều đó tạo nên sự khác biệt.
Với trái tim thiện lương, mẹ chồng Susy không coi những khác biệt văn hóa của cô là hố sâu ngăn cách, mà bà nhìn thấy đó chính là cây cầu có thể đưa hai người tới thế giới của nhau. Cô ở một nền văn hóa khác, với những niềm tin và tập quán khác nên đây là cơ hội để bà cho cô thấy, ở phương Đông cũng có những tập quán, những thói quen và những niềm tin rất đáng trân quý. Bà đối xử với cô như với một người con dâu Trung Quốc, không có sự phân biệt. Hành động này đã xóa bỏ đi rào cản đầu tiên – định kiến. Trong đời sống của chúng ta cũng vậy, phải chăng nên nhìn nhận những khác biệt là cơ hội để hiểu nhau hơn thay vì bài xích nó.
Không những thế, trái tim thiện lương đã giúp mẹ chồng Susy nhìn cô là chính cô, chứ không phải là một người con dâu – người đã đang và sẽ lấy đi rất nhiều sự quan tâm, chăm sóc của con trai bà. Hay nói cách khác, bà không nghĩ tới những thiệt thòi về tình cảm của mình khi cô xuất hiện. Nếu không thấu hiểu Susy, không buông được tâm vị kỷ, cố chấp vào những được mất về tình cảm của bản thân, mẹ chồng Susy không bao giờ có thể nhận ra được cô đã cô đơn như thế nào khi không còn có mẹ trên đời, khi không còn có ai đó đủ kinh nghiệm, đủ thân thiết để giúp cô vượt qua thử thách vô cùng lớn của người phụ nữ sinh đứa con đầu lòng.
Nhận ra những khiếm khuyết của người khác và tự nguyện muốn được giúp họ hoàn thiện không phải là hành động ai cũng làm được. Chỉ có một trái tim đong đầy tính Thiện, sự vì người khác mới đủ sức mạnh để làm nên điều ấy.
Vậy là người mẹ chồng phương Đông này đã tặng cho chúng ta, nhất là những cô dâu trẻ một gợi ý thật quý giá:
Chỉ cần mang chữ Thiện trong tâm, thời thời, khắc khắc đều nhẩm niệm chữ này, tự căn dặn mình phải đối đãi với người kia bằng Thiện niệm, thì không mối quan hệ nào là không thể hóa giải. Nhưng để có Thiện, cũng không thể thiếu chữ Chân, cũng không thể thiếu chữ Nhẫn. Bởi không có đủ sự yêu thương chân thành (Chân) và nhẫn nại (Nhẫn), ta không bao giờ có thể dọn sạch được những ích kỷ, đố kị bên trong để lấy chỗ trồng những hạt giống của “Thiện lương” trong khu vườn tâm hồn mình. Luôn lưu giữ ba chữ này trong tim, chúng ta có thể xây dựng mọi mối quan hệ, dù là khó khăn nhất.
Theo Visiontimes
Xuân Dung biên dịch
Xem thêm: