Từ xưa tới nay, người ta vẫn thường cho rằng giữa mẹ kế và con chồng là mối quan hệ căng thẳng, gượng ép và lạnh nhạt. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng vậy, bởi bản chất của con người là thiện lương, dù ở vị trí nào, trong mỗi người vẫn luôn sẵn có tình yêu và sự đồng cảm dành cho người khác. Bạn hãy dành ít phút đọc câu chuyện dưới đây về một cậu bé dưới cái nóng 40 độ C vẫn cố gắng bươn chải ngoài đường kiếm tiền vì một lý do rất đặc biệt, để nhận ra rằng: khoảng cách khó khăn nhất trên đời đôi khi chỉ là một định kiến.

Không khó bắt gặp cảnh đông đúc và quá tải trong các siêu thị hoặc các bể bơi ở Trung Quốc những ngày cái nóng lên tới mức kỷ lục, 40 độ C. Thực tế, nhiệt độ vào lúc đỉnh điểm giữa trưa có thể lên cao trên ngưỡng đó. Nóng nực, bỏng rát, và lẽ tất nhiên, không ai muốn phải ra ngoài đường trong cái nắng như thiêu như đốt ấy.

Thế nhưng, có một cậu bé lúc nào cũng đi lang thang khắp các con phố oi ả để nhặt rác, nhặt vỏ chai, không nón mũ, không một chút nước mang theo người. Giữa lúc người ta tìm cách trốn chạy khỏi cái khắc nghiệt của thời tiết thì em lại lao vào đó, không phải một hai lần, mà ngày nào cũng vậy. Bởi vì em có lý do của riêng mình, em có động lực cho riêng mình, em cần nỗ lực kiếm tiền để chi trả viện phí cho người mẹ kế của em đang phải nằm viện vì mắc căn bệnh ung thư máu.

Em chính là cậu bé Wang Zheng ở tỉnh Hà Nam, và năm nay em mới chỉ 12 tuổi. Từ lúc còn nhỏ, cha mẹ đã sớm ly hôn. Sau đó, mẹ bỏ em lại sống cùng ông bà nội và cha để lập gia đình mới. Em chưa một lần gặp lại mẹ kể từ ngày bà bước chân ra đi, còn cha em thì lên thành phố tìm việc làm, kiếm tiền nuôi gia đình và trả nợ. Món nợ ấy là khoản tiền gia đình em phải chạy vạy khắp nơi để trả viện phí lần bà em lâm trọng bệnh. Mọi của cải trong nhà cũng đều đã đem đi bán để có tiền chữa trị cho bà.

Sau lần ấy, cả nhà rơi vào tình cảnh nghèo túng, không có tiền sinh hoạt, thậm chí có lúc còn không đủ ăn. Mọi người cố gắng bao bọc lấy nhau để sống qua ngày, ông bà nội và cha nỗ lực bù đắp cho em vì những thiếu thốn, bất hạnh mà em phải chịu khi còn quá nhỏ. Cuộc sống khốn khó cứ diễn ra như thế cho tới một ngày, một người mẹ kế bước vào cuộc đời em và thay đổi tất cả.

Không giống như những gì người đời vẫn nói, mẹ kế của em là một người phụ nữ phúc hậu, dịu dàng và giàu tình yêu thương. Kể từ khi có mẹ, cuộc sống của em đã hoàn toàn khác. Gia đình có bàn tay người mẹ bỗng trở nên ấm áp vô cùng, lúc nào cũng sạch sẽ và tươm tất. Mẹ chăm sóc cho ông bà, mẹ yêu thương và chỉ bảo cho em. Mẹ như một ngọn nến lung linh đã thắp sáng những mảng tối buồn bã và ảm đạm trong ngôi nhà của em, mang lại cho em tiếng cười và sự hồn nhiên vui vẻ. Mẹ thấu hiểu những tổn thương rất lớn mà em đã phải chịu nên mẹ quan tâm tới em, chăm sóc cho em từng li từng tí. Trong tâm trí em, mẹ đã trở thành một người mẹ thực sự, người dù không sinh ra em nhưng lại mang cho em một cuộc sống hạnh phúc và tốt đẹp.

Thế nhưng, có quá nhiều điều bất hạnh cứ liên tục ập đến cuộc đời em. Mẹ kế của em được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu, một căn bệnh không những cần một chi phí khổng lồ để chữa trị, mà còn khiến người ta chết dần chết mòn. Tất nhiên, một đứa trẻ 12 tuổi như Wang không biết nhiều về căn bệnh nguy hiểm không thể chữa trị này và số tiền viện phí lên tới 100.000 nhân dân tệ (khoảng 330 triệu đồng). Những gì em có thể biết được lúc này là không thể bỏ mặc mẹ, không muốn mẹ rời xa em và em sẽ làm mọi cách để kiếm tiền cứu mẹ.

Trong những giọt nước mắt của sự lo lắng, xót thương khi chứng kiến mẹ đang phải chịu đau đớn, héo mòn, em nói: “Mẹ đối xử với con và ông bà rất tốt. Mẹ mới chỉ về nhà được một thời gian, nhưng mẹ đã nỗ lực làm rất nhiều việc cho gia đình. Bác sỹ nói nếu mẹ không được điều trị ngay, mẹ sẽ không thể qua khỏi. Con không muốn mẹ ra đi, con không thể xa mẹ được. Con nhất định sẽ làm mọi cách để cứu mẹ.” Lời nói từ tận đáy lòng của một người con hiếu thảo khiến bất kỳ ai cũng xúc động. Họ từ lâu đã quên đi định kiến với một mối quan hệ mẹ kế con chồng, họ chỉ thấy tình mẫu tử, tình người cao đẹp trong từng hành động và lời nói của hai mẹ con, từ cuộc sống hàng ngày cho tới những lúc gian truân như thế này.

Vì thế, bất chấp cái nóng cháy da cháy thịt và nhiệt độ ngoài trời có thể lên tới 43,5 độ C vào lúc đỉnh điểm, cậu bé gày gò, đầu trần vẫn một mình đi lang thang khắp các con phố để nhặt ve chai, nhặt rác kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ. Em không sợ bẩn, không sợ khổ, không sợ nắng, vì dường như tất cả tâm trí của em đều đặt cả vào việc cứu mẹ, tất cả trái tim của em đong đầy tình yêu và lòng biết ơn mẹ.

Và người ta còn cảm thấy kinh ngạc và khâm phục hơn khi giữa cái nắng nóng muốn đốt cháy con người, em vẫn không một chút kêu than, không một chút ngập ngừng, không một chút tuyệt vọng. Trong lúc đi nhặt ve chai, trên cổ Wang luôn đeo một tấm biển bằng bìa các-tông với dòng chữ: “Xin hãy giúp đỡ mẹ kế và gia đình cháu” và ghi lại hoàn cảnh khó khăn của gia đình em cũng như tình trạng nguy kịch của mẹ.

Wang chia sẻ rằng cuộc sống dù vất vả nhưng em thấy rất vui, vì em làm được những việc nhỏ bé giúp đỡ gia đình. Nhìn những nụ cười hồn nhiên của em khi nhận được tiền từ việc bán ve chai, người ta cảm nhận được em đã nỗ lực làm việc như thế nào. Dù chỉ bán được một mớ ve chai 2,5 nhân dân tệ thôi nhưng cũng đủ để khiến em vui cả ngày. “Con có thể cứu dì khi nào có đủ tiền tiết kiệm”, em nói với một giọng vô cùng lạc quan như thế.

Có lẽ em không biết về số tiền viện phí khổng lồ 100.000 nhân dân tệ, cũng không biết rõ về tình trạng nguy kịch của mẹ em, nhưng em luôn ý thức rõ ràng mình cần phải làm gì. Trái tim của em biết em không thể bỏ mặc mẹ, và dù chỉ là nỗ lực nhỏ bé, em cũng sẽ không ngừng cố gắng, dù chỉ là một tia hi vọng mong manh, em vẫn giữ vững niềm tin vào một ngày mẹ em khỏi bệnh.

Sau giờ đi kiếm ve chai, em lại tới bệnh viện chăm sóc cho mẹ. Nhìn hai mẹ con bên nhau, nhìn nhau và khóc, ai cũng hiểu được tình cảm sâu đậm và nỗi niềm trong lòng họ. Câu chuyện của Wang và mẹ kế đã lay động trái tim của rất nhiều người. Họ cảm thông, trân trọng tình mẫu tử cao đẹp. Họ cũng thể hiện sự bất bình về những chính sách chăm sóc sức khỏe của chính phủ đối với người dân, và sự phân hóa giàu nghèo quá lớn trong xã hôi. 

Từ những người xa lạ, nhưng nhờ tình yêu thương chân thành, họ đã trở thành người thân, người quan trọng trong cuộc đời của nhau. Giữa lúc thiếu vắng sự ôm ấp, vỗ về, chăm sóc của người mẹ, Wang đã hạnh phúc biết bao khi mẹ kế xuất hiện và trao cho em tình thương của mẹ. Trong khi đó, người mẹ kế lại có một người con hiếu thảo như Wang, sẵn sàng làm tất cả, hi sinh không mệt mỏi để cứu cô, ở bên cô và tiếp thêm cho cô sức mạnh vượt qua bệnh tật và sự tuyệt vọng. Những gì họ trao cho nhau không phải tiền bạc, không phải sự giàu sang, họ trao cho nhau tình người cao đẹp khi đồng cam cộng khổ, khó khăn không bỏ rơi nhau. Dù trong hoàn cảnh nào cũng vẫn cố gắng để người kia được hạnh phúc.

Cũng như vậy, sự sâu sắc và thiêng liêng của một mối quan hệ không nằm ở khoảng thời gian người ta quen biết, không ở hoàn cảnh người ta xuất thân, không ở vị trí xã hội người ta đang đứng, mà nằm ở sự chân thành, bao dung, luôn suy nghĩ cho người khác, sẵn sàng gạt bỏ cái tôi của bản thân và đặt mình vào vị trí của họ để hiểu và cảm thông với họ. Mối quan hệ mẹ kế, con chồng không phải lúc nào cũng căng thẳng, lạnh nhạt, hờ hững như người ta vẫn nghĩ bởi vì trước khi một mối quan hệ được gắn cho những “nhãn hiệu”, nó đơn thuần là mối quan hệ giữa người với người.

Chúng ta hãy dùng tình yêu thương và tấm lòng bao dung, thuần khiết để phá bỏ mọi định kiến trên cuộc đời này, để con người đến gần nhau hơn. Và hãy dùng phần thiện lương vốn có trong con người mình để khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn, bởi vì con đường ngắn nhất trên cuộc đời này chính là con đường từ trái tim đến trái tim. Yêu thương người khác là yêu thương chính bản thân mình.

Nguồn ảnh dẫn qua: Afamily

Thủy Linh

Xem thêm: