Sau khi vợ qua đời, gia tài hiện tại của người đàn ông 38 tuổi chẳng có gì ngoài căn nhà lụp xụp cùng với 8 đứa con thơ dại. Một ngày của anh Hách “gà trống nuôi con” quanh quẩn bên mấy sào ruộng, cơm nước và bốn năm chậu quần áo của lũ trẻ.
Nếu chúng ta có thể tự thay đổi số phận và cuộc đời của mình, hẳn ai cũng sẽ chọn một lối đi không có nhiều ngang trái. Hoàn cảnh của anh Hách ở Mỹ Hào, Hưng Yên, một mình gà trống nuôi 8 con thơ vì vợ anh đã mất khi đang mang thai đứa con thứ 9, khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Vẫn biết con cái là lộc trời cho, vẫn biết con người vốn là tài sản vô giá không thứ gì có thể so sánh, nhưng điều gì quá lại là không tốt, vì khả năng của con người là có giới hạn.
Vì sinh liên tục tới 9 người con, sức khỏe của vợ anh không đảm bảo khi đang mang thai đứa con thứ 9, và rồi hai mẹ con đi về thế giới bên kia, để lại dương gian 8 anh chị đang tuổi ăn tuổi lớn, lạc lõng giữa dòng đời cùng bao sự khốn khó ngổn ngang.
Sòn sòn 8 đứa con, vợ mất khi mang thai đứa thứ 9
Căn nhà cấp 4 của anh Hách nằm sâu trong làng so với mặt đường đất, gạch lởm chởm khiến ai cũng lầm tưởng là một căn nhà hoang bởi nó đã quá cũ kỹ, tuềnh toàng. Bốn bức tường nham nhở những mảng vữa vỡ, mục nát đến trơ cả lớp gạch cũ đã mủn, thi thoảng còn có vài vết nứt rạn, loang lổ như có rễ cây vô hình bám vào. Lớp mái ngói đổ màu đen xì, đôi chỗ chồng chềnh, chắp vá.
Bên trong căn nhà không có thứ gì giá trị ngoài chiếc giường gỗ cũ và bộ bàn ghế bạc thếch. Nhà đông con mà không có mẹ, mọi sự bừa bộn ngổn ngang, cộng thêm phần lạnh lẽo, trống vắng vì thiếu hơi ấm và tình yêu thương, sự chăm lo vun vén của người phụ nữ. Thiên chức của mẹ trong gia đình có nhiều điều mà làm bố không thể nào thay thế được.
Cửa ra vào, cửa sổ đều được ghép từ những mảnh gỗ cũ, qua thời gian đã bị cong, mối xông, mọt gặm.
4 bức tường cả trong và ngoài đều nham nhở, bong tróc vôi vữa.
Hai vợ chồng anh Hách cưới nhau năm 1999, đến nay có 8 người con còn ở lại với anh. Đứa lớn nhất 18 tuổi, nhỏ nhất 2 tuổi. Chia sẻ về việc tại sao đã nghèo còn sinh nhiều con, anh Hách thật lòng:
“Người lạ biết chuyện nhà tôi đông con, có người bảo chắc gia đình tôi bảo thủ, sinh toàn con gái nên cố đẻ nhiều để kiếm đứa con trai nối dõi tông đường. Nhưng nào phải thế.
Chúng tôi đã nếp tẻ đủ cả, hai vợ chồng cũng đã tìm cách kế hoạch hóa gia đình, hạn chế việc sinh con ngoài ý muốn. Vợ tôi còn đặt vòng tránh thai nữa, nhưng không hiểu sao cứ lâu lâu là lại thấy vợ có bầu. Có lẽ vì không hợp”.
8 đứa con lần lượt ra đời một cách dễ dàng, hai vợ chồng đồng tâm hiệp lực kiếm tiền nuôi con chẳng nề hà nhọc nhằn. Tưởng rằng cuộc sống của gia đình anh Hách cứ tàng tàng mà tiến với niềm vui của một gia đình đông con như thế, nhưng rồi tai họa bỗng nhiên đổ ập xuống khi vợ anh mang thai đứa con thứ 9.
Trong lúc mang thai, vợ anh Hách vẫn đi làm đồng bình thường, rồi không may bị ngã. Dù có đau nhưng vợ anh lại cố chịu đựng mà không nói cho chồng biết, đến mấy hôm sau vẫn không hết và thấy có những dấu hiệu bất thường, chị mới chia sẻ với anh. Anh Hách buồn rầu nhắc lại câu chuyện: “12 giờ đêm tôi đưa vợ lên bệnh viện trên tỉnh chụp chiếu thì biết thai chết lưu, không giữ được. Sau đó, tôi chuyển vợ lên viện ở Hà Nội nhưng cũng không kịp cứu cô ấy. Hai mẹ con đã bỏ tôi mà đi”.
Sự ra đi đột ngột của vợ khiến anh Hách chẳng còn kịp trở tay, anh mất đi sự sẻ chia công việc. Các con mất đi sự chăm sóc nuôi dạy của mẹ, mọi thứ trở nên bế tắc đến cùng cực, nhưng vì các con, anh vẫn cố gắng đứng dậy bằng mọi cách, dù chẳng biết chắc được rằng ngày mai mọi thứ sẽ ra sao.
Chị đi, để lại anh một mình với đàn con 8 đứa nheo nhóc. Cuộc sống vỗn đã túng quẫn, nay lại càng bần hàn hơn.
Khó khăn chồng chất khó khăn, anh Hách nhiều lần rơi vào tuyệt vọng, nhưng vẫn cố nhìn con mà sống.
Buồn hồi lâu, anh lại gượng dậy làm chỗ dựa cho con.
Cảnh gà trống nuôi cả đàn con: Loay hoay suốt ngày với mấy sào ruộng, giặt giũ, cơm nước
Gia cảnh rơi vào khốn khó, các con cũng mất đi nề nếp sinh hoạt cũ. Đứa lớn tự biết cảnh nhà, phải nghỉ học từ sớm, đi làm kiếm tiền phụ bố nuôi em. 1 đứa làm may, 2 đứa vừa học vừa làm ở xưởng mộc, tháng cũng gửi về cho bố được đôi ba triệu chăm em, lo cơm nước, giúp bố được chút nào hay chút ấy. 5 đứa nhỏ ở nhà, có 3 đứa đang trong độ tuổi học cấp 1 thì chỉ có 2 đứa đi học thôi, 1 đứa học mầm non và một đứa chỉ mới 2 tuổi, đang học nói, học đi.
Từng đó công việc trong nhà với một người đàn ông quả thật không dễ mà thực hiện được, anh Hách cả ngày quanh quẩn với các con, ăn uống, giặt giũ hết ngày.
Bữa ăn của 6 bố con hầu như chỉ có cơm và rau, hiếm hoi lắm mới có bữa thịt cá. Mấy đứa trẻ ăn uống thiếu chất, nom có vẻ hơi xanh, nhưng bù lại chạy nhảy ầm ầm, phơi nắng suốt ngày nên không mấy khi ốm. Vừa làm bố, vừa làm mẹ, anh Hách cũng có lúc buồn vì không thể chăm sóc các con tốt hơn, nhưng điều làm anh lo ngại nhất vẫn là căn nhà giột nát khi trời đổ mưa, bố con anh không thể ngủ được vì trong nhà cũng như ngoài sân.
Anh chia sẻ: “Đợt mưa vừa rồi, mấy bố con tôi chẳng ngủ được, chỉ ngồi ở một góc giường. Nhìn các con đêm không ngủ vì nhà dột, lắm lúc tôi chảy nước mắt nhưng chẳng biết làm thế nào. Trời mưa bão, sợ nhà đổ, tôi lại phải dắt các con sang nhà hàng xóm ngủ nhờ cho yên tâm“.
Anh cũng chia sẻ rằng vợ mất rồi nhưng các con đều còn nhỏ, chưa ý thức được sự mất mát đó nên thi thoảng lại hỏi: “Mẹ đi đâu rồi!’,nghe mà đau lòng lắm!’”.
Anh Hách không dám đi làm xa, chỉ ở nhà làm nội trợ, trông con.
Từ ngày vợ mất, anh thay vợ làm những công việc giặt giũ, cơm nước
6 bố con cứ quây quần bên nhau, cuộc sống sinh hoạt cũng chỉ diễn ra quanh quẩn từ nhà ra vườn, từ vườn vào nhà. Những đứa con của anh Hách hàng ngày vẫn vô tư chạy khắp sân nhà, tự chơi và trông nhau, khát nước thì múc nước mưa trong bể để uống. Anh cũng cố gắng cho một đứa con đi học, nhưng vừa rồi thằng bé 11 tuổi lại tự ý nghỉ học. Khi được hỏi, vì sao không đến trường, cậu bé đáp trống không: “Có tiền đã là may mắn lắm rồi!”. Câu nói của một đứa trẻ 11 tuổi thực sự khiến người nghe cảm thấy nhói lòng.
Những đứa trẻ – Gia tài của anh Hách
Anh Hách chia sẻ rằng bây giờ các con là nguồn sống còn lại của anh, anh sẽ cố gắng chăm sóc cho chúng được tốt nhất có thể, đói khổ một chút nhưng bố con còn nhìn thấy nhau cũng vẫn yên tâm hơn. Cũng có người nói anh cho con để người khác nuôi thì sẽ bớt khổ hơn và con anh cũng có một cuộc sống tốt hơn nhưng anh nói: “Cho thế nào được mà cho. Mình tạo ra chúng thì mình phải có trách nhiệm. Tôi biết, con ở với tôi chẳng được đủ đầy như con nhà khác, nhưng ruột thịt vẫn hơn. Ít nữa thằng cu út lớn lớn hơn tí, tôi đem đi gửi trẻ được thì sẽ có nhiều thời gian đi làm hơn, chăm lo cho chúng tốt hơn“.
Bọn trẻ con dù trời nóng hay lạnh vẫn sầm sập chân đất chạy nhảy tung tăng.
Chúng tự chơi với nhau, lúc thì ở trong nhà, lúc thì nghĩ ra mấy trò nghịch ngợm lấm lem.
Ánh mắt ngây ngô khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng bị ám ảnh, đau lòng.
Dù hiện tại còn nhiều vất vả nhưng anh Hách vẫn cố gắng làm chủ vận mệnh của mình. Mỗi ngày, anh đều quyết tâm để cuộc đời của các con được ổn định đủ đầy hơn, và được sống trong tình yêu thương chăm sóc của anh. Bà con lối xóm thương tình cũng hay cho các con anh đồng quà tấm bánh, điều đó khiến anh luôn cảm thấy rất cảm kích và xúc động.
Nguồn ảnh: afamily
Gia Viên – Minh Tú