Vào một ngày tháng 9 năm 1932 ở San Francisco, một phụ nữ nhập viện để sinh con. Ca sinh khó, buộc các bác sĩ phải dùng phooc-xê để can thiệp. Điều không may là, quá trình can thiệp này khiến đứa trẻ bị bại não, mất khả năng nói và vận động. Đứa trẻ ấy chính là Bill Porter.
Mọi người đều nghĩ Bill Porter bị tâm thần, các cơ quan giám định y khoa kết luận anh “không có sức lao động” và cho rằng anh không có khả năng làm bất cứ công việc nào. Chỉ có một người duy nhất, mù quáng tin tưởng vào cậu bé Bill Porter: mẹ anh. Bà luôn tin rằng anh là một đứa trẻ bình thường và có thể làm được mọi việc mà anh muốn. Đó là lý do tại sao từ khi còn nhỏ, mẹ luôn khuyến khích Porter tiếp tục khám phá và học hỏi, dù mọi người xung quanh luôn cười nhạo và châm chọc.
Không muốn phụ lòng người mẹ đáng kính, Bill Porter quyết tâm chọn nghề tiếp thị. Bill nộp đơn xin việc cho công ty Fuller Brush và ngay lập tức bị từ chối với lý do “anh thậm chí không thể cầm nổi một tờ giấy”. Dù rất thất vọng nhưng anh chàng vẫn quyết định thử vận may ở công ty Watkins thêm một lần nữa.
Ngay khi gặp Bill lần đầu ở văn phòng, người quản lý của Watkins liền từ chối. Bill Porter không cảm thấy quá lạ bởi cậu hiểu, với một người mà đến cả vận động và giao tiếp cũng bị hạn chế thì làm sao có thể bán được thứ gì đó. Tuy nhiên, người mẹ vẫn một mực tin tưởng con trai và động viên anh nên thử thêm một lần nữa. Ngày hôm sau Bill trở lại Watkins và yêu cầu được nói chuyện lại với người quản lý. Anh chàng xin được bán hàng ở khu vực khó khăn nhất, nơi mà không một nhân viên bán hàng nào sẵn sàng đến.
Người quản lý ngập ngừng, nhưng ông biết rằng anh chàng này sẽ không từ bỏ, cho đến khi có một cơ hội. Vậy nên ông miễn cưỡng đồng ý giao việc, với suy nghĩ rằng cậu ta rồi sẽ không thể trụ lại được mấy ngày và sẽ sớm bỏ cuộc thôi.
Ngày hôm sau, Bill Porter xuất hiện rất sớm. Công ty yêu cầu anh đến một nơi rất xa và khó có triển vọng bán hàng, tuy nhiên điều đó không làm nản chí chàng trai trẻ. Anh đến từng ngôi nhà, gõ cửa và chào hàng với một thái độ tốt nhất có thể, tuy nhiên, không một ai muốn mua sản phẩm.
Cho đến tận trưa, vẫn không có một đơn hàng nào. Bill buồn bã đi đến một công viên. Anh lấy đồ ăn được mẹ chuẩn bị cho bữa trưa ra và thấy một chiếc bánh sandwich đặc biệt. Người mẹ đã dùng nước sốt cà chua để viết lên đó từ “kiên nhẫn”. Điều này đã tiếp thêm động lực cho Bill tiếp tục cố gắng.
Với ý chí kiên cường, không bỏ cuộc, Bill dần dần chiếm được cảm tình của nhiều người vì sự đơn giản và sự nhiệt tình của anh. Chẳng mấy chốc, anh đã có đơn hàng đầu tiên của mình. Rồi cái thứ hai, thứ ba… và nhiều đơn nữa đến. Sau hàng triệu lần gõ cửa từng nhà, cuối cùng Bill Porter đã được công nhận là nhân viên bán hàng giỏi nhất của Watkins khu vực miền Tây và là nhân viên hiệu quả nhất từng làm việc tại Watkins.
Năm 1995, tờ The Oregonian đăng tải câu chuyện của Porter. Câu chuyện nhanh chóng nhận được sự quan tâm của mọi người, Bill Porter cũng trở thành đối tượng được giới truyền thông Mỹ “săn đón”. Rất nhiều người muốn gặp người đàn ông tuyệt vời này, và Bill thường xuyên nhận được hàng ngàn thư và cuộc gọi từ khắp nơi trên thế giới.
Chẳng mấy chốc, cậu bé bại não ngày nào đã trở thành một người nổi tiếng. Bộ phim điện ảnh “Door to Door” (2002) kể về cuộc đời Bill Porter được khán giả khắp nơi trên thế giới yêu thích và khen ngợi.
Bill Porter đã ra đi thanh thản vào năm 2013, ở tuổi 81. Cảm ơn ông đã để lại cho nhân loại một câu chuyện thật đẹp về một niềm tin mạnh mẽ rằng, với lòng chân thành và sự nhẫn nại, chúng ta có thể làm được mọi thứ. Đi đến tận cùng của nước mắt chính là những tiếng cười.
Bạn đang đọc bài viết: “Cậu bé bại não trở thành nhân viên bán hàng xuất sắc: Câu chuyện đầy cảm hứng của Bill Porter” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |