Giữa những xô bồ, vội vã của cuộc sống, dường như không còn chỗ trống nào cho những câu chuyện cổ tích tình yêu, để rồi, trong một phút giây nào đó, nghe kể về một mối tình từng vì nhau mà hy sinh, vì nhau mà chờ đợi, ta chợt cảm thấy thì ra trên đời này vẫn còn tình yêu bình yên đến thế.
Bố mẹ của Dũng Đặng – cựu CEO Uber Việt Nam, chàng trai 32 tuổi sinh ra tại Hà Nội đã có một cổ tích tình yêu như thế. Anh bồi hồi nhớ lại: “Có mấy lần xúc động, mẹ tâm sự mẹ buồn vì chưa được khoác lên mình chiếc váy cưới bao giờ”, bởi vậy, anh đã luôn ấp ủ một ngày nào đó sẽ giúp mẹ chạm tay vào điều ước được làm cô dâu.
Không photoshop cầu kỳ, không kỹ xảo hiện đại, không bối cảnh hoành tráng… nhưng bộ ảnh cưới “muộn” của ông Cương (77 tuổi) và bà Thoa (70 tuổi) được chụp tại khuôn viên ngập nắng của trường Đại học Bách Khoa – nơi tình yêu bắt đầu, vẫn thu hút người xem bởi chính sự giản dị của nó, và đặc biệt là từ “tình yêu trải bao năm tháng” của cặp đôi “chưa bao giờ già”.
Anh Dũng kể, cách đây mấy chục năm về trước, bố mẹ anh Dũng đều công tác ở trường Bách Khoa. Bố khoá 4 còn mẹ khoá 11. Họ kết hôn năm 1972, khi bố anh đã ở tuổi 32, tính đến nay cũng đã được 45 năm, một chặng đường dài thật dài với biết bao sóng gió thăng trầm.
“Bố mẹ lấy nhau trong khi cái nghèo đeo đuổi vì lương công chức quèn lấy đâu ra tiền tổ chức đám cưới tươm tất. Giường cưới chỉ là tấm phản cọt kẹt nằm trong góc nhà bà nội tôi ở quê, chuột thỉnh thoảng vẫn chạy qua chạy lại. Áo cưới là thứ xa xỉ sao dám mơ – mẹ bảo thế. Mà cũng đúng thật, bố mẹ bạn bè tôi trên 60 tuổi cũng không có mấy người được khoác lên mình bộ váy cưới. Mẹ tôi theo bố, ngoài tình yêu ra chẳng có gì. Thời bao cấp ai cũng nghèo, đói trường kỳ”.
Rồi sau khi bà Thoa sinh con trai đầu lòng, ông Cương lại được cử đi nước ngoài học tập, công tác. Bà ở lại Hà Nội một tay tần tảo nuôi con. Đứa thứ nhất, rồi đứa thứ hai cứ thế lớn lên trong cuộc sống chỉ có mẹ và những cánh thư của bố được gửi mỗi 6 tháng 1 lần trong suốt năm năm.
“Những năm 70 thông tin liên lạc khó khăn lắm, bố tôi đi nghiên cứu sinh bên Gruzia gần 5 năm mà chỉ có thể phần nào lấp đầy nỗi nhớ qua những phong thư 6 tháng mẹ mới nhận được một lần. Mẹ tần tảo nuôi anh Hà lớn lên. Rồi bố lại đi Algeria, thông qua chương trình của chính phủ Việt Nam gửi giáo sư sang đó. Bố lại đi và mẹ lại ở nhà sinh và nuôi tôi lớn. Bố mãi vất vả làm việc xứ người gửi tiền về nuôi ba mẹ con, còn mẹ một mình cáng đáng việc nhà nuôi anh tôi và tôi nên người. Bức tranh cuộc đời bố mẹ giống nhau kỳ lạ, đó là luôn cách xa và luôn hy sinh vì gia đình, vì các con. Còn cái Tôi? Thôi để sau. Đến bây giờ, khi tuổi đã xế chiều nhưng bố mẹ vẫn lo tiết kiệm từng đồng cho con cái. Đến mức, ông bà chẳng bao giờ chịu đi taxi mà cần đi đâu sẽ đi xe buýt “cho khỏe”.
Vậy đấy, có những tình yêu nảy nở và được nuôi dưỡng trong gian khó. Họ cứ sống trong chờ đợi và mong mỏi, để rồi, sau mấy chục năm nhìn lại, thanh xuân đã vụt qua từ lúc nào, thứ quý giá nhất họ có với nhau ở hiện tại là những đứa con khôn lớn, cuộc sống bình yên trở lại và vợ chồng không còn phải cách xa nhau vì chiến tranh.
Ngày nay, các bạn trẻ thường tiến đến hôn nhân qua những mối tình chóng vánh và những đam mê nhất thời, để rồi, khi hôn nhân không viên mãn, họ dễ dàng buông tay nhau thay vì chọn cách sửa chữa và vun đắp. Đã bao giờ bạn tự hỏi: Trong những tháng năm đằng đẵng của cuộc đời, đối diện với biết bao biến cố, ta có thể sống nghĩa tình với nhau mãi mãi, đó chính là điều hạnh phúc nhất?
Chúng ta trong đời này, có thể gặp gỡ, quen biết và chung sống cùng nhau là một vinh hạnh to lớn, vậy nên, hãy dùng tất cả trái tim để trân quý nhau.
Thực ra, có thể nắm tay nhau bình an đến cuối đời vốn không cần một tình yêu quá lãng mạn, mà rất cần sự chung thủy và bao dung, nhưng mà sự bao dung ấy lại thể hiện một tình yêu chân thành và sâu sắc nhất. Người thực sự yêu thương bạn, chính là người mãi mãi không buông tay, là người có thể vì bạn mà nhẫn nại, bao dung bất kể hoàn cảnh nào.
Linh An