Sinh ra trong một gia đình 6 anh chị em tại huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, được đi học đại học là một may mắn rất lớn đối với cô gái nhỏ bé mang tên loài hoa của mùa thu. 

Nguyễn Thị Cúc hiện đang là nhân viên biên dịch Việt – Trung trong một cơ quan nhỏ. Hằng ngày, trên chiếc xe đạp điện cũ mới mua, cô gái trẻ tới văn phòng với tất cả lòng nhiệt thành và mong muốn được làm việc. Với Cúc, để có được ngày hôm nay, cô và mẹ đã cùng nhau nỗ lực rất nhiều.

Thành công của con là do mẹ vun bồi 

Gia đình Cúc có 6 chị em, nhưng chỉ có Cúc và em trai Út là có may mắn được đi học đại học, các chị lớn của Cúc đều đã nghỉ học từ sớm, đi làm để góp tiền với bố mẹ nuôi hai em ăn học. Đối với những gia đình nghèo ở nông thôn, học đại học là một cái gì đó thật xa xỉ: Bao nhiêu thứ tiền phải lo: tiền học, tiền ăn ở. Trên thành phố cái gì cũng đắt đỏ, mà ở quê, công việc đồng áng cũng không kiếm được nhiều tiền.

Thành công của con là do mẹ vun bồi.

Mẹ Cúc kể lại, bà đã không cho con gái đi thi đại học. Bởi bà sợ, con gái đỗ rồi lại không có tiền cho con đi học, thì biết phải làm sao, khi ấy, sự nuối tiếc còn lớn hơn nhiều lần. Nhưng cô bé Cúc khi ấy đã hiểu được điều gì mà em thực sự muốn làm. Cúc vẫn đi thi và đã đỗ. Ngày cầm tấm giấy báo đại học trên tay, niềm vui và nỗi lo cùng ùa về với Cúc, vui vì cánh cửa đưa em tới với một chân trời mới đã mở, còn lo vì cha mẹ sẽ vất vả thật nhiều nếu em lựa chọn đi tiếp con đường ấy.

Ngày đó, Cúc đã thuyết phục cha mẹ để em được đến trường, em không xin gì cả, chỉ xin cha cho em một tấm chữ, xin mẹ cho em được đến trường.

Thương tấm lòng hiếu học của con, nên mẹ Cúc đã đồng ý. Tuy nhà không có tiền, nhưng bà vẫn quyết định hy sinh cuộc sống của mình để cho con một cơ hội. Mẹ sẽ theo Cúc lên Hà Nội, bà sẽ làm thuê để kiếm tiền nuôi con ăn học.

Chân dung cô sinh viên bán đồng nát mua ước mơ đại học, nhỏ bé mà quả quyết.

Những tưởng con đường tới trường của Cúc chỉ còn cần sự kiên tâm, bền chí của em và mẹ. Vậy mà, để bước đến cánh cổng ấy, Cúc còn phải vượt qua rất nhiều những gian nan. Khi biết mẹ Cúc sẽ theo em lên Hà Nội đi học, các chị em đã thay nhau khuyên bảo Cúc hãy vì thương cha mẹ mà từ bỏ việc đến trường. Bởi mẹ Cúc không chỉ đã có tuổi mà thân thể còn mang nhiều bệnh tật. Bây giờ cùng em lên Hà Nội, mẹ sẽ càng thêm vất vả, và người cha già yếu của em sẽ không có ai chăm sóc.

Trong nhà là thế, ra tới hàng xóm, Cúc cũng nhận đủ những lời chê trách. Nhiều người cho rằng em ích kỷ, đến tuổi rồi không đi làm phụ cho cha mẹ, lại đua với chúng bạn, muốn đi học đại học. Thêm vào đó, người dân quê em nhìn nhận rằng, học đại học để rồi lại thất nghiệp, vậy đi học liệu có ích gì. Nhưng sự khuyên nhủ trong gia đình hay những lời bàn tán của xóm giềng không thể khuất phục cô gái nhỏ mạnh mẽ này. Hơn thế nữa, Cúc có thể vững tin vào con đường phía trước, bởi vì em đã có được sự ủng hộ hết lòng của mẹ.

Lời xin lỗi đến từ trái tim

Ra đến Hà Nội, mẹ Cúc đã bắt đầu làm nghề đồng nát để kiếm tiền cho em đi học. Cái nghề mà nhiều người coi thường vì là lao động tay chân, lấm lem và đôi khi là bẩn thỉu ấy đã giúp mẹ nuôi Cúc và sau này là cả em trai em ăn học. Phải mất một thời gian, mẹ con Cúc mới có thể làm quen với những cung đường Hà Nội, biết được những điều căn bản của nghề và có được những mối khách quen. Hai năm đầu tiên, khi có thời gian rảnh, Cúc lại lao đi làm thêm trong siêu thị hay cửa hàng để phụ tiền nhà, tiền ăn, đỡ được cho mẹ phần nào nỗi lo.

Con đường học hành vất vả là thế, nhưng với cô gái nhỏ này, công việc làm thêm và hình ảnh người mẹ lam lũ vất vả khiến em hiểu và quý trọng hơn khoảng thời gian em được học cùng bè bạn trên giảng đường và những giây phút quý giá được ngồi vào góc học tập nhỏ bên khung cửa sổ. Cuộc sống vất vả đủ để Cúc thấm thía giá trị những điều em đang có. Điều đó cũng chính là động lực để cô gái nhỏ nhắn nhưng luôn cười thật tươi này chăm chỉ, hết mình với việc học mỗi ngày.

Sau mỗi ngày học, cô bé vẫn làm thêm để phụ mẹ. Sau đó, em cũng trở thành “đồng nghiệp” của mẹ một cách đầy tự hào và nhiệt tâm.

Tới năm thứ ba đại học, một cơ hội cũng là một thử thách nữa đã đến với Cúc, khi em được chọn là một trong những sinh viên ưu tú tham gia Trao đổi sinh viên văn hoá giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc trong vòng 1 năm. Vinh dự này đặt gia đình nhỏ của Cúc trước một phen sóng gió. Để em được đi học, cha mẹ đã bán đi con trâu duy nhất – tài sản lớn nhất của gia đình.

Một lần nữa những lời trách móc, chê bai cũng không ngăn được quyết tâm học cho thành tài của cô bé. Cúc đã hoàn thành một năm học tại Trung Quốc với bằng HSK 4 (Bằng tiếng Hán có giá trị quốc tế) và rất nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ các sinh viên khóa sau. Một năm này sẽ trở thành vốn liếng quý giá cho hành trang xin việc của Cúc.

Sau khi trở về Việt Nam, Cúc nhanh chóng trở thành đồng nghiệp của mẹ sau mỗi giờ học. Bởi trường Cúc theo học ở Trung Quốc không dạy khá nhiều môn, nên khi trở về em phải học bù, thời gian vì thế cũng không còn phù hợp với những công việc làm thêm trước đây.

Công việc vất vả giúp Cúc hiểu hơn giá trị của những gì mình đang may mắn có được, đặc biệt là cơ hội được học hành.
Đồng nát đã trở thành nghề mà em quý trọng và biết ơn.

Từ khi đi đồng nát cùng mẹ, Cúc hiểu hơn nữa về những nhọc nhằn mẹ đã trải qua. Mẹ không tâm sự nhiều, nhưng Cúc hiểu mẹ đã hy sinh cho em nhiều đến nhường nào. Cô gái nhỏ vì thế đã nhanh chóng tự xóa đi những tự ti với bạn bè đồng trang lứa để vui vẻ làm “đồng nghiệp” của mẹ mỗi lúc có thời gian, bởi với em nghề đồng nát không phải là một niềm tủi hổ. Ngược lại, đó là nghề mà em quý trọng và biết ơn.

Vậy là, chiều chiều, người dân quanh xóm trọ lại nhìn thấy bóng hình quen thuộc của hai mẹ con Cúc đang cùng nhau chở những xe hàng to về nhà trọ để phân loại. Cúc còn mạnh dạn đăng tin nhờ các bạn bè của trường đại học Công nghiệp Hà Nội, nếu có đồ gì cần bán có thể liên lạc với Cúc và mẹ.

Trên con đường em đi, em đã may mắn có sự đồng hành quý giá của mẹ.

Không chỉ thương mẹ, cảm thấy biết ơn, mà Cúc vẫn canh cánh trong lòng một điều muốn nói với mẹ. Em muốn nói với mẹ lời xin lỗi chân thành nhất, bởi vì em mà mẹ đã phải chịu quá nhiều vất vả. Nhờ một chương trình truyền hình, Cúc đã viết một lá thư để bày tỏ nỗi lòng với mẹ. Khi mẹ Cúc cầm lá thư trên tay, nước mắt của hai mẹ con đã ướt nhòe đôi mắt.

Ước mơ của cô gái nhỏ trong lời xin lỗi ấy giản dị lắm:

“Con sẽ mua cho bố mẹ một con trâu, để bù lại con trâu bố mẹ đã phải bán vì con”.

Công lao được đáp đền

Nhưng đối với cha mẹ Cúc, cũng giống như biết bao những ông bố bà mẹ khác, điều quan trọng nhất với họ không phải là tài sản, cũng không phải là những năm tháng được con cái chăm sóc, mà đó chính là hạnh phúc của con. Dù có phải chịu khổ, chịu thiệt, nhưng những khổ đau và thiệt thòi ấy giúp con cái trưởng thành, bố mẹ vẫn sẽ luôn vui vẻ trải qua.

Những tháng ngày này, những điều Cúc cảm nhận được từ cuộc sống của mẹ sẽ khiến cô gái trở thành người mạnh mẽ, không khó khăn nào khiến em khuất phục.

Cuối cùng, những trái ngọt đầu tiên cũng đang đến với Cúc và mẹ cha. Trong thời buổi kinh tế khó khăn này, cô gái nhỏ nghị lực đã kiếm được cho mình một công việc. Tuy đồng lương chưa cao, nhưng Cúc đi làm với cái tâm mong muốn được làm việc, được cống hiến và được trở thành một người ưu tú trong công việc của mình. Hạnh phúc này chính là thành quả mà mẹ con em đã cùng nhau vun bồi, cố gắng.

Thành quả mà mẹ con em đã cùng nhau vun bồi, cố gắng.

Có lẽ món quà lớn nhất mà mẹ đã trao cho Cúc không đơn giản chỉ là số tiền để em được đi học, mà hơn hết thảy, mẹ đã giúp em hiểu được giá trị của lao động, của hy sinh. Duy chỉ có những điều cao quý ấy mới có thể giúp con người sống có ý nghĩa và có trong mình một tấm lòng thanh thản mà sống giữa cuộc đời.

Nguồn ảnh: Giadinh.net.vn

Hy Văn