“Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”. Cậu bé Ấn Độ 15 tuổi đã lên kế hoạch đào ao tại một khu đất trống trong rừng, 27 năm sau kết quả khiến ai cũng nể phục.
Sinh ra trong ngôi làng gần như bị cách ly với thế giới bên ngoài, không điện, không nước như ở Saja Pahad, tỉnh Koriya, bang Chhattisgarh của Ấn Độ đã khiến cậu bé 15 tuổi tên là Shyam Lal làm nên kỳ tích bằng việc đào ao tích nước cho ngôi làng mình sinh sống.
Ngay từ bé, Shyam Lal đã chứng kiến cảnh ngôi làng phải sống trong điều kiện thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hơn 100 người dân và rất nhiều đàn gia súc đều trông chờ nguồn nước từ hai chiếc giếng làng. Tuy vậy, nhiều người lớn tuổi trong làng khi ấy đều không thể đưa ra giải pháp khắc phục khó khăn.
Trước những băn khoăn về cảnh nghèo đói của quê hương mình cộng hưởng với tinh thần lạc quan không ngại khó, Shyam Lal ấp ủ giấc mơ tạo ra một nơi để dự trữ nước cho làng. Sau một thời gian suy nghĩ, cậu bé Shyam Lal quyết định tìm một khu đất trống trong rừng để đào một cái ao lớn với hy vọng có thể tích trữ được nhiều nước cho dân làng.
Ngay khi Shyam Lal bắt tay vào công việc, đã có rất nhiều người cười nhạo và châm biếm hành động của cậu. Nhưng dường như, tất cả những điều đó đều không thể cản lại ý chí quyết tâm của tuổi 15 – không đủ cứng như sắt thép nhưng đủ nhiệt tình để xua tan mọi thành kiến.
Khi đã tìm được cho mình một địa điểm phù hợp, Shyam say sưa với công việc của mình, và gần như không ngừng nghỉ. Mỗi khi cảm thấy mỏi mệt, cậu lại mơ về tương lai rực sáng và niềm hạnh phúc của những người dân trong làng, vậy là cậu lại có thêm nghị lực để tiếp tục. Cứ vậy năm này nối qua năm khác, cậu cần mẫn với mục tiêu của mình và quên mất cả thời gian đang trôi.
Cho đến 27 năm sau, cậu bé Shyam ngày nào nay đã trở thành người đàn ông 42 tuổi. Kết quả của chặng đường dài ấy chính là anh đã hoàn thành giấc mơ thời trẻ của mình. Ông đã đào xong chiếc ao chứa nước cho cả ngôi làng, ao nước rộng tới 0,4 hec-ta và sâu 4,5 m, giờ là nơi chứa nước phục vụ cho rất nhiều hộ gia đình.
Giờ đây, đối với người dân trong làng, Shyam không chỉ là một ân nhân, mà còn là một tấm gương sáng cho sự kiên trì, sức dẻo dai bền bỉ và tấm lòng thiện lương vô hạn. Trong họ không chỉ là lòng biết ơn mà còn có sự cảm phục và kính nể.
Từ trước đến nay những người dân ở đây họ sống phụ thuộc hoàn toàn vào hai cái giếng, cho đến khi kỳ tích này xuất hiện ông Shyam Bihari Jaiswal, đại diện cho quan chức cấp cao tại địa phương, đã tới thăm làng Saja Pahad và gửi tặng 10.000 Rupees (khoảng 3,5 triệu đồng) cho những nỗ lực của ông Shyam Lal. Cuộc sống vốn dĩ vẫn là những gì do bạn tạo nên và mãi mãi sẽ là như thế.
Ai cũng có trong mình một giấc mơ lớn, mong mỏi thực hiện và hy vọng được thành tựu trong đời này. Tuy nhiên mê mang lớn nhất của con người lại chính là không bao giờ biết được đâu là điểm cuối của sự thành công hay thất bại. Có những hành trình kéo dài tới mức khiến người ta quên đi cả giấc mơ của chính mình. Nhưng nếu có thể ngay chính trong mê mang ấy vẫn giữ được cho mình một trái tim kiên định, niềm tin không phai nhạt, lòng nhiệt tình như thuở mới đầu thì ước nguyện ấy tất sẽ thành. Và Shyam là một trong những ví dụ để chúng ta tin điều đó là sự thật.
Nguồn ảnh: India Today
Gia Viên – Hồng Tâm