Thế giới ảo đôi khi lại là một nơi vô cùng nguy hiểm. Chúng ta dễ dàng bị dẫn dắt vào những câu chuyện không có thật, thiếu chính xác, sẵn sàng chỉ trích, mắng nhiếc người khác chỉ vì một bức ảnh mà có thể bạn hoàn toàn không biết được sự thật phía sau.
Một người mẹ trẻ ở Illinois, Hoa Kỳ đã phải chịu hàng ngàn lời chỉ trích vì khoảnh khắc cô để con gái nằm dưới sàn tại sân bay bị ghi lại. Họ nói cô là người mẹ “nhẫn tâm, độc ác…” khi đối xử với con mình như thế. Nhưng sự thật…
Molly Lensing, người mẹ trẻ trong câu chuyện, đang ở sân bay Colorado cùng con gái khi khoảnh khắc đó được ghi lại. Họ đang đợi chuyến bay trở về nhà sau khi đi thăm họ hàng. Lúc ấy, một người đàn ông đã chụp, đăng tải lên mạng xã hội cảnh tượng đứa con nhỏ của cô đang nằm ở trên sàn nhà, và trên tay cô là chiếc điện thoại smartphone, với lời nhận xét:
“Nhà bác học Albert Einstein từng nói: “Tôi sợ một ngày nào đó, công nghệ sẽ lấn át sự tương tác của con người chúng ta. Thế giới chỉ còn một thế hệ của những kẻ ngốc”.
Ngay lập tức, Lensing phải chịu vô số “gạch đá” và những lời chỉ trích thậm tệ. Nhưng sau đó người mẹ trẻ đã lên tiếng giải thích. Khi nghe lời chia sẻ của cô thì mọi người đã thay đổi hoàn toàn cái nhìn.
“Chúng tôi mắc kẹt tại sân bay hơn 20 tiếng. Hệ thống máy tính tại sân bay bị trục trặc khiến chuyến bay không tài nào khởi hành được”.
“Anastasia đã nằm trong vòng tay tôi nhiều giờ liền. Tay tôi lúc đó như rã rời, còn con bé có vẻ khó chịu vì đã nằm trong tay tôi khá lâu. Tôi bèn lót khăn và đặt Anastasia xuống sàn, sau đó còn phải nhắn tin về cho gia đình lý do tại sao lúc này mình vẫn chưa về đến nhà…”,cô Lensing chia sẻ.
Cô Lensing rất buồn vì chuyện này. “Tôi có cảm giác quyền riêng tư của tôi bị xâm phạm. Tôi sợ đồng nghiệp và sếp sẽ nhìn mình bằng ánh mắt thiếu thiện cảm. May mắn là điều đó không xảy ra, họ đều hiểu và biết rằng tôi không phải là người mẹ vô tâm như vậy”.
Hơn một năm đã trôi qua kể từ vụ việc ấy, những bình luận ác ý vẫn còn hiện hữu trong tâm trí của Lensing. Nhưng cô đã học được cách để đối mặt với điều đó.
“Tôi mặc kệ những lời đàm tiếu, chỉ trích ấy. Những người thân xung quanh thực sự hiểu tôi là người như thế nào. Tôi không thể chiến thắng cộng đồng mạng nhưng tôi biết rằng mình sẽ dành hết tình yêu thương cho con và trở thành một người mẹ tuyệt vời nhất”.
Chắc hẳn ai cũng đã một lần tin “sái cổ” vào những thông tin thất thiệt trên mạng, để rồi vỡ lẽ ra sự thật chưa hẳn là như thế. Cô Lensing đã phải chịu áp lực tinh thần vô cùng lớn chỉ vì một hiểu lầm nhỏ.
Người chụp bức ảnh đó có thể có cách ứng xử khác thay vì đăng tải nó lên mạng xã hội. Ví dụ, họ có thể đến gần và hỏi han, “nhắc nhở” cô rằng hành động để em bé nằm trên sàn là hành động không tốt. Việc tự ý đăng tải một bức ảnh lên mạng mà chưa thực sự hiểu chuyện gì đã xảy ra có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Có nhiều người đã tự sát vì áp lực tinh thần quá lớn trong những trường hợp tương tự.
Qua câu chuyện trên, chúng ta có lẽ cần nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh để có thể đưa ra kết luận chính xác nhất. Không chỉ vậy, mọi nhận xét, đánh giá đều cần dựa trên sự thấu hiểu, cảm thông và lòng từ bi nhân ái. Bởi trong thời đại mà mạng xã hội lên ngôi, người ta chỉ biết được thông tin qua những bức ảnh, những dòng status, những video, thì việc xác thực lại thông tin trước khi buông lời nhận xét là vô cùng quan trọng.
Hơn nữa, trong cuộc sống ai cũng đều có thể mắc sai lầm, và mọi chuyện sẽ được giải quyết khi chúng ta biết mở rộng tấm lòng, bao dung người khác. Chỉ trích và trách móc sẽ không làm mọi chuyện tốt đẹp hơn. Hy vọng trong tương lai, chúng ta sẽ có cái nhìn cởi mở và nhân ái hơn nữa để những trường hợp đáng tiếc như của Lensing không xảy ra.
Nguồn ảnh: NTD.TV
Tuấn Vũ