Nhiều phụ huynh ý thức được không nên sử dụng bạo lực trong giáo dục con cái song đứng trước cơn giận dữ bất chợt, họ vẫn không thể kiểm soát được hành vi của mình, buông lời mắng chửi, hay đánh con, để rồi sau đó lại thấy day dứt tội lỗi.

Áp dụng 6 phương pháp đơn giản sau sẽ giúp cha mẹ khống chế cơn nóng giận trong hành trình nuôi dạy con.

Nhận thức được dấu hiệu cơn giận

Bạn thường tức giận khi nào, khi con lười ăn, con bày bừa đồ đạc hay khi con bị điểm kém? Thời điểm bạn tức giận cơ thể thường có những dấu hiệu gì? Bức bách vùng ngực, giọng nói cao và to hơn, bàn tay nắm chặt hay cơ thể đổ mồ hôi? Nếu bạn có thể biết được đặc điểm cơn giận giữ của chính mình thì khi cảm xúc đến, bạn sẽ có khả năng nhận thức để kiềm chế cơn giận. Và chỉ khi cha mẹ giữ được bản thân bình tĩnh trước lỗi lầm của con thì mới không phát sinh hành vi đánh con theo bản năng.

Đặt mình vào vị trí của con

Chênh lệch độ tuổi giữa cha mẹ và con cái trung bình là 20 năm. Bạn không thể yêu cầu con trẻ cư xử như một người trưởng thành, chúng cần thời gian để học hỏi và khôn lớn. Hãy thử đặt mình vào vị trí của một đứa trẻ để hiểu tại sao chúng lại mắc lỗi như vậy. Cách làm này sẽ giúp bạn dễ thông cảm và bình tĩnh hơn khi gặp tình huống con mắc lỗi.

6 bước kiềm chế trước khi vung tay đánh con trẻ
Thử cố hiểu trẻ nghĩ gì trước khi đánh mắng (Ảnh: soha.vn)

Tích lũy hiểu biết về hậu quả của bạo lực

Cha mẹ cần tự trang bị tốt kiến thức, hiểu biết về hậu quả của đòn roi trong giáo dục con cái. Những hành vi bạo lực sẽ gây ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe thể chất và tinh thần ở trẻ, khiến tình cảm cha mẹ con cái rạn nứt ra sao, v.v. Khi con người lường trước được hậu quả của việc làm thì sẽ luôn có xu hướng kiểm soát hành vi tốt hơn trước khi quyết định thực hiện.

6 bước kiềm chế trước khi vung tay đánh con trẻ
Cơn giận dữ của cha mẹ có thể ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý con trẻ (Ảnh: news.zing.vn)

Hít thở sâu

Cơ thể người sẽ tiết ra hoóc-môn adrenaline khi bị rơi vào tình huống căng thẳng hay tức giận. Việc hít thở sâu sẽ giúp chúng ta giảm đáng kể lượng adrenaline trong não. Carlos Coto, một nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về hoạt động của bộ não gợi ý về kỹ thuật thở 4:4, hít vào trong 4 giây, giữ hơi thở trong 4 giây, rồi thở ra chậm rãi trong 4 giây để giúp bản thân lấy cân bằng. Cha mẹ có thể áp dụng kỹ thuật này trong cuộc sống để kiểm soát được cơn giận giữ trước khi để xảy ra những hành vi không hay với con trẻ.

Học cách xin lỗi con

Người lớn không phải lúc nào cũng luôn đúng. Trong rất nhiều tình huống, sau khi trách phạt cha mẹ mới nhận ra con cái mình bị oan; tuy nhiên, không có nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng xin lỗi trẻ. Bất cứ ai cũng không thích phải thừa nhận lỗi lầm và xin lỗi người khác, nhất là với một người “dưới tầm” mình. Thế nhưng, nếu cha mẹ có thể ý thức được bản thân phải chịu trách nhiệm về những hành vi sai của mình, thì khi gặp tình huống tương tự, chính họ sẽ có khả năng khống chế bản thân tốt hơn để tránh lặp lại sai lầm

Luôn ý thức “Mình chính là tấm gương phản chiếu cho con”

Đây cũng là cách hay để phụ huynh kiềm chế cơn tức giận. Cha mẹ là những người thầy đầu tiên và gắn bó với con cái hết chặng đường đời. Cha mẹ thường nghĩ đánh mắng con là để rèn giũa con nên người nhưng lại không ý thức được lời nói và hành động của mình sẽ tập nhiễm cho con trẻ. Và dĩ nhiên, không ai muốn con cái mình lớn lên trở thành những kẻ cục cằn và nóng tính.

6 bước kiềm chế trước khi vung tay đánh con trẻ
Con cái chính là hình ảnh phản chiếu của cha mẹ (Ảnh: imagui.com)

Ranh giới giữa dạy dỗ, giáo dục với bạo lực, ngược đãi là rất mong manh. Hãy luôn nghĩ rằng mình là tấm gương cho con, khi có suy nghĩ như vậy, bạn sẽ biết kiểm soát tốt tâm trạng và dành cho con những lời khuyên hữu ích nhất thay vì nổi những cơn thịnh nộ.

Minh Lan